Học tập đạo đức HCM

Ngân hàng của đại gia chân đất: Người vay nói miệng, không phải trả lãi

Chủ nhật - 24/09/2017 23:50
Đó là một ngân hàng kỳ lạ: người đến vay hợp đồng miệng rồi cầm tiền về, không phải trả lãi, người cho vay lắm lúc phải đi vay ngân hàng (có trả lãi) để về cho người khác vay không lãi…
Tỉ phú trồng rừng
Tìm nhà anh Hữu khá dễ vì nằm ngay mé QL9 (con đường dẫn lên biên giới Việt Lào), phần nữa dân địa phương chỉ đường khá nhiệt tình và không quên buông thêm câu: “Tìm Hữu vay tiền à?”. Nhưng khác với tìm nhà, tìm anh Hữu lại không dễ chút nào. Anh chẳng bận bịu vào ra phòng lạnh tiếp đối tác mà suốt ngày “lủi” trong những khu rừng tràm, rẫy sắn cùng bà con nông dân.
Phải đến một chiều đầu tháng 9, tôi mới có cơ duyên gặp anh. Sống ở núi, nhưng anh gốc là dân miền biển Triệu Lăng (H.Triệu Phong). Công việc công nhân lâm trường Hướng Hóa những năm 90 thế kỷ trước đã đưa anh lên núi. Ý tưởng trở về quê cũ chính thức khép lại vào năm 2000, khi anh quyết định lấy vợ, một cô gái Vân Kiều xinh như hoa rừng.
Ngân hàng của đại gia chân đất1
Khắp núi rừng Đakrông này đều biết tiếng anh Hữu, một nông dân hảo tâmẢNH: NGUYỄN PHÚC
Ngày đó, trong khi mọi người mải mê đốn những cây gỗ lớn trong rừng già thì vợ chồng anh Hữu cùng họ hàng bên ngoại lại hè nhau vác rựa khai hoang... trồng rừng. Nhiều người há hốc mồm khi thấy gia đình anh lần lượt “quần thảo” các quả đồi trọc ở thôn Khe Van và Khe Hiên (xã Hướng Hiệp), vốn được xem là hoang vu chi xứ. “Ngày đó, máy móc không nhiều như bây giờ, chúng tôi phải làm thủ công. Nhiều khi đi phát nương về, nhìn lại cả đôi tay bị trầy xước đến tóe máu, đôi chân đi ủng rồi vẫn chi chít mảnh chai…”, anh Hữu kể.
 
 
Nông dân nhân ái nhất VN
Với những gì đã làm được, anh Hữu nhận rất nhiều bằng khen của các cấp từ T.Ư đến địa phương. Năm 2016, anh là đại diện duy nhất của tỉnh Quảng Trị cùng 63 nông dân thuộc 63 tỉnh thành khác trong cả nước được T.Ư Hội Nông dân VN, Bộ NN-PTNT và Báo Nông thôn ngày nay vinh danh là “Nông dân VN xuất sắc năm 2016”. Cũng tại chương trình này, ban tổ chức đã bầu ra nhiều danh xưng cho các nông dân. Anh Hữu được chọn là: Nông dân nhân ái nhất VN năm 2016.
 
Nhờ lao động cật lực thuở cơ hàn đã mang lại cho gia đình anh cả gia tài là 30 ha rừng tràm và 5 ha sắn. Ngày nay, khi rừng càng có giá, trung bình mỗi héc ta bán có thể lãi 70 - 80 triệu đồng, thế là anh Hữu trở thành “đại gia” ở cái xã nghèo này.
“Người ta kêu tôi là... tỉ phú nhưng nói thiệt, tiền của tôi chủ yếu nằm trong dân với ở rừng chứ trong tay tôi đâu có đồng cắc nào đâu?”, anh cười cười.
Ông chủ nợ hảo hán
Theo lẽ tự nhiên, cho người dưng vay tiền mà không lấy lãi thì chỉ có người… không bình thường mới làm, trong xã hội ngày nay lại càng không, vậy mà anh Hữu lại xem đó như lẽ sống của mình. Những trăn trở của anh để mở “ngân hàng không lãi” như thể anh đến từ một thế giới nào khác.
Từ những ngày đầu chập chững trồng rừng, dù bản thân cũng khó khăn nhưng anh thấy bà con bản địa còn gặp khó hơn anh bội phần. “Tôi dù sao vẫn có nhiều cơ hội tiếp cận đồng vốn, còn bà con đồng bào thiểu số ít hiểu biết, ai dám cho vay để phát triển kinh tế? Mà không tiền thì làm sao mua cây giống, mua phân, thuê nhân công?”, anh Hữu lý luận, không sâu sắc như một nhà kinh tế mà đơn giản và thực tế.
Ý tưởng là vậy nhưng mãi đến năm 2007, khi kinh tế gia đình tạm ổn định, có được dăm ba đồng vốn trong tay, anh Hữu mới dám triển khai việc cho nông dân địa phương vay tiền làm ăn mà không cần trả lãi. Mọi hoạt động hoàn toàn dựa vào lòng tin mà không có bất cứ một sự ràng buộc nào. Ban đầu chỉ dăm người tìm đến, nên đôi bên “hợp đồng miệng” với nhau rồi người ta cầm tiền về. Sau này, “khách hàng” đến ngày mỗi đông, có năm lên tận 500 - 600 người, nên anh Hữu cũng phải sắm một... cuốn sổ con ghi chép lại kẻo quên.
Anh Hữu cho biết các “khách hàng” của anh là những hộ nông dân nghèo nên họ vay chỉ từ 2 - 10 triệu đồng/người và dùng số tiền này mua cây giống, phân bón để trồng rừng hoặc trồng sắn... Tuy vậy, việc “giao dịch” vẫn rất tấp nập, đặc biệt là vào đầu mùa vụ.
 
 
Giúp người khác thành tỉ phú
Nói về “thành quả” của việc hàng chục năm trời cho nông dân vay không lấy lãi, anh Hữu cười khoái chí khoe có những người trước đây cơ hàn từng được anh cho vay tiền giờ... giàu ngang ngửa anh. Như hộ Hồ Văn Vân (thôn Xa Rúc) và Hồ Thị Nhung (thôn Xa Vi) từ chỗ không có tấc đất cắm dùi thì nay đã có trong tay ngót nghét 15 ha rừng trồng/hộ.
“Thằng Hữu tốt bụng lắm. Nhờ nó cho vay tiền mà nhà mình có rừng tràm, có nương sắn. Nhiều khi muốn trả ơn hắn mà không biết mần răng vì hắn không lấy tiền lời mà chỉ nhận lời cảm ơn rứa thôi”, anh Hồ Văn Lam (trú thôn Xa Rúc, nay đã có 10 ha rừng trồng từ nguồn vốn của anh Hữu) nói về ân nhân của mình.
 
“Cứ mỗi năm tôi cho bà con vay từ 1,5 - 2 tỉ đồng. Nhiều lúc không có sẵn tiền mặt trong tay, tôi thậm chí phải đi vay ngân hàng để cho bà con mượn. Tôi phải trả lãi cho ngân hàng còn bà con thì không cần trả lãi cho tôi”, anh Hữu kể lại cách cho vay chẳng giống ai của mình.
Việc “hoàn vốn” thường diễn ra vào mùa thu hoạch, đối với trồng sắn thì xong một năm người dân có thể trả cho anh Hữu liền nhưng đối với trồng rừng thì phải 5 - 7 năm sau việc này mới được thực hiện.
“Họ có thể bán sản phẩm cho tôi hoặc người khác, miễn là hoàn tiền gốc đầy đủ. Sang mùa vụ khác, họ lại mượn và tôi lại tiếp tục cho vay... Chục năm nay chưa có ai quỵt nợ tôi, chỉ có chuyện năm nay họ kẹt, chưa trả thì năm sau họ trả. Vì họ cũng tự biết, nếu không trả thì tôi sẽ không cho họ vay tiếp để làm ăn trong những mùa vụ sau”, anh Hữu cho hay.
Nhưng đó chỉ là lúc mọi chuyện tốt đẹp, gặp những lúc nông dân mất mùa hoặc thiên tai thì “chủ nợ” với “con nợ” cũng chỉ biết nhìn nhau cười trừ, xuê xoa với nhau rồi hẹn mùa sau lại tiếp tục việc vay, trả.
Đến bản thân vị “sáng lập viên” của ngân hàng không lãi này cũng không ngờ ngân hàng “bành trướng” đến vậy. Bởi trước chỉ có nông dân xã Hướng Hiệp đến ngỏ ý vay, nay có cả nông dân của TT.Krông Klang, xã Đakrông (H.Đakrông) cũng tìm đến.
“Chúng tôi không ký tá, ràng buộc gì với nhau, vay mượn chỉ dựa trên niềm tin. Vậy mà mọi thứ vẫn êm xuôi đến giờ làm bản thân tôi cũng thấy bất ngờ và hạnh phúc”, anh Hữu nói, giọng xúc động.
Anh đùa: “Tôi mà làm sếp ngân hàng thương mại thật thì chỉ vài hôm là người ta đuổi cổ”. Nhưng với ngân hàng đặc biệt của mình, anh sẽ mãi là ông chủ nợ hảo hán nhất mà những người nông dân ở chốn núi rừng nghèo khó này không bao giờ quên...

Nguyễn Phúc/ Thanh niên

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập268
  • Hôm nay20,486
  • Tháng hiện tại203,238
  • Tổng lượt truy cập92,580,902
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây