Sau nhiều năm nghiên cứu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả kinh tế trên những vùng đất cát sang trồng cây nha đam để thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt tại địa phương, khoảng năm 2002, với đặc tính chịu hạn tốt, dễ trồng, cho năng suất cao, nhiều nông dân bắt đầu xuống giống trồng cây nha đam. Ngày đó, ít ai ngờ chỉ sau vài năm, cây nha đam được đánh giá là một trong những cây trồng đặc thù, đem lại nguồn thu nhập cao cho nông dân Ninh Thuận, mở ra triển vọng làm giàu bền vững trên những vùng đất cát khô cằn.
Cây nha đam rất dễ trồng, ít cần nước tưới nhưng sinh trưởng nhanh. Mỗi chu kỳ sinh trưởng, cho sản phẩm liên tục trong thời gian bảy năm, nên nông dân rất có lợi trong việc đầu tư, chăm sóc, thu hoạch. Theo chu kỳ trồng, sau sáu tháng chăm sóc, nha đam bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên. Cứ thế, mỗi tháng thu hoạch một lần cho đến khi cây được bảy năm tuổi thì cải tạo đất và trồng lại giống theo chu kỳ mới.
Hiện, toàn tỉnh Ninh Thuận trồng 330 ha, tập trung nhiều nhất ở các phường Văn Hải, Mỹ Hải và Mỹ Bình thuộc TP Phan Rang-Tháp Chàm. Sản lượng hơn 100 nghìn tấn/330ha/năm. Với giá bán ổn định từ 800 đến 1.500 đồng/kg, nông dân có lãi từ 350 đến 600 triệu đồng/ha/năm.
Nông dân Trần Văn Lương ở phường Văn Hải, TP Phan Rang - Tháp Chàm phấn khởi với những bẹ nha đam vừa thu hoạch.
Ngày 4-10, chúng tôi đến phường Văn Hải, TP Phan Rang – Tháp Chàm, thời điểm nhiều hộ nông dân nơi đây khẩn trương thu hoạch cây nha đam theo định kỳ hàng tháng. Nếu trước đây, hầu hết đất sản xuất nơi đây là đất cát cằn cỗi, khô khốc, giờ là vùng trồng cây nha đam quanh năm xanh tốt. Là một trong những người tiên phong trồng cây nha đam, anh Trần Văn Lương chia sẻ: “Chi phí đầu tư ban đầu cho 1 ha khoảng 10 triệu đồng. Nhưng mỗi năm thu hoạch đến 12 lần, sau khi trừ hết chi phí chăm sóc, tôi lãi hơn 200 triệu đồng/ha/năm. Nhờ thu nhập cao, đời sống gia đình tôi cải thiện nhiều, có điều kiện nuôi con ăn học tốt”.
Nhiều nông dân nơi đây cho biết, từ năm 2012 đến nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng tăng và ổn định, nên nông dân an tâm mở rộng diện tích sản xuất, thu nhập ngày càng khấm khá. Gặp anh Huỳnh Hải Tiến, chuyên thu mua nha đam của nhiều hộ trồng trên địa bàn TP Phan Rang-Tháp Chàm, anh cho hay: “Mỗi ngày, tôi thu mua từ 15 đến 20 tấn nha đam của bà con tại các phường Văn Hải, Mỹ Bình... Thời điểm này, nha đam được mua với giá 900 đồng/kg, nên nông dân rất phấn khởi”.
Những năm qua, nhằm liên kết với doanh nghiệp trong việc bao tiêu ổn định sản phẩm cho nông dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận đã tạo điều kiện để Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt ký kết thu mua sản phẩm với nông dân 50 ha. Hiện, cây nha đam không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, mà còn cung ứng số lượng lớn tại TP Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Đà Lạt…. Nhờ đó, điệp khúc “được giá, mất mùa” không còn nữa.
Nhiều nông dân ở phường Văn Hải, TP Phan Rang - Tháp Chàm khẩn trương thu hoạch nha đam vừa được mùa vừa trúng giá.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận Phan Quang Thựu cho biết, cây nha đam là một loại cây trồng rất có hiệu quả về kinh tế. Hiện tại, tỉnh đã đưa cây nha đam vào danh mục là một trong 12 sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh. Sở đang phối hợp địa phương cũng như các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác rà soát toàn bộ diện tích đất trên diện rộng để bổ sung cho vùng quy hoạch.
“Dự kiến đến năm 2020, nâng diện tích trồng lên 550 ha. Sở đang phối hợp các địa phương tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ được thực hiện những năm qua, giúp nông dân an tâm sản xuất. Đồng thời, đề xuất các cấp, các ngành có thẩm quyền xem xét để sửa đổi, bổ sung và sớm ban hành những chính sách hỗ trợ nhiều hơn, nhằm khuyến khích cho bà con mở rộng diện tích, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất khô hạn, tưởng chừng bị bỏ hoang nhiều năm qua. Cây nha đam sẽ đóng góp tích cực trong thực hiện có hiệu quả chủ trương sản xuất nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu trong tương lai”, ông Phan Quang Thựu nói.
Tác giả bài viết: NGUYỄN TRUNG
Nguồn tin: nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;