Học tập đạo đức HCM

Những ý kiến tâm huyết tại Tọa đàm “Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”

Chủ nhật - 21/01/2018 09:46
LTS: Tại cuộc tọa đàm “Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” do Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam tổ chức ngày 18-1, đã có nhiều đại biểu phát biểu và gửi tham luận về Ban Tổ chức.

Các tham luận tập trung phân tích và làm sâu sắc những giá trị cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, sự cần thiết phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” trong giai đoạn hiện nay. Báo QĐND tiếp tục trích đăng ý kiến và tham luận của các đại biểu tại tọa đàm ý nghĩa này.

Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, nguyên Chính ủy, Tư lệnh Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào: Vạch trần thủ đoạn tung tin thất thiệt, bôi nhọ cán bộ

Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương.

Tôi đã nhiều lần chia sẻ và bày tỏ sự bức xúc của mình trước thủ đoạn và hành vi mạo danh tôi và một số đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, tướng lĩnh, sĩ quan cấp cao quân đội, để gửi thư nặc danh xuyên tạc sự thật, bôi nhọ, nói xấu một số đồng chí lãnh đạo của quân đội đương chức.

Tôi cho rằng, bản lĩnh, phẩm chất, truyền thống của quân đội, của người quân nhân cách mạng vô cùng tốt đẹp, không thể phủ nhận. Sự trung thành của quân đội với Đảng, Nhà nước, nhân dân là vô hạn. Do vậy, kẻ xấu lợi dụng uy tín của một số tướng lĩnh, sĩ quan quân đội để mạo danh là thủ đoạn thâm độc. Thủ đoạn đó nhằm tạo tin đồn, cố tình bôi xấu, chia rẽ nội bộ, gây hiểu lầm, hoài nghi trong nhân dân về tình đoàn kết giữa các thế hệ cán bộ của Quân đội ta.

Quân đội ta có truyền thống đoàn kết cán binh, trên dưới một lòng. Từ ngày ra đời đến nay, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam, từ vị tướng đến binh nhì luôn đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, người đi trước dìu dắt, nâng đỡ người đi sau; người đi sau khiêm tốn học hỏi, tiếp bước con đường của người đi trước. Và chính tình đoàn kết giữa các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội là mạch nguồn tạo nên sức mạnh nội sinh-sức mạnh truyền thống; là kim chỉ nam để quân đội ta phát triển, trưởng thành vững chắc qua các giai đoạn lịch sử.

Tôi đã nhiều lần bị một số đối tượng giả danh, mạo danh để tung tin thất thiệt, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của bản thân và đồng chí, đồng đội của tôi. Hơn thế, những hành vi này còn làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự chung của QĐND Việt Nam, chia rẽ mối quan hệ gắn kết giữa các thế hệ và giữa quân đội và nhân dân. Đó là những hành vi vừa phạm pháp, vừa vô đạo đức, không thể chấp nhận. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ, xử lý nghiêm minh các đối tượng mạo danh, giả danh, để bảo vệ danh dự, uy tín của Quân đội ta, nhất là những cán bộ đã từng "vào sinh ra tử" đóng góp xương máu, công sức cho sự nghiệp cách mạng của đất nước, sự nghiệp xây dựng quân đội, như thế hệ chúng tôi.

TẤN TUÂN (lược ghi)

Nhà nghiên cứu văn hóa quân sự Dương Xuân Đống: Tính nhân văn cao cả của Bộ đội Cụ Hồ

Nhà nghiên cứu văn hóa quân sự Dương Xuân Đống.

Suốt mấy chục năm qua, một vị trí hết sức trang trọng, được đặt trong tâm trí người dân Việt Nam là danh xưng Bộ đội Cụ Hồ. Có được điều đó vì vốn dĩ phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ tự nó toát lên tính nhân văn sâu sắc, được biểu hiện rõ nét ở chủ nghĩa yêu nước và tính khoan dung.

Chúng ta biết rằng, Bộ đội Cụ Hồ có thể bao gồm công nhân, nông dân, trí thức… nhưng điều chắc chắn, đó đều phải là những người yêu nước. Ở đây cũng cần nói rõ: Trong sự nghiệp đấu tranh vũ trang mà Bộ đội Cụ Hồ đứng ở vị trí hàng đầu, nòng cốt, thì chủ nghĩa yêu nước đòi hỏi phải có sự xả thân, sự tuẫn tiết. Nếu không thiết tha yêu nước thì không một anh cán bộ, chiến sĩ nào dám xông thẳng vào nơi biết chắc rằng mình sẽ hi sinh. Chính vì thế, trong những ngày đầu của Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, đã xuất hiện những “quyết tử quân” bảo vệ Thủ đô Hà Nội; trong những năm kháng chiến sau đó, trong hàng ngũ Bộ đội Cụ Hồ có thêm: Nguyễn Viết Xuân, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện…

Nhưng chủ nghĩa yêu nước Việt Nam không chỉ dừng lại ở tình yêu thương non sông, đất nước, mà còn là tình yêu thương nhân dân. Chủ nghĩa yêu nước trong Bộ đội Cụ Hồ cũng vậy-đó chính là sự yêu thương, gắn bó, gần gũi với nhân dân như tình cá nước; để rồi từ đó, đối với Bộ đội Cụ Hồ, “nhân dân” đã trở nên một thuộc tính vĩnh hằng.

Sống trong lòng nhân dân, Bộ đội Cụ Hồ đã nhận thức ra một triết lý dân dã là “thương người như thể thương thân”. Từ đó, Bộ đội Cụ Hồ hiểu được những người lính cầm súng trong hàng ngũ kẻ thù vốn cũng là những người lao động-về thực chất, họ cũng là người dân bình dị. Do vậy, với lòng khoan dung, độ lượng, Bộ đội Cụ Hồ sẵn sàng tha thứ cho những lỗi lầm của kẻ thù trong cuộc chiến tranh xâm lược; giúp kẻ thù cải tà quy chính, chống lại chiến tranh phi nghĩa của chủ nghĩa xâm lược.

Đến đây, có thể khẳng định rằng, Bộ đội Cụ Hồ là sản phẩm kết tinh của những cái hay, cái đẹp, cái tiến bộ từ cuộc sống. Tuy nó không phải là cái “nhất thành bất biến”, nhưng đã được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ giữ gìn, vun đắp qua các giai đoạn lịch sử; giúp nó luôn tỏa sáng và chiếm ngự trong khối óc, con tim nhân dân.

KHẢI HƯNG (lược ghi)

Đại úy QNCN Trần Vũ Hợp, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Viện Ra-đa (Viện Nghiên cứu Phát triển Viettel): Tạo điều kiện để sáng tạo, cống hiến tài năng

Đại úy QNCN Trần Vũ Hợp.

Là đơn vị có nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các sản phẩm quân sự có chất lượng cao, thì việc chủ động trong quá trình nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật là một công việc hằng ngày mà tất cả cán bộ, công nhân viên đơn vị phải duy trì, phấn đấu. Đó cũng là cách chúng tôi thực hiện CVĐ "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ".

Thế nhưng không phải ngẫu nhiên sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ra đời, mà phải có các yếu tố bảo đảm, trong đó điều kiện, môi trường công tác là hết sức quan trọng. Từ thực tiễn triển khai CVĐ và phong trào nghiên cứu, sáng kiến ở đơn vị, tôi cho rằng cần tạo ra một môi trường kích thích các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật với phương châm và các giải pháp: Nhóm nhỏ làm việc lớn; làm ít để làm sâu, làm đến đâu tốt đến đó; tin tưởng, khích lệ và giao việc có thách thức; chuyển từ giám sát cách làm sang kiểm soát kết quả và tổ chức ngày hội sáng tạo. Ngày hội sáng tạo nhằm tôn vinh những sáng tạo mang lại hiệu quả áp dụng vào thực tế, giúp ích và tạo cơ hội để nhiều người đóng góp cho tập thể theo một cách tập trung hơn và có hiệu quả hơn.

MINH KHANG (lược ghi)

Ông Nguyễn Văn Hải (Tổng cục Phòng, chống thiên tai-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Lòng quả cảm, tinh thần xả thân giúp dân, vì dân

Ông Nguyễn Văn Hải.

Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai. Trong 20 năm qua, mỗi năm thiên tai làm hơn 300 người chết và mất tích, thiệt hại vật chất khoảng 1-1,5% GDP. Riêng năm 2017, thiên tai đã làm 386 người chết và mất tích; tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỷ đồng.

Thiên tai gây hậu quả rất nặng nề, song nhờ sự chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cộng với sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương; nhất là việc phát huy vai trò nòng cốt của LLVT, đã góp phần quan trọng giúp các địa phương và nhân dân sớm khắc phục hậu quả, vượt qua khó khăn, ổn định đời sống.

Vai trò nòng cốt của LLVT nói chung, quân đội nói riêng trong tham gia phòng, chống thiên tai (PCTT) được xác định cụ thể trong Luật PCTT, nhưng để hoàn thành tốt nhiệm vụ đặc biệt này như trong thời gian qua, có sự đóng góp to lớn, lòng quả cảm, tinh thần xả thân giúp dân, vì dân của cán bộ, chiến sĩ quân đội.

Minh chứng là, mỗi khi có thiên tai lớn, hàng nghìn, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn xung kích, trực tiếp tham gia giúp chính quyền và nhân dân các địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả và tìm kiếm cứu nạn. Sau bão lũ, thiên tai, bộ đội lại giúp dân ổn định đời sống, khôi phục sản xuất...

Đặc biệt, ở những thời điểm khốc liệt, vị trí khó khăn, nguy hiểm nhất trên mặt trận PCTT, cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn xung kích với tinh thần không quản nguy hiểm để bảo vệ nhân dân, như: Bám dây qua suối tiếp tế lương thực cho đồng bào Mường La (Sơn La) bị lũ quét khi cầu đã bị cuốn trôi; tìm kiếm các nạn nhân bị sạt lở đất tại Hòa Bình; tìm kiếm, cứu nạn đồng bào lũ lụt miền Trung; chở nước uống giúp dân chống hạn (năm 2016) cho đồng bào Nam Bộ và Tây Nguyên. Sự hy sinh của 2 chiến sĩ Đồn Biên phòng Yên Khương (Lang Chánh, Thanh Hóa) bị lũ cuốn trôi khi thực hiện nhiệm vụ trong đợt mưa lũ tháng 10-2017 đã để lại sự tiếc thương và lòng biết ơn sâu sắc của quần chúng nhân dân.

Tin tưởng rằng, thời gian tới, cán bộ, chiến sĩ quân đội tiếp tục phát huy truyền thống và nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để thích ứng với những diễn biến mới của thiên tai, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, chủ lực trong PCTT.

NGUYỄN QUÂN (lược ghi)

Trung tá Trần Viết Năng, Phó trưởng ban Thanh niên Quân đội: Tuổi trẻ tiên phong xứng danh Bộ đội Cụ Hồ

Trung tá Trần Viết Năng.

Tuổi trẻ Quân đội (TTQĐ) là lực lượng chủ yếu, trực tiếp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ ở đơn vị cơ sở. Ở các đơn vị huấn luyện, SSCĐ, thanh niên chiếm trên 80% quân số... Điều đó nói lên rằng, chất lượng, hiệu quả, sức sống của Cuộc vận động (CVĐ) “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” liên quan mật thiết đến chất lượng và khả năng tập hợp, phát huy vai trò xung kích của TTQĐ trong thực hiện CVĐ, nhất là ở các đơn vị cơ sở.

Với đặc thù đó, qua 4 năm thực hiện CVĐ, TTQĐ đạt nhiều kết quả quan trọng, thiết thực trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, nhận thức chính trị tư tưởng, bản lĩnh, niềm tin, phẩm chất đạo đức, lối sống của tuổi trẻ toàn quân tiếp tục được củng cố, tăng cường ngày càng vững chắc, chất lượng mọi mặt công tác được nâng lên. Cùng với đó, nhiều phong trào, chương trình, mô hình, sáng kiến, cách làm hay, hiệu quả của TTQĐ được nhân rộng, phát huy, góp phần vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị và toàn quân.

Theo tôi, có được kết quả đó là vì: Bản thân nội dung, chỉ tiêu CVĐ đáp ứng nguyện vọng của đông đảo ĐVTN; được cụ thể hóa, triển khai bằng nhiều hình thức phù hợp với từng loại hình đơn vị; khơi dậy trong tuổi trẻ toàn quân khát vọng, khả năng cống hiến, tinh thần xung kích, tình nguyện. Hơn nữa, CVĐ được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất, nghiêm túc từ trên xuống dưới; sự vào cuộc trách nhiệm của cơ quan chính trị và tổ chức đoàn các cấp trong toàn quân. Cùng với đó, TTQĐ triển khai CVĐ một cách chặt chẽ, có nhiều đổi mới, sáng tạo, gắn liền đặc điểm đối tượng thanh niên.

Thời gian tới, TTQĐ tiếp tục phấn đấu đưa việc thực hiện CVĐ vào chương trình, kế hoạch hành động của tổ chức đoàn các cấp, gắn với các CVĐ, các phong trào lớn, trọng tâm là gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cùng với đó, các cấp đẩy mạnh các hoạt động, phong trào cách mạng nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho TTQĐ cống hiến, xung kích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị; đồng thời qua đó bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, giữ gìn và phát huy truyền thống, phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ.

THANH DUY (lược ghi)

Âu Hồng Nhung, vận động viên bóng chuyền Đội Thông tin Lienvietbank: Vượt khó, nỗ lực lập công cùng đồng đội

Âu Hồng Nhung, vận động viên bóng chuyền Đội Thông tin Lienvietbank.

Thực hiện nhiệm vụ của một vận động viên (VĐV), tôi quán triệt sâu sắc lời dạy của Bác Hồ: “Muốn nên sự nghiệp lớn/Tinh thần càng phải cao”. Bởi thế, tôi không ngừng nỗ lực luyện tập, rèn luyện. Nhất là những lần bị chấn thương nặng, phải đấu tranh bằng ý chí thép mới có thể vượt lên nỗi đau, trở lại thi đấu cùng đồng đội. Điển hình là vào năm 2012, tôi bị chấn thương đầu gối, đứt dây chằng chéo trước, rách sụn và sau khi mổ tưởng chừng không thể tham gia thi đấu được nữa. Nhưng bằng sức trẻ, niềm đam mê và nỗ lực phấn đấu vươn lên, tôi kiên trì tập luyện với những bài tập chịu đau trên những vết thương chưa lành và rồi đến năm 2013, tôi trở lại thi đấu cùng đồng đội trong câu lạc bộ và được gọi lên đội tuyển quốc gia thi đấu ở vị trí chủ công. Thời điểm này, tôi cùng câu lạc bộ thống trị tất cả các giải trong nước, giành Huy chương Bạc SEA Games 27, đứng thứ 5 châu Á.

Năm 2015, trước thềm SEA Games 28, tôi lại bị chấn thương và phải mổ. Sau lần mổ thứ hai, tôi chuyển sang chơi ở vị trí đối chuyền và giành giải đối chuyền xuất sắc nhất giải VTV Bình Điền năm 2016. Nhưng không dừng ở đó, chấn thương đầu gối tiếp tục theo đuổi tôi từng ngày đến giữa năm 2016, bác sĩ kết luận tôi bị thoái hóa bánh chè ở độ tuổi 23 và rồi tôi chuyển sang chơi ở vị trí libero...

Với mỗi VĐV bao giờ cũng có những điểm mạnh, điểm yếu riêng, vì thế, việc nhận ra điểm yếu để khắc phục là hết sức quan trọng. Tôi cũng có những điểm yếu cố hữu như vậy. Là VĐV chủ công mà chiều cao lại hạn chế, do vậy, tôi phải thường xuyên tự luyện tập bằng cách đeo những bao cát nhỏ (khoảng 3-5kg) vào chân tự bật nhảy và tích cực tấn công mỗi khi có bóng để tạo sức mạnh và cách đánh riêng. Hay là từ vị trí chủ công chuyển sang chơi ở vị trí libero thời gian đầu khi bắt chuyền 1 không ổn định, tôi phải tự mình luyện tập riêng bằng cách tự gõ bóng vào tường cho bóng nảy ra để tập, hoặc tích cực tập bắt chuyền một khi đồng đội tập phát bóng.

Với nỗ lực đó, 4 năm qua, tôi cùng đội giành nhiều giải thưởng: 4 năm vô địch quốc gia, vô địch Cúp Quân đội mở rộng, vô địch Siêu cúp Đạm Cà Mau, vô địch giải Hoa Lư-Đạm Ninh Bình, Huy chương Đồng Đại hội Thể thao Quân sự thế giới… Cùng với đó, tôi tham gia đội tuyển quốc gia đoạt giải nhì SEA Games 17, đứng thứ 5 châu Á. Với những cố gắng của bản thân, nhiều năm liền tôi được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở.

NGÔ THANH (lược ghi)

Nhà thơ NGUYỄN HỮU QUÝ: Khắc họa hình tượng cao đẹp cả trong chiến tranh và thời bình

Nhà thơ NGUYỄN HỮU QUÝ.

Trong các cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, Bộ đội Cụ Hồ trở thành "nhân vật" trung tâm của văn học Việt Nam. Điều đó phản ánh đúng hiện thực cuộc sống và cũng là yêu cầu của xã hội ở các giai đoạn lịch sử hào hùng, bi tráng đó. Hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã sản sinh ra đội ngũ nhà văn chiến sĩ viết về người chiến sĩ, viết cho người chiến sĩ, viết vì người chiến sĩ, khá đông đảo trong đó có những tác giả nổi tiếng.

Nhiều tác phẩm văn học xuất hiện trong thời kỳ kháng chiến mang âm hưởng anh hùng ca với tinh thần quyết chiến quyết thắng kẻ thù xâm lược và tràn đầy lạc quan cách mạng. Cái hùng, cái đẹp vẫn vút cao, vẫn nổi trội như một xu hướng phản ánh không thể nào khác.

Trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc và tham gia phát triển kinh tế, xây dựng đất nước với sự đóng góp to lớn của người chiến sĩ là mảng hiện thực đẹp đẽ, phong phú, cần được phản ánh trong văn học nước nhà. Bộ đội Cụ Hồ vẫn có mặt ở những nơi gian khó nhất như biên cương hải đảo, vùng sâu, vùng xa để bảo vệ Tổ quốc; luôn là lực lượng có mặt đầu tiên để cứu dân, giúp dân trong thiên tai, đảm nhận xây dựng các công trình quan trọng ở nhiều khu vực xung yếu, hiểm trở. Ở đâu có người chiến sĩ ở đó có tình quân dân thắm thiết, bản chất Bộ đội Cụ Hồ luôn được giữ vững và phát huy. Trên các lĩnh vực, không ít cán bộ, chiến sĩ là tấm gương sáng, có đức, có tài đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó chính là chất liệu đời sống phong phú tạo nên cảm hứng cho các nhà văn khai thác và xây dựng tác phẩm về người chiến sĩ.

Tuy nhiên, có một sự thiếu hụt về lực lượng và tác phẩm ngày càng lộ rõ hơn; điều đó cũng có nghĩa rằng những chiến sĩ đang bảo vệ, xây dựng Tổ quốc hôm nay khó tìm thấy các trang viết tươi mới, xúc động về mình. Do đó,  một yêu cầu đặt ra là cần tiếp tục khắc họa sâu sắc hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong văn học hiện nay. Đề nghị cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng cần tăng cường phối hợp trong việc bồi dưỡng lực lượng và quan tâm sáng tác của các nhà văn quân đội hướng tới đề tài chiến tranh cách mạng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Những tác phẩm hay về người chiến sĩ trong chiến tranh và thời bình vẫn là điều mong mỏi của nhiều bạn đọc trong và ngoài lực lượng vũ trang.

HẢI YẾN (lược ghi)  

Sinh viên Trần Quốc Việt (Khoa Lịch sử Đảng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền): Hình tượng đẹp để tuổi trẻ học tập, noi gương

Sinh viên Trần Quốc Việt.

Với tuổi trẻ chúng tôi, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ luôn đẹp đẽ, cao quý! Trong điều kiện hiện nay, những phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ được cán bộ, chiến sĩ quân đội kế tục, phát huy. Các giá trị truyền thống tốt đẹp về chuẩn mực, tư tưởng, lối sống, phong cách, hành vi chính trị, hành vi đạo đức vẫn vẹn nguyên trong nhân cách quân nhân cách mạng, như: Tinh thần yêu nước, trọng dân; trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, dân tộc; dũng cảm, sáng tạo trong chiến đấu, trong thực hiện nhiệm vụ; tình đồng đội gắn bó, tính kỷ cương, kỷ luật, tự giác, nghiêm minh và đặc biệt luôn thể hiện rõ bản chất của một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Đặc biệt, Bộ đội Cụ Hồ luôn là lực lượng đi đầu trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn; sẵn sàng xả thân bảo vệ tính mạng, tài sản nhân dân. Trong quá trình đó, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, trở thành biểu tượng sáng đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong điều kiện mới; là những tấm gương sáng để tuổi trẻ Việt Nam học tập, noi theo.

Để góp phần đồng hành cùng cán bộ, chiến sĩ quân đội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thế hệ trẻ chúng tôi ý thức được trách nhiệm phải ra sức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống, ý chí cách mạng; tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hoàn thành các nhiệm vụ học tập, lao động, rèn luyện của người đoàn viên, sinh viên. Cùng với đó, tích cực tham gia phong trào vì cộng đồng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, đóng góp vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để tiếp nối truyền thống anh hùng cách mạng, noi gương Bộ đội Cụ Hồ.

QUỲNH CHI (lược ghi)/ Quân đội nhân dân

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập203
  • Hôm nay62,485
  • Tháng hiện tại893,212
  • Tổng lượt truy cập92,066,941
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây