Tỉnh Hà Tĩnh lấy lý do phân cấp Trạm BVTV, Trạm Thú y, Trạm truyền giống chăn nuôi thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT về UBND cấp huyện quản lý và hợp nhất với Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật (TTƯDKHKT) cấp huyện thành TTƯDKHKT và bảo vệ giống cây trồng, vật nuôi là để tinh giảm bộ máy, tinh giản biên chế. Tuy nhiên, cái lợi đâu chưa biết, sau hơn 5 năm hoạt động, hàng loạt bất cập nảy sinh, ảnh hưởng lớn đến hoạt động chuyên môn từ cấp tỉnh đến cơ sở, thậm chí vận hành sai nhiều quy định pháp luật.
Giảm hiệu quả chuyên môn
Tháng 4/2012, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định 1198/QĐ-UBND về việc “chuyển giao Trạm BVTV, Trạm Thú y, Trạm truyền giống chăn nuôi thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT về UBND cấp huyện quản lý và hợp nhất với TTTƯDKHKT cấp huyện thành TTƯDKHKT và bảo vệ giống cây trồng vật, vật nuôi”.
Theo đó, Trạm BVTV trở thành Tổ BVTV; Trạm Thú y là đơn vị trực thuộc hay nói đúng hơn là đơn vị “con” của TT (thực hiện cả nhiệm vụ truyền giống chăn nuôi), được sử dụng con dấu riêng của Trạm. TT này là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện và chịu sự lãnh đạo, quản lý toàn diện của UBND huyện, thành phố, thị xã. Còn về chuyên môn, nghiệp vụ, thay vì “chỉ đạo” như cũ, các đơn vị chuyên ngành thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ được “phối hợp” kiểm tra nên ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.
Theo tìm hiểu, sau hơn 5 năm thực hiện mô hình hợp nhất này, tổng biên chế tại các TT hầu hết không thay đổi nhưng số biên chế chuyên môn giảm mạnh. Tổng hợp từ Chi cục chăn nuôi và Thú y tỉnh cho hay, đến cuối tháng 4/2017, tổng biên chế Trạm thú y, Trạm truyền giống tại các TT chỉ còn 46/67 người (giảm 21 người/12 trạm so với thời điểm hợp nhất). Trong đó, có những đơn vị như huyện Vũ Quang còn 1/4 người; Đức Thọ 5/7 người; Cẩm Xuyên 4/6; Thạch Hà 4/6 người; Kỳ Anh 4/7 người. Hệ thống BVTV còn 47/53 biên chế (giảm 6 biên chế); tuy nhiên thực tế chỉ còn 43 người làm, 4 người khác các địa phương điều động sang làm nhiệm vụ của phòng NN.
Ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh lấy ví dụ: TT A được giao 18 biên chế thì hiện tại vẫn đủ 18 biên chế nhưng số biên chế chuyên môn lại giảm so với chỉ tiêu được giao. Như vậy, nói sáp nhập, hợp nhất để tinh giản biên chế thực sự chưa mang đến hiệu quả. Đặc biệt, việc phân cấp dẫn đến hàng loạt hệ lụy như: thiếu cán bộ chuyên môn nên không đáp ứng được nhiệm vụ; bị động trong giám sát, triển khai công tác phòng chống dịch bệnh; cán bộ chuyên môn không được tập huấn, đào tạo nâng cao nghiệp vụ như trước; sự phối kết hợp, huy động lực lượng giữa các Trạm hạn chế...
“Mới đây xảy ra dịch tai xanh trên đàn lợn ở huyện Cẩm Xuyên, nếu là trước đây chúng tôi có thể điều động nhân lực, thiết bị ở các trạm khác đến để dập dịch, khống chế dịch bệnh lây lan nhưng bây giờ đơn vị chủ quản là huyện nên Chi cục muốn điều động cũng chịu”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, trong bối cảnh tổng đàn gia súc, gia cầm tồn đọng trên địa bàn tỉnh rất lớn như hiện nay, không ít người chăn nuôi cắt giảm chi phí phòng dịch dẫn đến nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao. Với lực lượng thú y cơ sở mỏng, hạn chế như bây giờ nếu dịch xảy ra ở 2 – 3 địa bàn thì sẽ rất nguy.
Từ cơ sở, bà Nguyễn Thị Thu, chuyên viên Trạm Thú y huyện Cẩm Xuyên nói: “Bây giờ không có người làm nữa. Trước chưa nhập Trạm có 6 người đến năm 2016 nghỉ hưu mất 1 người, 1 người chuẩn bị nghỉ hưu, người nữa đau ốm suốt nên thực tế chỉ còn 2 người chạy chuyên môn nên khi dịch bệnh xảy ra xoay không kịp. Thực sự quá vất vả”.
Nan giải hơn là Trạm Thú y huyện Vũ Quang, hiện Trạm chỉ còn 1/4 biên chế. Cán bộ này phải “bao sân” đến 12 xã, thị trấn, thực hiện đủ các loại công việc từ đi cơ sở đốc thúc, chỉ đạo tiêm phòng đến phòng, chống dịch bệnh; tổng hợp, báo cáo... “Khó khăn nhất là công tác kiểm soát giết mổ. Công việc này phải làm thường xuyên, liên tục trong khi chỉ mình tôi chạy nên không thể hiệu quả được”, anh Nguyễn Quang Huân, phụ trách Thú y huyện Vũ Quang mệt mỏi chia sẻ.
Đối với Tổ BVTV huyện Thạch Hà, mặc dù con số báo cáo biên chế đủ 5/5 người nhưng thực tế số người trực tiếp làm chuyên môn chỉ còn 4 người; một người huyện điều biệt phái đi làm...nông thôn mới. Ông Nguyễn Hữu An, Phó Giám đốc TT kiêm phụ trách Tổ BVTV cho hay: “Trước chưa hợp nhất tôi chỉ làm duy nhất một việc là dự tính, dự báo, hướng dẫn bà con phòng chống dịch bệnh trên cây trồng nhưng khi nhập về TT thì làm đủ thứ việc. Như năm ngoái huyện điều đi làm rau sạch ở xã Thạch Long 7 tháng cũng phải đi, thậm chí còn phải kiêm cả công tác thú y, tiêm phòng, kiểm soát giết mổ...”.
Chưa thấy cái lợi ở đâu nhưng bất cập, hạn chế từ việc phân cấp đã thấy rõ, đến ngay cả lãnh đạo Chi cục trổng trọt – BVTV tỉnh cũng thừa nhận: “Phân cấp dẫn đến việc báo cáo số liệu không sát thực tế”. Dẫn chứng là bệnh đạo ôn cổ bông đang hoành hành trên diện tích lúa Xuân 2017 mà theo đánh giá của cơ quan chuyên môn đợt dịch này chưa có tiền lệ. Diện tích lúa nhiễm bệnh theo số liệu báo cáo từ TT và phòng NN huyện vênh nhau đến hàng nghìn ha ở cùng một thời điểm báo cáo.
Văn bản của Bộ NN-PTNT khẳng định việc chuyển Trạm BVTV, Thú y về hợp nhất TT là trái với các quy định pháp luật.
Hoạt động sai luật
Thời điểm tỉnh Hà Tĩnh thực hiện việc phân cấp, hợp nhất đã có nhiều luồng ý kiến trái chiều phản đối vì “vướng” các thông tư, pháp lệnh, nghị định nhưng tỉnh vẫn nhất quyết triển khai. Vì thế mới có câu chuyện một cơ quan hai con dấu (gồm dấu TT và dấu Trạm Thú y). “TT là đơn vị sự nghiệp không có quy định nào cho phép thực hiện quản lý nhà nước về kiểm dịch động vật nên phải sử dụng con dấu Trạm Thú y để kiểm dịch nội tỉnh, nhưng năm 2016 khi Luật Thú y có hiệu lực thì không thực hiện kiểm dịch nội tỉnh nữa. Từ đó đến nay dấu của Trạm chúng tôi đang... cất tủ”, ông Bùi Quốc Sơn, Giám đốc TT huyện Thạch Hà nói.
Ông Bùi Quốc Sơn, Giám đốc TT huyện Thạch Hà
Khi được hỏi về việc nên để Trạm BVTV, Trạm Thú y theo ngành dọc hay phân cấp về cấp huyện quản lý, hầu hết ý kiến của các cơ quan chuyên môn và những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ BVTV, Thú y đều cho rằng “nên đưa về hoạt động theo ngành dọc”, điều này vừa phù hợp với thực tiễn vừa đúng với các quy định của pháp luật.
Ông Trần Hậu Sinh, Trạm Thú y huyện Thạch Hà nói: “Dịch bệnh xảy ra nếu vận hành theo ngành dọc thì sự chị đạo, hỗ trợ từ Chi cục rất sát sao và kịp thời. Khi nhập về TT mặc dù vẫn tiếp nhận sự hỗ trợ từ Chi cục nhưng phản ứng chậm hơn nhiều. Còn phía huyện dù có chỉ đạo thì cũng không thể sâu sát bằng cơ quan chuyên môn được. Theo tôi để phòng chống dịch hiệu quả hệ thống Thú y phải hoạt động theo ngành dọc”
Tháng 3/2016, văn bản Bộ Nông nghiệp và PTNT gửi các tỉnh, thành phố đã nhấn mạnh: Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 (có hiệu lực từ 1/1/2015); Luật Thú y số 79/2015/QH13 (có hiệu lực từ 1/7/2016); các nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành luật; pháp lệnh và Thông tư liên tịch ngày 25/3/2015 của Bộ NN-PTNT và Bộ Nội vụ... quy định Trạm BVTV, Trạm Thú y trên địa bàn huyện là cơ quan trực thuộc các Chi cục quản lý chuyên ngành của Sở NN-PTNT, thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước chuyên ngành. Trong khi TT là đơn vị sự nghiệp công lập không có chức năng quản lý và thực thi pháp luật chuyên ngành nên việc chuyển Trạm BVTV, Thú y về huyện quản lý và tổ chức thành TT dịch vụ nông nghiệp huyện là đơn vị sự nghiệp công lập là trái với quy định của pháp luật; có thể dẫn đến lẫn lộn giữa quản lý hành chính nhà nước chuyên ngành với việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công đang được xã hội hóa.
Như vậy, chủ trương phân cấp của Hà Tĩnh đã không còn “hợp thời”, bộc lộ nhiều bất cập, trái với các quy định của pháp luật cần phải được sắp xếp lại. Còn việc giảm bộ máy, tinh giản biên chế, phân cấp quản lý nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước cần được xử lý bằng các giải pháp khác - theo như văn bản Bộ NN-PTNT đã nhấn mạnh.
Một cán bộ Phòng NN huyện Cẩm Xuyên nói: Cái được khi phân cấp Trạm Thú y, BVTV, Truyền giống về huyện quản lý là tăng cường lực lượng cho địa phương nhưng về pháp lý và khoa học thì chưa phù hợp, bởi đây là cánh tay nối dài của các Chi cục nên phải vận hành theo ngành dọc để đúng chuyên môn. Hơn nữa, TT là đơn vị sự nghiệp, không có chức năng quản lý nhà nước, xử lý hành chính nên hạn chế nhiều trong việc thanh tra, kiểm tra; dự tính, dự báo, tham mưu chuyên môn. |