“Lộ sáng khắp thôn, hàng bày tận ngõ” là câu nói quen miệng ngày nay của bà con xứ 18 thôn vườn trầu. Vùng đất thuần nông này, đang trở mình để thành khu vực nông thị trong quá trình xây dựng Nông thôn mới của TPHCM.
Chiếc “gậy thần” nông thôn mới
Hóc Môn là huyện ngoại thành nằm ở cửa ngõ phía Tây Bắc của thành phố Hồ Chí Minh. Từng là vùng thuần nông của đô thành trước đây, rồi TPHCM sau này, trước khi xây dựng Nông thôn mới, “vốn liếng” cơ sở hạ tầng của huyện Hóc Môn chỉ có một số tuyến đường trục chính được nâng cấp duy tu; trường học, trạm y tế, khu văn hóa đều xuống cấp.
Đường Lê Thị Hà |
Nay trục đường Lê Thị Hà nối từ quốc lộ 22 đến thị trấn Hóc Môn, một trong nhiều tuyến đường đã thay da đổi thịt khá rõ nét. Mặt đường rộng gần 10m, hai bên đường nhà cửa khang trang, hàng quán sầm uất, không còn âm u, nhọc nhằn mỗi khi đi lại như 10 năm trước đây.
Theo UBND huyện, đến nay, tỷ lệ đường trục xã, liên xã thẳng băng nhựa hóa 100%. Riêng đường ngõ, xóm có đến gần 500 tuyến dài hơn 53km được bê tông hóa không còn cảnh bùn lầy, cây nghiêng, xe đổ khi mùa mưa đến.
Thành quả này có được là nhờ bà con hiến đến 272.666 m2 đất và đóng góp vật kiến trúc với tổng trị giá gần 555,6 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng.
Không những hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cũng thay đổi rõ rệt, mắt nhìn thấy, tay sờ được. Đó là hệ thống chợ, cửa hàng tiện ích, ổn giá, siêu thị phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân không ngừng sinh sôi nảy nở.
Từ chỗ nhiều người chỉ biết mỗi chợ Hóc Môn và các chợ tự phát ven đường, đến nay trên địa bàn huyện có 02 siêu thị: Coop-mart Tân hiệp (xã Tân Hiệp) và Coop-mart Đặng Thúc Vịnh (xã Thới Tam Thôn). Có 13 chợ truyền thống, trong đó 1 chợ đầu mối thực phẩm nông sản nổi tiếng cả thành phố và 12 chợ cấp 2, 3 cùng 189 cửa hàng tiện ích và điểm bán hàng bình ổn giá.
Tuy nhiên, đó chưa phải là đích, theo ông Lý Sâm, Trưởng phòng Kinh tế, huyện đang tiếp tục rà soát, tìm mặt bằng và kêu gọi đầu tư xây dựng mới chợ xã Xuân Thới Sơn (thay thế chợ Đình) và sửa chữa chợ Nhị Xuân (xã Xuân Thới Sơn), chợ xã Tân Thới Nhì.
Hệ thống giao thông nông thôn Hóc Môn đã từng bước nhựa hóa |
Ông Nguyễn Văn Nhân, hơn 10 năm trước, rời quê hương Hà Nam, vào định cư xã Nhị Bình nói như đúc kết: con lộ, mái trường, tường nhà là minh chứng của sự đổi thay. Ngày trước ở Nhị Bình, nhà tường mái ngói, đường nhựa hiếm lắm.
Nhưng nay nhìn những con đường quanh nông thôn, không trải nhựa thì cũng bê tông hóa, nhà mái ngói tường xây đã trở nên phổ biến. Quả vậy, Hóc Môn giờ đây theo thống kê của huyện đã không còn nhà tạm, nhà dột nát, diện tích nhà ở bình quân là 22m2/người. Hiện hơn 96% nhà ở của bà con đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng.
Không những thế ở 10 xã xây dựng nông thôn mới có 51 trường học (13 trường mầm non, 23 trường tiểu học, 10 trường trung học cơ sở, 5 trường trung học phổ thông, gần 1.400 phòng học), trong đó có 44 trường đạt chuẩn Quốc gia về cơ sở vật chất, 6 trường đạt chuẩn Quốc gia theo 5 tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Sinh kế: Bài toán sống còn
Tuy bộ mặt nông thôn trong xây dựng Nông thôn mới là quan trọng nhưng theo Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Văn Hồng Ngọc, sinh kế của bà con mới là vấn đề sống còn. Siêu thị, cửa hàng tiện ích dù có mọc nhiều đi nữa nhưng túi tiền bà con dẹp lép thì đó chỉ là vật trang trí, chưa căn cơ lâu dài.
Gia đình ông Nhân phải thuê thêm người bó rau để kịp giao siêu thị hàng ngày. Ảnh: M.Quang |
Bởi lẽ xây dựng Nông thôn mới cần đáp ứng một số nội dung cơ bản: Thứ nhất, sản xuất phát triển bền vững, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, ngày càng sung túc. Thứ hai, làng, xã văn minh, hạ tầng hiện đại. Thứ ba, xã hội an lành, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn…
Cắt lớp vấn đề theo góc nhìn đó, khi bắt tay xây dựng huyện nông thôn mới từ năm 2010, bài toán sinh kế để nâng cao thu nhập người dân luôn là mối quan tâm hàng đầu. Và kết quả, trong sản xuất nông nghiệp đã xuất hiện và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao như:
Mô hình chủ lực rau ăn quả (khổ qua, bầu bí, dưa leo, đậu đũa), sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị sản phẩm. Diện tích canh tác rau tại một số xã như xã Xuân Thới Thượng 199ha, Xuân Thới Sơn 78ha, Tân Thới Nhì 25ha. Thu nhập bình quân 300 triệu đồng/ha/năm.
Mô hình rau muống nước: tập trung tại một số xã Nhị Bình 93ha, Thới Tam Thôn 36ha đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, thu nhập bình quân trên 500 triệu đồng/ha/năm. Mô hình nuôi bò sữa áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật mang lại thu nhập bình quân cho bà con từ sữa đến 540 triệu đồng/năm.
Rau muống được làm sạch, bó từng lọn cho vào sọt để các siêu thị thu mua. Ảnh: M.Quang |
Mô hình chăn nuôi heo bằng đệm lót sinh học tại xã Tân Thới Nhì giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp người dân thu nhập bình quân 400 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Nhân, sống bằng nghề trồng rau muống tại ấp 1, xã Nhị Bình cũng hơn 10 năm, cho biết trước đây chủ yếu trồng và bán tại chợ nên giá cả lên xuống thất thường. Hiện nay nhờ áp dụng tiêu chuẩn canh tác VietGap nên đã đảm bảo đầu ra.
Với sản lượng 600kg/ngày, giá bán chưa sơ chế là 5.000 đồng/kg và 7.500 đồng/kg qua sơ chế, ông Nhân cho biết mỗi tháng thu nhập tầm 20 triệu đồng sau khi đã trừ các chi phí sản xuất. Đây là một mức thu nhập khá cao đối với các huyện nông thôn.
Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn đã và đang là một chợ đầu mối quan trọng, cung cấp sản phẩm cho nhiều chợ nhỏ trên địa bàn thành phố. Cùng với đó là việc các công ty, hợp tác xã như Bách Hóa Xanh, Công ty Sông Xanh, HTX Mai Hoa tham gia thu mua rau cho nông dân đã tạo được sự an tâm sản xuất cho người dân nơi đây.
Với những bước cải tiến trong canh tác cũng như đầu ra được đảm bảo, nông dân trồng rau muống tại xã Nhị Bình hi vọng sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích, từ đó đảm bảo được nguồn cung ngày càng tăng cao của thị trường.
Cánh đồng rau muống tại Nhị Bình. Ảnh: M.Quang |
Nếu trước khi xây dựng đề án xây dựng Nông thôn mới thu nhập bình quân hàng năm của dân Hóc Môn là 17 triệu đồng/người/năm, thì nay con số này đã gần 60 triệu đồng/người/năm. Nếu năm 2010, toàn huyện có 11.062 hộ nghèo (thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm), chiếm tỷ lệ 12,59 %/tổng số hộ dân thì đến nửa đầu năm 2017, huyện còn gần 2.300 hộ nghèo, chiếm gần 3%.
Khi nói về kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện, ông Lý Sâm, Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết: Xây dựng cơ sở hạ tầng là tiền đề, phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho dân là nền tảng đời sống. Lấy lợi ích của người dân là động lực và sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp là yếu tố quyết định sự thành công của chương trình.
Hay nói cách khác là phải có cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và đặc điểm từng xã. Xác định nguồn vốn xây dựng nông thôn mới rất lớn, do vậy, cần phải đa dạng hóa việc huy động nguồn lực để xây dựng Nông thôn mới.
Năm 2015, huyện được công nhận đạt chuẩn là huyện nông thôn mới. Giai đoạn 2016-2020: Tiếp tục duy trì, nâng chất 19 tiêu chí Quốc gia về đạt chuẩn Nông thôn mới, đề ra nhiệm vụ giai đoạn 2016 – 2020 là tập trung thực hiện “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” đến năm 2020; đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của Thành phố, tạo điều kiện thuận lợi và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; Thực hiện Đề án củng cố phát triển các loại hình kinh tế tập thể, xây dựng mô hình Hợp tác xã nông nghiệp tiên tiến gắn với vùng sản xuất nông nghiệp, nhân rộng các mô hình sản xuất cây trồng – vật nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao; …. Đến nay huyện có 9 hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp gồm: HTX dịch vụ nông nghiệp Ngã Ba Giồng, HTX TM-DV Bảo Tín, HTX hoa lan Ngọc Tú, HTX nông nghiệp Tân Hiệp, HTX cá sấu giống Nam Bộ, HTX nông nghiệp Mai Hoa, HTX Ngọc Điểm, HTX Hoa quả Sơn, HTX Tiên Tiến. Và có 64 tổ - hội ngành nghề, trong đó có 45 tổ hợp tác nông nghiệp gồm 15 tổ bò sữa, 02 tổ chăn nuôi thỏ, 20 tổ sản xuất rau, 08 tổ hoa lan, cây kiểng. |
Hiếu Lê - Minh Quang/nongthonviet.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;