Học tập đạo đức HCM

Mời du khách... làm nông

Thứ ba - 24/10/2017 23:11
Có vẻ không hợp lý lắm khi một đô thị như TPHCM lại muốn đẩy mạnh các chương trình du lịch nông nghiệp. Nhưng trên thực tế, loại hình du lịch này đang có sức hút đối với du khách và dư địa phát triển còn lớn.

Tình cờ làm du lịch nông nghiệp

Bảy năm trước, bà Nguyễn Thị Thu Hường mở trang trại Nông Trang Xanh tại huyện Củ Chi để sản xuất nông nghiệp sạch. Trang trại rộng khoảng 3 héc ta lúc đó chỉ trồng nấm là chính. Về sau do yêu cầu sản xuất, trang trại được mở rộng dần, trồng nhiều loại cây hơn, nuôi thêm bò... Đến nay, nông trại đã rộng đến 20 héc ta, trồng đủ loại cây trái, hoa màu, có 5 héc ta trồng lúa, có cả nhà máy xay xát nhỏ và nhà máy chế biến sữa tiêu chuẩn châu Âu.

Từ năm 2014, nơi này trở thành điểm du lịch. Lúc đầu, khách đến để xem một mô hình nuôi trồng và tiêu thụ khép kín theo tiêu chuẩn sạch. Một số người trong đó làm nghề dạy học thấy hay nên đã đưa học sinh đến tham quan, tiếp sau đó là đến khách du lịch . “Những lần đầu, cả trang trại phải ra tiếp khách, tuy tốn thời gian nhưng vui. Thấy có thể phát triển được dịch vụ du lịch nên chúng tôi đã có những bước thúc đẩy...”, bà Hường nói với TBKTSG.

Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM cũng có cơ duyên làm du lịch tình cờ như vậy, từ học theo cách của một số địa phương mà đơn vị này đi chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp.

Du lịch nông nghiệp là loại hình dịch vụ mới phát triển tại TPHCM khoảng bốn năm gần đây. Trừ một số nông trang nhỏ ở quận 2, quận 7... mà ngay từ đầu được chủ đầu tư mở ra với mục đích làm du lịch thì hầu hết những trang trại còn lại vốn là vùng sản xuất, trong quá trình kinh doanh mới phát triển thêm dịch vụ du lịch. Các sản phẩm du lịch hiện có như tour một ngày làm nông dân, chương trình trồng và thu hoạch rau mầm, xem quy trình nuôi cá hay thu hoạch bắp kết hợp trải nghiệm các nghề thủ công truyền thống như đan lát, làm bánh tráng... và thường là kèm theo thưởng thức các món ăn dân dã. Một số điểm còn có cả đội ngũ kỹ sư tham gia trao đổi, hướng dẫn sinh hoạt đề tài cho khách tham quan. Những mô hình kiểu “trải nghiệm nông nghiệp vui” như để cho khách nấu ăn tại chỗ bằng những nông sản thu hoạch được kết hợp thưởng thức các đặc sản địa phương; hay để khách ký tên là chủ nhân của một số loại cây trồng, họ có thể tự đến nông trại chăm sóc cây hoặc nhờ nông trại làm thay rồi nhận báo cáo qua hình ảnh và đến kỳ sẽ trải nghiệm mùa thu hoạch. Dịch vụ này đang được một số nơi thử nghiệm và ghi nhận có sự hưởng ứng tích cực từ phía khách hàng.

Sở Du lịch TPHCM hiện chưa có số liệu thống kê đầy đủ về lượng khách tham gia các chương trình du lịch nông nghiệp, chỉ ước tính mỗi năm có hơn 100.000 lượt. Những nơi đón nhiều khách như Nông Trang Xanh có khoảng 35.000 lượt khách trong chín tháng đầu năm 2017; Hoa Lúa đón 1.000-2.000 lượt khách mỗi tháng; Khu Nông nghiệp công nghệ cao ước sẽ có 14.000-15.000 lượt khách trong năm nay và kỳ vọng đạt khoảng 50.000 lượt/năm nhờ hợp tác với ngành giáo dục thực hiện chương trình “Tiết học ngoài nhà trường” cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Những người làm dịch vụ du lịch nông nghiệp chia sẻ niềm vui khi họ làm công việc này là ở chỗ không chỉ làm tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp mà họ còn có cơ hội truyền cảm hứng làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao cho khách hàng. Đó còn là niềm vui khi được nhìn thấy người dân thành thị có khuynh hướng quay về với thiên nhiên...

Một cách vui vẻ, bà Trần Thị Kim Hằng, Phó giám đốc Trung tâm Khai thác hạ tầng thuộc Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, kể chuyện có những đứa trẻ cứ ôm khư khư bịch bào tử nấm, chúng sợ chỉ cần sẩy tay thì những cái phôi bé tí ti trong đó sẽ bị hỏng, không thể mọc thành cây được. Hay chuyện có những gia đình cứ đến cuối tuần là háo hức “về vườn” chăm mấy cây dưa lưới, nếu không về được thì họ nhờ trang trại gửi hình ảnh hoặc gọi điện thoại hỏi thăm cây đã lớn đến đâu..., cứ như đang nuôi một đứa trẻ vậy! Bà Hằng cho biết: “Càng tham gia sâu vào quá trình trồng trọt, chăn nuôi thì sự hứng khởi của du khách càng tăng và giá trị của sản phẩm nông nghiệp cũng tăng theo. Một trái dưa lưới thường chỉ bán được giá 80.000 đồng, nhưng nếu để cho khách đứng tên rồi chăm sóc thì giá có thể lên đến 300.000 đồng mà họ lại thích hơn...”.

Trải nghiệm nông nghiệp sạch

Thông tin từ các trang trại, khoảng 70-80% trong tổng lượng khách đến thăm các nông trang là học sinh, sinh viên; còn lại là khách từ công ty, các nhóm gia đình và du khách thuần túy. Tại các nông trang vẫn còn thiếu nhiều dịch vụ du lịch, thiếu kỹ năng phục vụ khách cũng như chưa kết nối được với các kênh phân phối mới để gia tăng lượng khách. Sự kết hợp với các đơn vị làm du lịch chuyên nghiệp được kỳ vọng sẽ giải quyết những thiếu sót này.

“Chúng tôi muốn tạo giá trị gia tăng cho nông nghiệp qua việc gắn kết với doanh nghiệp (du lịch) để có thêm khách hàng mới và làm ra những mô hình, cách làm tốt để chuyển giao cho nông dân”, ông Đinh Minh Hiệp, Trưởng ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao, nói tại một hội thảo về du lịch nông nghiệp do đơn vị này hợp tác với Sở Du lịch TPHCM tổ chức hồi tuần trước.

Cũng tại cuộc này, phía du lịch cho rằng cùng với du khách nước ngoài thì học sinh, sinh viên và những gia đình thị dân tại TPHCM là lượng khách chính của du lịch nông nghiệp. Đối với khách quốc tế, cần kết hợp du lịch nông nghiệp với các dịch vụ khác. Đối với khách là người dân thành phố, cần tạo các chương trình có sức sống, không chỉ là đưa khách đi xem những chỗ trồng cây này, nuôi con kia mà cần tạo ra những câu chuyện. Các nông trại có thể trở thành nơi cho các gia đình tận hưởng cảm giác “về quê”, thư giãn giữa thiên nhiên trong lành vào cuối tuần rồi mang về những thực phẩm sạch cho tuần làm việc mới. Và dù là với đối tượng khách nào thì yêu cầu trải nghiệm cũng phải được đặt lên hàng đầu. “Xu hướng du lịch của khách đã thay đổi từ việc đi để xem sang đi để trải nghiệm. Đặc biệt, trong bối cảnh có nhiều người dân đi thuê đất làm vườn rau nhằm tìm kiếm nguồn thực phẩm sạch cho gia đình thì du lịch nông nghiệp lại càng có cơ hội phát triển”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM nói.

Hiện một số nhà vườn tin rằng có thể thu hút khách bằng mô hình vườn cây, mương tát cá, đờn ca tài tử theo kiểu của tỉnh Tiền Giang, tuy nhiên, các doanh nghiệp lữ hành cho rằng đó không phải là sản phẩm phù hợp với du lịch nông nghiệp của TPHCM.

Theo bà Phan Yến Ly, Trưởng phòng phát triển sản phẩm thuộc khối du lịch quốc tế của Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, nhiều du khách quốc tế rất thích đi tour nông nghiệp để xem người dân gieo trồng, gặt hái. Thậm chí khách còn đòi tổ chức tour đi xem mô hình hợp tác xã ngày trước đã hoạt động như thế nào. Những yêu cầu kiểu này nếu được lồng vào yếu tố lịch sử và điều kiện trồng trọt của người dân trong một đô thị hiện đại thì sẽ tạo được tính hấp dẫn. Chẳng hạn, chương trình đến Củ Chi tham quan địa đạo, tìm hiểu chiến tranh đã diễn ra như thế nào rồi đến vườn trái cây, trại nuôi bò, trò chuyện với một cựu binh nông dân về cuộc sống hòa bình sẽ mang đến những cảm xúc khác biệt cho du khách. “Đây là loại sản phẩm du lịch có tiềm năng và cần thêm các hoạt động quảng bá. Những nước lân cận như Thái Lan đã có chính sách khuyến khích phát triển du lịch theo mô hình trang trại hoặc các khu làng khép kín, có đầy đủ dịch vụ. Nhiều bộ phim, chuyện ngôn tình đều hướng đến quảng bá cho dịch vụ này làm cho người xem phim muốn đến trải nghiệm”, bà Yến Ly nói.

Quay lại Nông Trang Xanh của bà Hường, bà cho biết gần bốn năm làm du lịch, doanh thu từ mảng này hiện chiếm 20-30% trong tổng doanh thu của nông trại. Du khách đến còn giúp tiêu thụ nông sản và quảng bá sản phẩm sạch. “Có khách đến thăm chỉ chi 100.000-200.000 đồng nhưng sau đó đặt hàng thường xuyên vì tin tưởng sản phẩm của chúng tôi. Du lịch tạo cơ hội cho chúng tôi bán nông sản. Chúng tôi kỳ vọng nhiều vào thị phần này”, bà nói.

Theo Thesaigontimes

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập350
  • Hôm nay47,663
  • Tháng hiện tại822,941
  • Tổng lượt truy cập91,996,670
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây