Học tập đạo đức HCM

Nông nghiệp thông minh - hãy cùng hành động

Chủ nhật - 24/09/2017 23:54
Người viết còn nhớ như in hồi còn nhỏ thật rộn ràng khi nghe bài hát “Tía em má em”. Trong bài hát có mấy ca từ nhớ hoài: “Tía em hừng đông đi cày bừa, má em hừng đông đi cày bừa. Tía em là một người nông dân, má em cũng là người nông dân. Cùng sống trên đồng bao la”. Vậy đó, xứ mình là xứ nông nghiệp nên từ thế hệ đời ông bà đến cha mẹ đều cùng miệt mài, cần lao quanh năm trên thửa ruộng chỉ để mong một điều: “Rủ nhau đi cấy, đi cày. Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu”!

Vui là vui chuyện ngày xửa ngày xưa, còn ngày nay thì mỗi lần nói đến nông nghiệp, nông dân sao mà chạnh lòng quá! Nào là, làm nông nghiệp thì chỉ nghèo là nghèo, mà làm lúa thì lại còn nghèo hơn. Nào là, “được mùa thì mất giá”. Nào là, hết cây trái này bị giải cứu đến vật nuôi kia phải bán đổ bán tháo. Trong khi đó, thiên hạ người ta làm giàu bằng công nghiệp, bằng dịch vụ. Mỗi đơn vị mét vuông là người ta “đẻ ra” ngần này tiền, một nhà máy lắp ráp nộp ngân sách bằng cả một tỉnh nông nghiệp. Thì đó, mình xuất khẩu bao nhiêu là hoa quả, là gạo, là cá mà hổng bằng người ta bán mấy con chip nhỏ xíu xiu. Thì đó, làm nông nghiệp riết rồi kết quả là thanh niên trai tráng chạy lên thành phố làm lao động phổ thông thôi cũng thu nhập hơn mấy công ruộng ở quê rồi. Vậy có đúng không? Hình như đúng, mà hình như không hẳn là vậy!

Được đi tham quan khảo sát ngắn ngày ở một quốc gia Đông Bắc Á đã “hóa rồng” coi người ta xây dựng nông thôn thế nào, làm nông nghiệp ra làm sao. Mỗi nơi ghé một chút thì cũng coi như là “cỡi ngựa xem hoa” mà thôi! Mà như vậy thì chắc là không thể biết sâu, không thể hiểu rộng, nhưng hình như cũng ngộ ra được một vài điều gì đó tâm đắc, ấn tượng...

Làm nông nghiệp không chỉ suốt ngày “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, mà người ta còn dư dả thời gian để hưởng thụ cuộc sống tươi đẹp nhờ vào máy móc thế hệ mới và cả robot.

Trong khi mình vẫn quanh quẩn làm nông nghiệp dựa vào kinh nghiệm truyền thống từ đời ông đời cha, vẫn lấy sản lượng là mục tiêu hướng tới, thì thiên hạ đã nghĩ khác và làm khác rồi. Đất nước họ đã “hóa rồng”, họ đã là cường quốc công nghiệp và đang đi đầu trở thành một trong những quốc gia sáng tạo trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mà vẫn xem “nông nghiệp là sinh mệnh, nông thôn là tương lai”. Và họ đã làm thật, không nhiều khẩu hiệu, không nhiều nghị quyết. Họ chỉ hướng toàn bộ xã hội tới tư duy làm một cuộc cách mạng mới về nhận thức giá trị của nông nghiệp. Từ đó, từng cột mốc của quá trình thay đổi nông nghiệp được định hình trong cả xã hội. Từ “cách mạng xanh, cách mạng trắng”, họ đã tiến đến “cách mạng tri thức” rồi “cách mạng mang lại giá trị” cao nhất cho nông nghiệp. Chỉ từ một giống lúa tự nhiên giống như lúa trời, lúa ma của xứ mình, nhưng bằng công nghệ lai tạo giống, họ đã tạo ra nhiều dòng giống để thích ứng nhu cầu thị trường. Nông dân của họ có tiếng nói rất quan trọng trong toàn bộ tiến trình sản xuất, là động lực cho cơ quan quản lý nhà nước hoạch định chính sách, cho nhà khoa học đầu tư nghiên cứu đổi mới, chứ không hề thụ động, trông chờ...

Nông nghiệp xứ mình vẫn đang loay hoay bốn mùa, vẫn là “nhứt nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Người ta thì đã khác rồi. Nào là, tưới nước nhỏ giọt kèm theo những chất dinh dưỡng giống như mình truyền đạm vậy. Nào là, sử dụng những chất từ thiên nhiên để làm những loại phân bón thân thiện với môi trường. Nào là, dùng thiên địch để phòng chống các loại sâu bệnh chứ không sử dụng hóa chất độc hại. Nào là, nông nghiệp thông minh, nông dân ngồi trong nhà mà điều khiển từ xa để quản lý dinh dưỡng, tưới tiêu, không khí, nhiệt độ bằng cái máy vi tính hay điện thoại thông minh. Nào là, công nghệ lai tạo giống, di truyền, sinh học, công nghiệp thực phẩm...

Là một cường quốc công nghiệp hàng đầu mà người ta vẫn đầu tư mạnh mẽ cho nông nghiệp, nông thôn. Đi tham quan các nhà trưng bày lịch sử về nông thôn, nông nghiệp đều có những không gian riêng dành cho học sinh. Nhìn những cháu còn trong tuổi mẫu giáo háo hức nghe giới thiệu lịch sử đất nước từ xa xưa khi nông thôn của các cháu còn nghèo khó, nông nghiệp còn lạc hậu. Các cháu học sinh sẽ hình dung nông nghiệp trong quá khứ như thế nào, hiện tại như thế nào và nền nông nghiệp hiện đại như thế nào. Chắc chắn những hình ảnh, đoạn phim, những lời thuyết minh sẽ gieo vào tiềm thức thế hệ tương lai lòng tự hào và niềm đam mê nhất định dành cho nông nghiệp. Các cháu sẽ hình dung rằng làm nông nghiệp không còn bằng đôi tay cần cù, chai sạm, bằng con trâu, gàu sòng và những nông cụ thô sơ mà bằng sức mạnh của cả một nền kinh tế tri thức.

Nông nghiệp hiện đại là nông nghiệp tri thức, nông nghiệp thông minh. Mỗi người làm nông là một nhà kinh tế, nhà kỹ thuật, nhà trí thức. Làm nông không chỉ là trồng là nuôi, mà còn công nghệ bảo quản, chế biến, ứng dụng công nghệ thông tin để tối ưu hóa quy trình canh tác, thu hoạch và thương mại hóa sản phẩm làm ra. Làm nông nghiệp không chỉ suốt ngày “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, mà còn làm trong phòng thí nghiệm, sản xuất trong nhà lưới, nhà kính. Làm nông nghiệp mà người ta còn dư dả thời gian để hưởng thụ cuộc sống tươi đẹp nhờ vào máy móc thế hệ mới và cả robot được điều khiển dù ngồi bất kỳ nơi đâu. Nói cách khác, nhờ làm nông nghiệp thông minh nên người làm nông cũng thông minh hơn.

Đến thăm một trường đại học nông nghiệp công lập, chứng kiến cơ ngơi và được chia sẻ về chính sách hỗ trợ của nhà nước để có những thế hệ người làm nông mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mới thấy giật mình. Họ bài bản quá, tầm nhìn xa quá! Tận mắt thấy sinh viên tự mình làm nông dân ngay trong nhà trường mới thấy những thế hệ người “trí thức - nông dân” từ mái trường này rồi sẽ trở về nông thôn, tỏa ra các cánh đồng, vào các nông trại để làm nông nghiệp với kiến thức mới, tư duy mới. Ngay từ ghế nhà trường, sinh viên đã làm nên những sản phẩm nông nghiệp cụ thể cung ứng cho thị trường! Ước gì, ước gì...!

“Trông người mà ngẫm đến ta”, sao thấy nông nghiệp xứ mình hình như còn “lùng nhùng“ đâu đó trong cuộc cách mạng 1.0, 2.0! Hổng lẽ cứ mãi chấp nhận “lấy cần cù bù thông minh”, mãi chấp nhận “biết rồi nhưng để đó”. Làm sao đây? Hãy hành động và chia sẻ để mọi người cùng nhau hành động! Hãy bắt đầu thay đổi, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, cần nhất và cụ thể nhất!

Theo SGTimes

 Tags: tía em, má em, đi cày

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập473
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm472
  • Hôm nay105,091
  • Tháng hiện tại846,522
  • Tổng lượt truy cập93,224,186
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây