Học tập đạo đức HCM

Đình chỉ kinh doanh những sản phẩm ớt bột có thể gây ung thư

Chủ nhật - 20/05/2018 20:51
Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa công bố thông tin chính thức quanh vụ 100% mẫu ớt bột được thu thập nhiễm chất Aflatoxin có thể gây ung thư và yêu cầu đình chỉ kinh doanh những sản phẩm ớt bột có Aflatoxin vượt ngưỡng...

Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa công bố thông tin chính thức quanh vụ 100% mẫu ớt bột được thu thập nhiễm chất Aflatoxin có thể gây ung thư. Kết quả kiểm tra cho thấy, có tới 95 mẫu/262 mẫu, chiếm 36,25% số mẫu phát hiện, có dư lượng chất Aflatoxin vượt ngưỡng cho phép.

Cụ thể, sau khi có thông tin 100% mẫu ớt bột thu thập đều nhiễm Aflatoxin có thể gây ung thư của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh công bố, Thanh tra Bộ cùng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản và Cục An ninh kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp (A86) tiến hành xác minh.

Các đoàn đã kiểm tra đột xuất tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh ớt bột của 11 địa phương ở cả 3 vùng gồm: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, TPHCM, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước. Nội dung kiểm tra tập trung vào điều kiện bảo quản ớt khô nguyên liệu, ớt bột khô sau chế biến tại cơ sở sản xuất và ớt bày bán tại cơ sở kinh doanh (các chợ và siêu thị) và tiến hành lấy mẫu phân tích chỉ tiêu an toàn thực phẩm Aflatoxin B1 và Aflatoxin tổng số.

o2.jpg
Đoàn kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh bột ớt có chứa chất Aflatoxin. (Ảnh: Internet)

 
Với 262 mẫu ớt bột, ớt khô nguyên liệu được kiểm tra, kết quả cho thấy, số mẫu vượt ngưỡng dư lượng Aflatoxin cho phép là 95 mẫu/262 mẫu, chiếm 36,25%. Trong đó, tại cơ sở sản xuất, kho bảo quản chiếm 30,7%; tại hộ kinh doanh trong chợ chiếm 48,6%; tại siêu thị chiếm 21,6%.

Nguyên nhân được xác định do hầu hết các cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản, kinh doanh ớt bột khô là quy mô hộ gia đình, điều kiện chế biến, bảo quản không đảm bảo dẫn tới có độc tố vi nấm Aflatoxin trong sản phẩm ớt bột.

Ngoài ra, nhiều nơi có độ ẩm cao, mưa nhiều, không có thiết bị sấy, chủ yếu phơi tự nhiên, bao gói sơ sài dẫn đến ớt bột thường bị nhiễm nấm mốc Aspergillus flavus, Aspergillus parasiticus, đây là nguyên nhân chính sinh ra độc tố Aflatoxin. 

Qua kiểm tra, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã yêu cầu các cơ sở sản xuất chưa đảm bảo điều kiện sản xuất như không có phòng bảo ôn hoặc hút ẩm... phải khắc phục ngay điều kiện sản xuất rồi mới được sản xuất tiếp.

Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các cơ sở nghiêm túc xem xét lại khâu bảo đảm điều kiện sản xuất, điều kiện bảo quản theo quy định pháp luật; kiểm tra, giám sát chất lượng từng lô hoặc kiểm tra xác xuất đối với ớt bột nói riêng và các hàng nông sản có nguy cơ lây nhiễm nấm mốc nói chung (lạc, đỗ, hồ tiêu, điều…) để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và nòi giống người Việt Nam.

Đoàn đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 5 cơ sở sản xuất, nhập khẩu có vi phạm và trình chánh thanh tra ban hành 5 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 110 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi và tiêu hủy toàn bộ số hàng vi phạm còn tồn trên thị trường và chịu mọi kinh phí cho việc thu hồi và tiêu hủy hàng vi phạm.

Thông báo cho Ban quản lý các chợ tiến hành xử lý và đình chỉ kinh doanh những sản phẩm ớt bột có Aflatoxin vượt ngưỡng...

Khánh Hòa: Tôm hùm chết hàng loạt, người dân hoang mang

Người dân trên đảo Bình Ba (Cam Ranh, Khánh Hòa) đang điêu đứng vì hàng chục nghìn con tôm hùm trọng lượng từ 0,3-0,4kg chết hàng loạt.

Thời gian gần đây, tại các vùng nuôi tôm hùm TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) xuất hiện tình trạng nhiều thủy sản chết, chủ yếu là tôm hùm.

Vùng nuôi bị ảnh hưởng nặng nhất là phường Cam Phúc Nam, tại đây có 350 hộ nuôi tôm hùm với tổng số hơn 2.400 lồng. Hiện nay, tỷ lệ tôm hùm chết ở khu vực này chiếm khoảng 10 - 20%. Trong khi đó, tỷ lệ tôm hùm chết ở phường Cam Phú chiếm khoảng 5 - 10% trong tổng số gần 4.000 lồng nuôi.

Theo bà Lê Thanh Hòa, ngụ phường Cam Phúc Nam, gia đình nuôi gần 60 lồng với hơn 30.000 tôm hùm xanh và bông. Mới đây, khi kiểm tra tôm nuôi, bà phát hiện tôm trong lồng bỗng nhiên chết. Lúc đầu vài con, sau đó tăng dần số lượng, không rõ nguyên nhân nên gia đình bà rất hoang mang và lo lắng.

o3.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Đại diện lãnh đạo UBND xã Cam Bình, toàn đảo Bình Ba có gần 60.000 con tôm hùm của 34 hộ bị chết, tổng thiệt hại khoảng 9 tỷ đồng. Địa phương đã báo cáo thành phố để xem xét, hỗ trợ thiệt hại cho dân.

Theo cơ quan chức năng TP. Cam Ranh, nguyên nhân ban đầu có thể là do các vi sinh vật có hại trong nước, kí sinh trùng bệnh sữa gây hại khiến tôm bỏ ăn và chết dần. Tuy nhiên, cũng không loại trừ các nguyên nhân khác.

Bà Nguyễn Thị Hương - cán bộ khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm TP. Cam Ranh, cho hay: “Trong số gần 30.000 lồng nuôi trồng thủy sản trên vịnh Cam Ranh thì có đến 29.300 lồng nuôi tôm hùm, tập trung chủ yếu tại các địa phương: Cam Bình, Cam Linh, Cam Phúc Bắc, Cam Phúc Nam, Cam Phú… Hiện nay đang xảy ra hiện tượng tôm chết do bị bệnh sữa, nặng nhất là Cam Phúc Nam, Cam Linh, Cam Phú. Theo dấu hiệu bệnh lý thì tôm hùm nuôi ở các địa phương của TP. Cam Ranh chết là do nhiễm bệnh sữa, tác nhân là do vi khuẩn ký sinh nội bào giống như Rickettsia gây ra.

Từ nghiên cứu của mình, các nhà khoa học khuyến cáo người nuôi tôm hùm để khắc phục tình trạng này đối với bệnh sữa, người nuôi cần áp dụng các biện pháp phòng, trị bệnh tổng hợp, từ khâu chọn vùng nuôi cho đến khi xuất bán. Cụ thể, cần chọn vị trí đặt lồng nuôi phù hợp, nằm trong quy hoạch của địa phương. Ngoài ra, người dân cần chủ động kiểm tra nguồn nước và vệ sinh hàng ngày các lồng nuôi; lựa chọn thức ăn cho tôm đảm bảo hợp vệ sinh, đủ dinh dưỡng, bổ sung thêm các loại thức ăn bổ sung, vitamin C và men tiêu hóa vào khẩu phần thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho tôm;  tách tôm hùm bị bệnh và chết riêng tránh tình hình phát sinh dịch bệnh; việc mua bán tôm hùm giống, sử dụng thức ăn tươi cần được khử trùng…

EC kiểm tra việc khắc phục "thẻ vàng" về thủy sản tại Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết bắt đầu từ 15/5 đến 25/5/2018, đoàn kỹ thuật của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ bắt đầu đi kiểm tra thực tế tình hình khắc phục "thẻ vàng" trong lĩnh vực thủy sản tại Việt Nam.

Đoàn công tác của EU sẽ kiểm tra ngẫu nhiên việc thực hiện khắc phục "thẻ vàng" tại một số địa phương ven biển, từ đó đánh giá khách quan về việc Việt Nam báo cáo và thực hiện có đúng không; đồng thời kiểm tra sự chuyển biến đã đạt mức yêu cầu của EC hay chưa.

o6.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

"EC cũng không thông báo sẽ kiểm tra cụ thể ở những địa phương nào. Chúng ta cũng không cần thiết phải chuẩn bị ở cụ thể địa phương nào và định hướng để EC đi kiểm tra. Chúng ta thực hiện với tinh thần tất cả các tỉnh và toàn quốc phải thực hiện thực sự. Chúng ta đã làm được gì thì sẽ thông báo cụ thể cho EC, do vậy cũng không phải chuẩn bị trước những nơi làm tốt rồi mới mời đoàn của EC tới kiểm tra," Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương đã sẵn sàng tất cả các nội dung theo yêu cầu từ đoàn kiểm tra của EC.

Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã nói: "Chúng ta sẽ không giấu giếm thông tin những việc chúng ta đã làm được, những việc chưa làm được và mong nhận được sự góp ý của EC về những vấn đề còn khiếm khuyết. Thậm chí, chúng ta cũng đề xuất hợp tác, để EC giúp Việt Nam về năng lực, kỹ thuật hay những vấn đề khác mà Việt Nam còn hạn chế. Việt Nam thể hiện tinh thần cầu thị."

Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, với sự chuẩn bị chu đáo, mong rằng EC sẽ đánh giá được các nỗ lực của Việt Nam và hy vọng Việt Nam sớm thoát khỏi "thẻ vàng."

Trước đó, ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã rút "thẻ vàng" đối với thủy sản khai thác của Việt Nam và đưa ra 9 khuyến nghị mà Việt Nam cần khắc phục trong thời gian 6 tháng (đến ngày 23/4/2018). Sau thời hạn đó, EC sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá việc khắc phục 9 khuyến nghị và xem xét gỡ "thẻ vàng" cho thủy sản Việt Nam.

Đến nay, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc khắc phục "thẻ vàng" của EC, chỉ đạo quyết liệt từ trung ương đến địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để khắc phục 9 khuyến nghị mà EC đưa ra nhằm tiến tới gỡ "thẻ vàng" đồng thời hướng tới một nghề cá có trách nhiệm.

Mỗi năm, Việt Nam sử dụng 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hiện nay, Việt Nam đang sử dụng thuốc bảo vệ thực vật 100.000 tấn/năm. Sự lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật gây độc hại cho chính người sản xuất, cộng đồng.

Đây là con số được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đưa ra tại Hội nghị “Định hướng về công tác bảo vệ thực vật trong tình hình mới”, do Bộ này tổ chức sáng nay (15/5), tại Hà Nội.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đang tồn tại nhiều bất cập, gây độc hại cho chính người sản xuất và cộng đồng, giảm sự cạnh tranh của sản phẩm, gây thoái hóa đất đai…

o7.jpg
Việt Nam đang sử dụng thuốc bảo vệ thực vật 100.000 tấn/năm. (Ảnh: Internet)

"Một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật vẫn lệ thuộc vào nhập khẩu, do đó, để việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý hơn, trước hết phải giảm về mặt cơ học, đặc biệt phải có lộ trình ngay với nhóm thuốc trừ cỏ, nhóm có độc tố cao được sản xuất từ lâu, hiện không còn phù hợp với hệ sinh thái," Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Để khắc phục tình trạng trên, ông Hoàng Trung cho rằng, việc liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ là xu hướng tất yếu trong sản xuất hàng hóa, thị trường hóa sản xuất nông nghiệp để đảm bảo có thể quản lý tốt việc sử dụng các loại thuốc BVTV, phân bón nhằm đảm bảo yêu cầu về ATTP cho sản phẩm nội tiêu cũng như đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. 

Liên kết sản xuất còn là yếu tố quan trọng để tổ chức thu gom bì thuốc BVTV sau sử dụng, không để gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, các chuỗi liên kết cũng là tiền đề quan trọng để áp dụng các công nghệ 4.0 vào thực tế sản xuất.

Ngoài ra, theo ông Trung cần tiếp tục rà soát, quản lý chặt chẽ vật tư nông nghiệp ở tất cả các khâu từ khảo nghiệm, đăng ký đến sử dụng. Kiên quyết hoàn thiện đủ các căn cứ khoa học để loại bỏ các loại vật tư nông nghiệp kém chất lượng, gây hại cho sức khỏe con người và môi trường ra khỏi Danh mục. 

Về quản lý phân bón, ngành nông nghiệp phấn đấu đến năm 2021, tăng lượng phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp để sử dụng trong nước ít nhất là 3 triệu tấn/năm và xuất khẩu đạt 0,5 triệu tấn/năm; tăng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ so với tổng số sản phẩm phân bón từ 5% hiện nay lên 10%.

Về quản lý thuốc BVTV, rút ngắn 30% số lượng tên thương phẩm trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam; tăng 30% lượng thuốc BVTV sinh học được đăng ký và sử dụng.

Tiếp tục khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất, kinh doanh và ứng dụng biện pháp sinh học, phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học để phòng, chống SVGH.

Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ Thực vật sẽ hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đồng thời rà soát, siết chặt hệ thống phòng thử nghiệm, tổ chức chứng nhận hợp quy để đảm bảo quản lý tốt chất lượng vật tư nông nghiệp.

45.000 tỷ đồng thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"

Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa tổ chức triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính về Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) với tổng kinh phí dự kiến khoảng 45.000 tỷ đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, Chương trình OCOP nhằm phát triển các hình thức tổ chức ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa để sản xuất các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị;

o8.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Cùng với đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, quan điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là thúc đẩy phát triển và nâng cao giá trị những sản phẩm truyền thống ở nông thôn.

"Mục tiêu trọng tâm là nâng cao thu nhập của người dân nông thôn. Những vùng miền hiện nay rất nhiều các sản phẩm có thể làm bằng thủ công nhưng nó có giá trị cao thì bây giờ gia tăng thêm giá trị, hướng sản phẩm vào xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn và thương hiệu, vừa đảm bảo thúc đẩy phát triển sản phẩm nông thôn nhưng cũng đảm bảo được các yêu cầu khác, giảm bớt việc lao động nông thôn ra đô thị và cũng giảm bớt ô nhiễm môi trường ở nông thôn", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Tính đến hết tháng 4/2018, 60/63 tỉnh, thành phố triển khai xây dựng khung Chương trình OCOP cấp tỉnh. Trong đó 30 tỉnh, thành phố lập xong Đề án; 28 tỉnh đang lập và lấy ý kiến của các đơn vị liên quan của tỉnh, chờ Đề án quốc gia phê duyệt sẽ làm căn cứ phê duyệt Đề án riêng của tỉnh.

OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, là giải pháp, nhiệm vụ then chốt trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

Nội dung trọng tâm của Chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương (cấp huyện, xã) theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân gồm: doanh nghiệp, hộ sản xuất và kinh tế tập thể thực hiện. Nhà nước có vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện…

Theo đó, chương trình OCOP được triển khai ở khu vực nông thôn trên phạm vi cả nước; khuyến khích các địa phương tùy vào điều kiện thực tiễn, triển khai phù hợp ở cả khu vực đô thị và thực hiện từ năm 2018 đến năm 2020.

Giá lợn có nguy cơ "sốt ảo", liệu có phải do người dân găm hàng?

Trước việc người dân găm lợn hơi lại để chờ giá lên cao mới bán có nguy cơ tạo giá sốt ảo, chiều 17/5 Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương đã đi khảo sát thực tế tại một số vùng chăn nuôi lợn trọng điểm tại miền Bắc, trong đó có xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục (Hà Nam), nơi được coi là thủ phủ chăn nuôi lợn các tỉnh ĐBSH.

Tuy nhiên, thực tế theo khảo sát thì thấy lượng lợn nái, lợn thịt trong dân hiện không còn nhiều. Theo ông Nguyễn Thế Chinh, BQL Chợ đầu mối gia súc gia cầm Hà Nam, hiện giá lợn hơi siêu nạc đang thu mua tại cửa chuồng ở Hà Nam từ 44.000 - 48.000 đồng/kg, riêng lợn lai có giá thấp hơn 3.000 - 4.000 đồng/kg.

Ông Chinh khẳng định không có chuyện người dân găm lợn để chờ giá cao, bởi lợn mua bán qua chợ đầu mối vẫn xung quanh 90 - 110 kg/con với lợn siêu nạc, 70 - 80 kg/con với lợn lai. Mặt khác, hàng lợn to từ 1,3 - 1,5 tạ chỉ có Trung Quốc tiêu thụ, trong nước ít ăn loại này, trong khi cả năm nay gần như không bán được lợn sang Trung Quốc.

Theo ông Chinh, nếu như trước đây lợn trang trại, lợn của các DN chiếm tỷ trọng nhỏ, còn lại cơ bản là lợn của người dân thì nay ngược lại, chiếm 70% là lợn của CP, Dabaco, Austfeed…, lợn nhỏ lẻ trong dân chỉ còn 30%, hoặc gần như không còn lợn để bán nên ông khẳng định không có chuyện găm lợn đợi giá cao.

Về nỗi lo nông dân sẽ ồ ạt tái đàn khi giá lợn tăng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ Trần Đình Thiện chia sẻ, chắc phải rất lâu nữa người chăn nuôi lợn mới hết choáng váng. Tại xã này, cao điểm đạt xấp xỉ 200 nghìn đầu lợn/năm, tạo ra một áp lực vô cùng mệt mỏi do ô nhiễm môi trường. Nhưng cơn khủng hoảng giá lợn kéo dài từ năm 2016 đến nay khiến ngành chăn nuôi lợn của xã gần như sụp đổ.

Theo ông Thiện, đàn lợn xã Ngọc Lũ giảm tới 80%, song bà con đa phần chưa có ý định tái đàn bởi vẫn còn hoang mang. Bằng chứng là Quỹ tín dụng nhân dân xã đang dư nợ hơn 70 tỷ không có người vay, phải sang chào mời các xã khác vay vốn.

Một doanh nghiệp kinh doanh lợn giống tại Bắc Ninh cảnh báo, hiện tại giá lợn giống bắt đầu tăng cao, song do giá rẻ một thời gian dài nên người chăn nuôi lơ là tiêm vacxin khiến một số nơi đã có dấu hiệu bùng phát dịch bệnh.

Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương, việc lợn hơi ở mức giá xung quanh 45.000 đồng/kg tốt cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng. Tuy nhiên, làm sao để duy trì sự ổn định mới quan trọng.

o9.jpg
Ảnh minh họa.(Nguồn: Internet)

Ông khuyến cáo, bà con lúc này nên tăng cường cho lợn ăn uống đầy đủ nhất để sớm xuất chuồng. Cần tận dụng tối đa lợn sữa sinh ra hiện nay để nuôi lên lợn thương phẩm. Phải đặc biệt lưu ý việc tiêm vacxin, vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch bệnh nhằm thu được thành quả cao nhất.

“Riêng với việc tái đàn lợn hậu bị, đề nghị bà con hết sức cân nhắc, bởi phải sau 15 tháng nữa một con lợn hậu bị mới cho ra lợn con thương phẩm để bán, lúc đó chưa biết giá lợn hơi sẽ như thế nào. Trước mắt, bà con cũng không nên có ý định găm hàng chờ giá lên cao mới bán, bởi rất có thể vừa tốn chí phí thức ăn mà chưa chắc đã bán được giá tốt như hiện tại”, ông Nguyễn Xuân Dương.

Thương lái Trung Quốc lùng mua rễ cây hồ tiêu: Dấu hiệu bất thường

Theo phản ánh của một số địa phương trọng điểm trồng hồ tiêu, thời gian gần đây, các thương lái Trung Quốc đã tìm vào tận các vườn hồ tiêu để thu mua rễ cây. Đáng nói, hiện nay giá hồ tiêu đang tụt dốc nên không ít nông dân đã chặt bỏ vườn hồ tiêu, đào lấy rễ để bán.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Nai, UBND xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc phát hiện 4 thương lái mua rễ tiêu của các hộ dân với giá 20.000 đồng/kg dạng tươi và 80.000 đồng/kg dạng khô, sau đó bán lại cho công ty xuất nhập khẩu Thương mại xuất nhập khẩu Nga (xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc).

Khi UBND xã Xuân Lộc làm việc với công ty này thì họ cho biết bán cho thương lái Trung Quốc để làm thuốc. Có 14 nông dân chặt phá cây hồ tiêu lấy rễ bán cho thương lái.

o10.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Nai cảnh báo, việc thu mua rễ cây tiêu với mục đích không rõ ràng và có dấu hiệu bất thường, có nguy cơ gây nên tình trạng người dân chặt phá vườn tiêu để lấy rễ, đào trộm rễ tiêu để bán.

Bên cạnh đó, việc làm này còn có nguy cơ lây lan dịch bệnh, gây thiệt hại đến sản xuất trồng trọt, ảnh hưởng đến trật tự an ninh nông thôn. Việc sử dụng phế phẩm từ cây tiêu được cho là rất nguy hiểm vì trong thân, gốc và rễ tiêu nông dân bỏ đi đều có thể tồn dư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Nai đã có văn bản cảnh báo về tình hình thu gom bất thường trên. Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP trên địa bàn chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tuyên truyền cho người dân biết việc thương lái mua thân và rễ cây hồ tiêu để băm, xay thành bột trộn với tiêu xay gia vị là rất nguy hiểm cho sức khỏe con người vì còn tồn dư lưu lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trước đó, làm ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam.

Vận động người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, đồng thời báo với chính quyền gần nhất nếu phát hiện tổ chức hoặc cá nhân liên kết giao dịch với người nước ngoài có hành vi thu mua gốc rễ tiêu khô tại địa bàn để có biện pháp ngăn chặn và xử lý theo quy định.

Ông Trần Lâm Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai cho biết, đến thời điểm này, tại xã Xuân Thọ đã không còn tình trạng thương lái thu mua rễ hồ tiêu nữa.

Về mục đích của các thương lái thu mua rễ cây hồ tiêu được ông Sinh thông tin, người dân rất mù mờ về mục đích mua rễ cây hồ tiêu của thương lái Trung Quốc, họ chỉ biết sau khi thu mua rễ cây, đầu mối thu gom sẽ vận chuyển lên TP. Hồ Chí Minh và sau đó chế biến, hay vận chuyển tiếp đi đâu không rõ.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Nai, việc mua gốc rễ tiêu với mục đích không rõ ràng và có dấu hiệu bất thường, có nguy cơ gây nên tình trạng người dân chặt phá bỏ vườn tiêu để lấy rễ, đào trộm rễ tiêu để bán gây thiệt hại đến sản xuất trồng trọt, ảnh hưởng đến trật tự, an ninh nông thôn và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

 Thanh Tâm (tổng hợp) /kinhtenongthon.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập274
  • Hôm nay105,091
  • Tháng hiện tại853,058
  • Tổng lượt truy cập93,230,722
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây