Học tập đạo đức HCM

Khát vọng vươn xa

Thứ năm - 19/04/2018 10:42
Hướng đến nền sản xuất quy mô lớn hơn, đáp ứng yêu cầu của thị trường đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng, số lượng, nhiều nông dân đã mở rộng diện tích, liên kết sản xuất, đẩy mạnh phân phối sản phẩm để chiếm lĩnh thị trường trong nước. Không chỉ vậy, nhiều người còn đang hướng đến xuất khẩu nhằm nâng tầm giá trị, đưa nông sản trong nước đi xa hơn...

Ông Lê Văn Phấn (bên phải) trao đổi kỹ thuật trồng bưởi với nông dân đến tham khảo mô hình trang trại của gia đình.
 

Thay đổi cách làm

Hiện, ông chủ trang trại cây có múi với thu nhập hàng chục tỷ đồng/năm Tám Thương chưa “an phận” với việc trồng và bán. Với khát vọng đưa trái cây đi xa, Tám Thương đang xúc tiến thực hiện kế hoạch làm ăn mới của mình.

Bên cạnh việc tổ chức sản xuất theo chuẩn VietGAP, Tám Thương đã nhập máy phân loại trái, xây dựng nhà xưởng sơ chế và đóng gói để chuyển hàng đi xa và hướng đến xuất khẩu. Tám Thương cũng đang triển khai kết hợp du lịch vườn, vừa thu hút người dân nhiều vùng miền đến trang trại vui chơi, giải trí, vừa giúp quảng bá thương hiệu, đồng thời quảng bá về phương thức canh tác trái cây sạch, an toàn của nông dân đến với người tiêu dùng một cách rộng rãi.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương Phạm Văn Bông cho biết, hầu hết diện tích trồng cây ăn trái có múi tại huyện Bắc Tân Uyên đều canh tác theo hướng ứng dụng kỹ thuật cao, như: Sử dụng hệ thống tưới phun tự động, tưới nhỏ giọt dưới gốc, tưới phun sương trên cao, bón phân theo quy trình... nhằm đạt sản lượng cao nhất. Bên cạnh đó, việc triển khai mô hình trồng cây ăn trái có múi theo chuẩn VietGAP cũng đã phát huy hiệu quả, người sản xuất tích cực thực hiện đúng các quy trình sản xuất, tiêu chí về trọng lượng trái, độ đường theo quy trình, từ đó cung ứng trái cây có chất lượng tốt, sản lượng ổn định ra thị trường. Đây cũng là cơ sở góp phần xây dựng vùng chuyên canh cây có múi đạt tiêu chuẩn, giúp trái cây đủ điều kiện xuất khẩu.

HTX Nhân Đức hiện có 80 ha cây có múi tại Bắc Tân Uyên đang chuyển sang canh tác theo hướng nông nghiệp hữu cơ để phát triển bền vững. Giám đốc HTX Nhân Đức Trần Thành Có cho biết, cũng trồng cây có múi nhưng HTX chuyển hướng sang nông nghiệp hữu cơ nhằm nâng cao hơn nữa về chất lượng cũng như giá trị nông sản. Hiện, HTX đã có 15 ha cam sành đủ điều kiện công nhận theo hướng trồng này.

Chính nhờ tư duy nhạy bén, mạnh dạn thay đổi cách làm mà mới đây, khi nhiều nhà vườn cùng địa bàn bán giá 25 đến 30 nghìn đồng/kg cam sành thì vườn cam được trồng theo hướng nông nghiệp hữu cơ của HTX Nhân Đức đã có đối tác đặt hàng để xuất khẩu với giá hơn 50 nghìn đồng/kg...

Hỗ trợ hiệu quả nông dân

Lão nông Chín Phấn cho rằng, hầu hết đất đai đều có thể trồng được cây ăn trái và giúp nông dân làm giàu nếu có nguồn nước tưới, trừ những vùng có nhiều đá phía dưới. Chuyện đất nghèo, đất xấu không quan trọng. Nếu đất thiếu chất gì thì bổ sung thêm chất đó để thích ứng với cây trồng. Tuy nhiên, việc đào hồ, đắp đập tích nước ở những vùng đất cằn hay ở những vùng đồi cao... thì quá giới hạn đầu tư của người dân. Những việc lớn này cần có sự tiếp tục vào cuộc của Nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân canh tác.

Tiến sĩ Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư U&I cho biết, nông dân kiếm sống từ chính mảnh đất của họ. Do vậy, mọi hỗ trợ giúp họ xác định được việc chọn cây trồng phù hợp với nhu cầu của thị trường, sản xuất hiệu quả hơn đều đáng được trân trọng. Tuy nhiên, phần lớn nông dân canh tác ở quy mô nhỏ, lại thiếu thông tin về “đầu ra” của nông sản. Tín hiệu thị trường mà họ nhận được hầu hết đều qua thương lái. Quy trình canh tác, việc sử dụng phân bón, hóa chất... và chất lượng sản phẩm lại thường không theo các chuẩn của thế giới. Do vậy, việc nông sản “dội chợ” thường xảy ra. Có hô hào “giải cứu” mãi cho nhiều loại nông sản cũng không giải quyết được gốc của vấn đề. Để nắm bắt thông tin thị trường chính xác hơn, sản xuất theo quy mô lớn, phù hợp hơn, thì phải tổ chức lại sản xuất thành doanh nghiệp hoặc các HTX lớn để có đủ nguồn lực xử lý.

Đồng quan điểm trên, Chủ tịch Câu lạc bộ (CLB) trang trại hoa lan TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội làm vườn và trang trại TP Hồ Chí Minh Mai Quốc Thái chia sẻ, việc tổ chức lại sản xuất không làm cho nông dân làm ăn nhỏ lẻ mất đi cơ hội, ngược lại, họ có lợi ích rất nhiều khi tham gia các mô hình HTX kiểu mới hay các CLB ngành nghề. Qua đó sẽ giúp nông dân nắm bắt về kỹ thuật, dự báo cung - cầu của thị trường để có cái nhìn thực tế mà triển khai sản xuất hiệu quả.

Là nhà sản xuất và xuất khẩu hơn 20 loại trái cây sấy theo hướng nông nghiệp hữu cơ, có đóng góp trong việc đưa trái cây Việt Nam đến với nhiều nước trên thế giới, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Vinamit Nguyễn Lâm Viên cho rằng, trái cây và các loại nông sản Việt Nam xuất khẩu nhiều, chứng tỏ sản phẩm của Việt Nam ngon mới được thị trường các nước ưa chuộng. Tuy nhiên, tình trạng “giải cứu nông sản” mỗi khi nông dân được mùa vẫn xảy ra. Lỗi không phải ở người nông dân mà ở góc độ quản trị vĩ mô, vì chúng ta không có những hàng rào để kiểm soát được “đầu ra” cho nông sản và kiểm soát thương nhân tiếp cận canh tác cũng như kinh doanh nông sản. Tại nhiều nước, thương nhân muốn mua nông sản, phải thông qua hiệp hội của những người nông dân. Họ không được phép đến mua trực tiếp, mà có đến trực tiếp thì nông dân cũng yêu cầu quay về văn phòng hiệp hội để làm việc. Còn chúng ta, văn phòng hiệp hội hoạt động không hiệu quả cho nên các thương nhân đến mua ngay tại đồng ruộng.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc; khơi dòng động lực; tiếp đà 30 năm đổi mới” tổ chức mới đây tại Hải Dương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Đảng và Nhà nước luôn coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một mặt trận quan trọng. Sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước muốn thành công thì các bộ, ngành T.Ư cũng như các địa phương cần đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn... Thủ tướng lưu ý việc tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hạn chế và khắc phục tối đa tình trạng dư thừa sản phẩm nông nghiệp. Muốn vậy, phải làm tốt công tác thông tin thị trường giúp nông dân để giảm lãng phí, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp...

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và địa phương, thời gian tới, hy vọng “đầu ra” cho nông sản sẽ có nhiều thuận lợi hơn, những cái nông dân cần sẽ được giải quyết đúng trọng tâm, trọng điểm. Được như vậy, chắc chắn sẽ có thêm nhiều mô hình mới, cách làm hay và nhiều tỷ phú nông dân, góp phần làm cho diện mạo nhiều vùng nông thôn thêm khởi sắc.

Theo Nhân dân


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập776
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm775
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại797,754
  • Tổng lượt truy cập93,175,418
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây