Học tập đạo đức HCM

Tìm “đầu ra” cho nông sản

Thứ tư - 18/04/2018 11:03
Tìm hiểu các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả ở Ðông Nam Bộ, chúng tôi nhận thấy, nhờ nắm chắc kỹ thuật, dự báo đúng thị trường cho nên bà con hoàn toàn chủ động về "đầu ra" cho nông sản của mình. Cùng với đó, chính sách hỗ trợ hiệu quả của một số địa phương đã giúp nhiều nông hộ tự tin phát triển sản xuất thành những vùng chuyên canh hàng hóa lớn…

Chủ động trong sản xuất, tiêu thụ

 

Chia sẻ thành công của mình, chủ trang trại cam sạch VietGAP Tám Thương cho biết: Vào năm 2005, tôi chọn xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương) để phát triển cây có múi vì điều kiện thổ nhưỡng vùng đất này thích hợp. Tuy nhiên, cái khó nhất là nguồn nước. Sau nhiều lần tính toán, cân nhắc, tôi quyết định phải lấy nước từ sông Ðồng Nai bơm chuyền bằng đường ống qua nhiều chặng, dài hàng cây số để chứa vào hồ, sau đó dùng máy bơm áp lực đẩy nước lên đồi để tưới cây. Như vậy, coi như đã giải quyết được vấn đề nước tưới, yếu tố quan trọng nhất cho cây trồng.

Với suy nghĩ phải bán cái mà thị trường cần, do vậy phải làm sao cho trái chín nghịch mùa, tức là lúc thị trường đang cần. Nắm rõ quy luật sinh trưởng tự nhiên của cây, Tám Thương đã sáng tạo phương pháp lên hàng trồng cây, đánh rãnh tạo độ dốc để rút nước nhằm thực hiện quy trình cho trái nghịch vụ. Bằng cách dùng bạt ni-lông phủ lên những liếp cam nhằm tạo khô hạn tạm thời, sau đó tháo bạt và tưới nước sẽ kích hoạt ép cây ra hoa đồng loạt và cho trái chín nghịch mùa theo ý muốn. Nhờ vậy, hiệu quả kinh tế từ cây cam, quýt đạt rất cao, tạo điều kiện cho Tám Thương liên tục mở rộng diện tích. Hiện nay, Tám Thương dễ dàng thu hoạch theo đơn đặt hàng của thương lái, có thể cung cấp cam, quýt vào bất cứ tháng nào trong năm. Làm theo cách này, trái cây của Tám Thương tránh được tình trạng "dội chợ" và đang được nhiều nông dân học hỏi, nhân rộng.

Hành trình 20 năm xây dựng và thành công với mô hình trồng bưởi da xanh cho lợi nhuận hơn 15 tỷ đồng mỗi năm, bà Nguyễn Thanh Thủy, một người từ TP Hồ Chí Minh lên xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng (Bình Dương) làm trang trại, cho biết: "Làm nông nghiệp phải có nghị lực và niềm đam mê, không rõ thì hỏi, không biết thì học. Tôi đã tìm tòi học hỏi qua sách vở, qua kinh nghiệm của những người thành công lẫn thất bại, những nhà nghiên cứu khoa học kỹ thuật nông nghiệp về cây bưởi trên cả nước và sang tận Thái-lan, Ma-lai-xi-a tìm hiểu kỹ thuật trồng bưởi da xanh".

Cũng theo bà Thủy, bên cạnh nắm bắt kỹ thuật, để có thị trường ổn định thì vấn đề sống còn là xây dựng thương hiệu nhằm tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. Ứng dụng các tiêu chuẩn sản xuất sạch vào trồng trọt cũng như đăng ký nhãn hiệu cho riêng mình. Năm 2011, trang trại bưởi da xanh của bà Thủy được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Bưởi da xanh Nguyễn Thanh Thủy"; năm 2014, trang trại được cấp Giấy chứng nhận sản xuất theo chuẩn VietGap. Với sự chuẩn bị chắc chắn này, bưởi da xanh từ trang trại của bà Thủy đã tạo được uy tín ở thị trường trong nước và xuất khẩu sang Hà Lan, Cộng hòa Séc…

Thành công với 70 ha cây có múi trồng tại tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước với lợi nhuận mỗi năm vài chục tỷ đồng, lão nông Chín Phấn chia sẻ: Ðể bán được giá cao phải biết kỹ thuật nhằm cho trái nghịch mùa và chọn những tháng thị trường có nhu cầu, hút hàng thì cho trái chín. Cũng cần tham khảo tình hình sản xuất nông nghiệp của các nước trong khu vực nhằm tránh "đụng hàng" từ việc nhập khẩu làm cho trái cây mình trồng bị mất giá. Chỉ vào những cây quýt đường đang trĩu quả, ông Chín Phấn tự tin: Chất lượng có, số lượng có, kết hợp cho trái nghịch mùa là yếu tố quan trọng nhất giúp nhà nông "thắng" được trong sản xuất hiện nay. Như một nhà nông học thực thụ, ông Chín Phấn giải thích, chu kỳ của cây quýt từ lúc ra bông đến khi trái chín khoảng 7 đến 8 tháng; để cho trái chín lệch mùa bán có giá, chỉ cần cung cấp nước đầy đủ và bón cho cây đủ chất, khống chế không cho cây ra lá non, đọt non để cây giữ lại chất và nuôi trái thêm thời gian mới chín. Lúc thị trường khan hiếm, trái cây của mình sẽ bán được giá.

Chủ tịch Câu lạc bộ (CLB) trang trại hoa lan TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội làm vườn và trang trại TP Hồ Chí Minh Mai Quốc Thái cho rằng, để hiệu quả thì phải thay đổi tư duy sản xuất thích nghi với thị trường, nông dân cần liên kết sản xuất thông qua các mô hình HTX hay các CLB để nắm bắt được thông tin thị trường. Dẫn chứng cụ thể, ông Thái cho biết thêm, CLB trang trại hoa lan TP Hồ Chí Minh hiện có 60 thành viên, tuy chưa thu hút toàn bộ các hộ trồng hoa lan ở thành phố tham gia nhưng thông qua các hội viên, CLB có thể biết được thị trường đang thiếu, đã bão hòa hoặc thừa loại hoa lan nào, từ đó CLB thông tin đến ngành nông nghiệp và khuyến cáo người trồng lan kịp thời điều chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất…

Ðòn bẩy từ chính sách

Bên cạnh sự nỗ lực tự thân của bà con, để giúp nông dân nắm bắt những cơ hội làm giàu thì sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan nhà nước trong thực hiện các chính sách đối với nông nghiệp chính là đòn bẩy rất quan trọng.

Ngày 12-2-2018 vừa qua, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 655/QÐ-UBND quy định hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 10/2017/NQ-HÐND ngày 7-12-2017 của HÐND thành phố về ban hành quy định khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, sẽ hỗ trợ lãi vay cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp khi được tổ chức cho vay đồng ý cấp tín dụng đối với các phương án sản xuất khả thi. Mức vay được hỗ trợ theo quy mô đầu tư của phương án và quy định của tổ chức cho vay. Trong đó, đầu tư trồng hoa lan là một trong những đối tượng sản xuất được ngân sách thành phố hỗ trợ đến 80% lãi suất và thời gian hỗ trợ 60 tháng trên một phương án sản xuất. Ðây sẽ là cú "huých" lớn giúp người trồng lan ở Củ Chi và các địa phương khác của TP Hồ Chí Minh tiếp tục mở rộng diện tích phát triển loại cây trồng hiệu quả, phù hợp với mô hình nông nghiệp đô thị này.

Nhớ lại cơ duyên phát triển trang trại lan Dendro rộng 6 ha ở huyện Dầu Tiếng (Bình Dương), ông Mai Quốc Thái, một người từ TP Hồ Chí Minh lên đây lập nghiệp kể, do vốn đầu tư khá lớn nên ban đầu ông chỉ trồng 1,5 ha lan Dendro. Trong lần đến tham quan không thông báo trước của một lãnh đạo tỉnh Bình Dương và nhiều cán bộ nông nghiệp tỉnh, họ hỏi ông mô hình trồng lan Dendro này có mở rộng được không và cần gì? Lúc đó, ông cũng chẳng biết đoàn gồm những ai và quả quyết rằng, kỹ thuật có, thị trường có, nhưng cái khó của nông dân là vốn.

Không lâu sau, ông Thái được cán bộ nông nghiệp tỉnh Bình Dương hướng dẫn làm thủ tục để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất của tỉnh. Nhờ đó ông Thái đã mở rộng diện tích trồng lan lên 6 ha. "Nguồn vốn ưu đãi này cũng giúp tôi mạnh dạn đầu tư trồng 62 ha cây có múi ở huyện Bàu Bàng (Bình Dương), năm 2018 này sẽ có 15 ha cho thu hoạch trái. Những chính sách sát thực tiễn này đã giúp nông dân có điều kiện chuyển đổi cây trồng theo hướng chuyên canh hàng hóa và làm giàu. Ðây thật sự là chính sách gần dân để giúp dân", ông Thái quả quyết.

Tiến hành quá trình xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu, cùng với mô hình HTX rau an toàn Lộc Tiến ở xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc (Ðồng Nai) cũng xác định 27 mô hình khác để phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững trên địa bàn huyện. Theo đó, Xuân Lộc sẽ tập trung hỗ trợ về đào tạo nâng cao năng lực tổ chức, quản lý, tiếp cận thị trường; hỗ trợ hạ tầng, đất đai, vốn, vật tư sản xuất, ứng dụng khoa học, công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại. Thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị giữa các cơ sở sản xuất nông nghiệp với các doanh nghiệp từ "đầu vào", tổ chức sản xuất, chế biến cho đến tiêu thụ sản phẩm. Phát triển thêm các chuỗi liên kết trên các loại cây trồng chủ lực, bảo đảm mỗi xã có ít nhất một chuỗi liên kết.

Kịp thời giúp nông dân xây dựng thương hiệu và tạo điều kiện cho "đầu ra" sản phẩm cây có múi ổn định, UBND huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương) đã xây dựng dự án "Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cam, bưởi Bắc Tân Uyên cho các loại trái cam, bưởi trên địa bàn huyện". Ðến nay, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu tập thể "Cam Bắc Tân Uyên" và "Bưởi Bắc Tân Uyên".

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Ðặng Minh Hưng cho rằng, đây là giải pháp căn cơ giúp huyện Bắc Tân Uyên xây dựng hiệu quả vùng chuyên canh cây ăn trái có múi đặc sản, đồng thời góp phần giúp "đầu ra" cho nông sản của nông dân ổn định, bền vững hơn…

Nguồn: Báo Nhân dân

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập281
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại881,305
  • Tổng lượt truy cập92,055,034
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây