Ông Nguyễn Tấn Nhũ, Bí thư Đảng ủy xã Tam Bình được nhà vườn địa phương suy tôn là “tỉ phú sầu riêng”. Ông Nhũ là một trong những cá nhân trồng cầy sầu riêng đầu tiên của xã và là người chủ sở hữu diện tích vườn cây đặc sản này lớn nhất địa phương. Ông Nguyễn Tấn Nhũ cho biết, cách nay hơn 20 năm khi còn là bí thư xã Đoàn, ông thấy mô hình trồng cây sầu riêng ở nơi khác có triển vọng nên tìm tòi, mua giống về trồng trên khu vườn của gia đình.
Trái sầu riêng có giá thấp nhất là 50.000 đồng/kg, cao nhất lên đến hơn 100.000 đồng/kg, trừ mọi chi phí, một năm ông thu lãi hơn 2 tỷ đồng. Từ mô hình trồng cây sầu riêng cho lãi cao của ông Nguyễn Tấn Nhũ, nhiều cán bộ, đảng viên và nhà vườn ở xã Tam Bình “học hỏi” làm theo.
Đến nay, toàn xã Tam Bình có diện tích vườn sầu riêng hơn 1.300 ha; chiếm 80% diện tích vườn cây trong toàn xã. Sản lượng trái sầu riêng ở địa phương đạt từ 55.000 - 60.000 tấn/năm. Nhiều cán bộ, đảng viên từ khó khăn, nhờ cây sầu riêng đã vươn lên khá giả là những nông dân sản xuất giỏi với nguồn thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm. Đó là các cá nhân điển hình như: đảng viên, thương binh 3/4 Nguyễn Văn Biết, Nguyễn Văn Trưng, ở ấp Bình Ninh, Lê văn Quyền, ấp Bình Hòa A…
“Trong thời gian qua, cán bộ, đảng viên trong xã rất gương mẫu trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình mà chính là canh tác cây sầu riêng, không có đảng viên nào thuộc dạng hộ nghèo. Về thu nhập thì có hơn 50% có mức sống, thu nhập từ khá trở lên. Tuy cán bộ, đảng viên tập trung làm kinh tế nhưng về công tác xã hội, hoàn thành tốt nhiệm vụ, vận động gia đình, nhân dân tham gia xây dựng các tiêu chí nông thôn mới rất tốt” - ông Nguyễn Tấn Nhũ, Bí thư Đảng ủy xã Tam Bình cho biết.
Sầu riêng là loại cây ăn trái rất khó trồng, đòi hỏi kỹ thuật cao, nhất là dễ bị tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, các cán bộ, đảng viên xã Tam Bình phải chịu khó nghiên cứu, học hỏi kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất như: phòng trừ dịch bệnh, xử lý cho cây ra hoa nghịch vụ để không “đụng hàng” bán giá cao; xây dựng hế thống cống đập, đê bao phòng chống hạn mặn, triều cường và trữ ngọt. Đặc biệt, sử dụng các loại giống có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện đất đại của địa phương như: Ri 6, Khổ hoa xanh và Hạt lép…
Ông Phạm Văn Huẫn, Bí thư Chi bộ ấp Bình Ninh, xã Tam Bình cho biết, chi bộ ấp có 18 đảng viên, sống với mô hình trồng cây sầu riêng. Đa số đảng viên ở ấp đều làm vườn rất hiệu quả, mỗi ha cây sầu riêng đạt lãi trên 1 tỷ đồng/năm. Người dân trong ấp chỉ còn có 3,5% hộ nghèo. Riêng gia đình ông trồng được hơn 1 ha cây sầu riêng 10 năm tuổi. Nhờ cây này mà gia đình ông cũng như các đảng viên, nông dân khác đổi đời.
“Những năm gần đây, tập thể đảng viên trong Chi bộ phát triển kinh tế ổn định. Trồng sầu riêng để đạt hiệu quả cao là nhờ yếu tố chăm sóc, siêng cần, học hỏi. Quan trọng nhất là kỹ thuật, phân thuốc, tìm tòi học hỏi từ chỗ kỹ sư làm hiệu quả” – ông Huẫn chia sẻ.
Ông Huỳnh Chung Vui ở ấp Bình Hòa B, xã Tam Bình từ mô hình sản xuất, kinh doanh cây sầu riêng đạt doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm, tiền lãi cũng ở mức vài tỷ đồng. Trong kinh doanh vật tư nông nghiệp, ông đã “bán nợ” dài hạn không tính lãi cho khoảng 300 nhà vườn khác với nguồn vốn trên 5 tỷ đồng. Sau mùa khu hoạch sầu riêng, nhà vườn vay vật tư nông nghiệp mới phải hoàn trả cho ông Vui.
Với vai trò là bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác mặt trận ấp, ông Huỳnh Chung Vui luôn xông xáo, nhiệt tình trong mọi phong trào, hoạt động tại khu dân cư như: vận động nguồn quỹ xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, xây nhà tình thương cho hộ nghèo…Cá nhân ông, mỗi năm góp vài chục triệu đồng cho hoạt động xã hội tại ấp Bình Hòa B.
Với vai trò “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, việc phát triển kinh tế vườn cây sầu riêng của cán bộ, đảng viên xã Tam Bình đã thúc đẩy chương trình cải tạo vườn tạp, nhân rộng diện tích vườn sầu riêng chuyên canh của người dân nâng lên. Đa số cán bộ, đảng viên và nhà vườn địa phương trồng cây này rất hiệu quả, đạt năng suất 50 tấn/ha.
Ông Ngô Tấn Lâm, ở ấp Bình Thanh, xã Tam Bình cho biết, cán bộ đảng viên địa phương rất gương mẫu, nhiệt tình trong công tác và biết làm giàu từ khu vườn của mình, nhất là ứng dụng kỹ thuật trồng cây sầu riêng. Người dân thấy đó noi theo và trồng cũng đạt kết quả tốt. Gia đình ông cũng trồng được khoảng 1 ha cây sầu riêng, mỗi năm thu nhập 1 tỷ đồng.
“Bây giờ đảng viên làm ăn hiệu quả lắm, giàu có. Từ bí thư, chủ tịch kể cả công an xã, ông nào cũng rất tích cực từ bàn tay làm ra. Kể cả cán bộ nhỏ ở ấp thôi cũng giàu lên. Tôi là dân nhìn nhận thấy cán bộ làm kinh tế, chăm lo cuộc sống cho người dân thì cũng phải tích cực noi theo".
Nhờ mô hình trồng cây sầu riêng đạt năng suất và chất lượng cao nên kinh tế - xã hội của xã Tam Bình luôn phát triển, nhiều năm dẫn đầu huyện Cai Lậy. Toàn xã Tam Bình hiện có đến hơn 80% nông dân trồng cầy sầu riêng; với mức thu nhập bình quân đầu người gần 50 triệu đồng/năm, số hộ nghèo của xã còn chỉ ớ mức 3,3% . Đảng bộ Tam Bình không có cán bộ, đảng viên nghèo; thành quả này không phải nơi nào cũng có được./.
Theo VOV
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;