Theo Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã (HTX) Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Cường, thời gian qua Chính phủ, các bộ, ngành đã thể chế hoá, ban hành và bố trí nguồn lực để thực hiện các chính sách hỗ trợ cụ thể đối với HTX, đặc biệt là hỗ trợ tiếp cận vốn và Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. Đến nay cả nước có 48 Quỹ hỗ trợ phát triển HTX do Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh, thành phố quản lý, với số vốn điều lệ trên 800 tỷ đồng, vốn hoạt động trên 1.600 tỷ đồng.
Ảnh minh họa |
Hoạt động của các Quỹ hỗ trợ phát triển HTX thời gian qua đã tạo kênh tín dụng quan trọng giúp các cơ sở kinh tế hợp tác, HTX tháo gỡ một phần khó khăn về vốn để đầu tư mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho một lượng lớn lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Cường cũng thẳng thắn chia sẻ, hoạt động của các Quỹ hỗ trợ phát triển HTX còn bộc lộ khó khăn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng nhu cầu rất lớn và đa dạng về vốn phát triển sản xuất kinh doanh của các cơ sở kinh tế hợp tác, HTX…
Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa có hành lang pháp lý thống nhất cho tổ chức và hoạt động của các quỹ. Còn tới 16/63 tỉnh, thành phố chưa thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. Trong khi đó các quỹ đang hoạt động chủ yếu là quy mô nhỏ, có tới gần 50% số quỹ có mức vốn dưới 10 tỷ đồng, thậm chí có quỹ vốn điều lệ chỉ từ 1-2 tỷ đồng. Đó là chưa kể đa phần nguồn vốn hoạt động của các quỹ từ nguồn ngân sách nhà nước cấp chứ chưa huy động được các nguồn lực từ thị trường.
Ông Nguyễn Văn Đoàn, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra một số bất cập trong hoạt động của các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. Theo đó, do khuôn khổ pháp lý chưa hoàn chỉnh nên hiện nay các quỹ hỗ trợ phát triển địa phương vận dụng nhiều quy định khác nhau dễ dẫn đến rủi ro về pháp lý cho hoạt động của quỹ, đồng thời cũng gây khó khăn trong việc quản lý, giám sát của các cơ quan nhà nước.
Đặc biệt, chưa có sự uỷ thác vốn cho vay giữa Quỹ Trung ương và địa phương nên xảy ra tình trạng có quỹ dư thừa nguồn vốn, có quỹ lại thiếu vốn để cho vay. Trong khi đó việc tiếp cận vốn vay từ quỹ này còn nhiều hạn chế do không ít các HTX có nhu cầu vay nhưng không đủ tài sản thế chấp, dự án xin vay còn đơn giản, sơ sài chưa đáp ứng yêu cầu…
Do vậy, để tháo gỡ khó khăn trên, theo nhận định của ông Đoàn cần sớm có hướng dẫn thành lập, tổ chức và hoạt động của các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX ở địa phương để giúp hoàn thiện hệ thống các quỹ từ trung ương đến địa phương. Từ đó, có căn cứ để mở rộng hơn các hoạt động hỗ trợ HTX tổ hợp tác và liên hiệp HTX.
Còn theo quan điểm của ông Nguyễn Mạnh Cường, cần có sự thay đổi trong cơ chế hỗ trợ vốn cho các HTX theo hướng quy định mở và rõ ràng hơn. Chẳng hạn, bổ sung việc cho vay các thành viên của HTX, bởi phát triển thành viên cũng là yếu tố quan trọng để phát triển HTX. “Nên bổ sung 4 đối tượng được vay từ quỹ, gồm HTX, Liên minh HTX, tổ hợp tác và thành viên. Bên cạnh đó, thủ tục cho vay cần đơn giản hóa, áp dụng cơ chế ưu đãi như mở rộng cho vay tín chấp, tập trung vào các HTX hoạt động có hiệu quả gắn với chuỗi giá trị. Đồng thời, cần có quy định thống nhất về quản trị rủi ro để tăng tính an toàn cho quỹ”, ông Cường đề xuất thêm cơ chế hỗ trợ cho sự phát triển của HTX.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, hiện bộ đang xây dựng và lấy ý kiến đóng góp từ các bộ, ngành, đơn vị liên quan về Dự thảo Nghị định thành lập, tổ chức và hoạt động Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. Dự kiến Nghị định sẽ bổ sung thêm 2 nhiệm vụ mới là bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ lãi suất sau đầu tư theo quy định tại Luật HTX và Nghị định 193/2013/NĐ-CP. Các hoạt động hỗ trợ này sẽ được quy định cụ thể để đảm bảo đồng bộ thống nhất, chặt chẽ trong triển khai thực hiện từ trung ương đến địa phương…
Đóng góp vào dự thảo này, đại diện một số HTX cho rằng, cần xem xét lại một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn. Cụ thể, việc quy định vốn điều lệ thực hiện tối thiểu phải có tại thời điểm thành lập là 100 tỷ đồng do ngân sách tỉnh cấp là điều khó khả thi bởi hiện nay các quỹ đều có quy mô vốn dưới con số này, ở mức rất thấp. Vốn điều lệ của các quỹ nên căn cứ vào tình hình ngân sách địa phương nên để từng địa phương cân đối cho phù hợp.
Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển Trung ương, ông Phạm Công Bằng đề nghị xem xét việc quy định cho vay vốn đối với các HTX. Theo dự thảo chỉ cho HTX vay vốn đầu tư nhưng thực tế HTX cần cả vốn vay lưu động chứ không chỉ cần vốn đầu tư. Quy định khác nên cân nhắc sửa đổi là không cho các HTX phi nông nghiệp được vay vốn trong khi đối tượng này chiếm tới gần 50% số lượng HTX hiện nay. Vì thế, nếu chỉ quan tâm đến HTX nông nghiệp là chưa đủ.
Huyền Khanh/thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã