Học tập đạo đức HCM

Cơ chế, chính sách mới đủ sức hấp dẫn để thu hút đầu tư vào nông nghiệp

Chủ nhật - 07/10/2018 07:38
Trước thực trạng thu hút đầu tư vào nông nghiệp gặp khó khăn, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi để tháo gỡ cho lĩnh vực này phát triển. Đặc biệt, sự ra đời của Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17-4-2018 về "Cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn" được đánh giá là đủ sức hấp dẫn, phù hợp với thực tế phát triển của ngành Nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có trao đổi với Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn.
 

 

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn.

Còn nhiều tiềm năng lợi thế

- Thực tế cho thấy, nông nghiệp Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư, cụ thể đó là gì, thưa ông? 

- Việt Nam có lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới với điều kiện sinh thái đa dạng, lực lượng lao động dồi dào, cần cù chịu khó, có tiềm năng xây dựng phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn. Nhiều cây trồng, vật nuôi năng suất cao, chi phí sản xuất thấp, có lợi thế cạnh tranh, khẳng định được trên thị trường thế giới. Ví như, năng suất lúa bình quân đạt trên 6 tấn/ha, cao nhất khu vực Đông Nam Á; năng suất cà phê đạt 2,6 tấn nhân xô/ha, cao hơn các nước sản xuất mặt hàng này như Brazil, Colombia, Indonesia; năng suất cá tra đạt 209 tấn/ha cũng vào diện cao nhất thế giới...

Hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới kinh tế và hội nhập quốc tế, sản xuất nông nghiệp đã gắn chặt chẽ với thị trường. Cùng với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới, Việt Nam đã trở thành quốc gia có vị thế quốc tế về xuất, nhập khẩu nông sản hàng hóa. Tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2013-2017 đạt hơn 157 tỷ USD, bình quân 31,5 tỷ USD/năm. Nông sản Việt Nam đã có mặt ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn, như: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU… Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 13 thế giới. Cùng với đó, thị trường tiêu dùng thực phẩm trong nước được dự báo tăng trưởng ngày càng cao.

Đảng, Nhà nước ta luôn coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn là trụ cột phát triển đất nước, nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư được ban hành. Riêng về điều kiện đầu tư kinh doanh đã cắt giảm mạnh mẽ, thực hiện cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 4; giảm gần 80% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan trong hơn 1 năm qua. 

- Với những thuận lợi như kể trên, bức tranh thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hiện nay như thế nào?

- Thời gian qua, ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn trong nước quan tâm tìm hiểu và đã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với quy mô lớn, đặc biệt là các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: Vingroup, Masan, FLC, Hoàng Anh Gia Lai, FPT, Hòa Phát, PAN Group, T&T, CP, Woodland… Đến cuối năm 2017, có 49.600 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 7.600 doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, 42.000 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. 

- Kết quả đạt được bước đầu như vậy phần nào khẳng định lĩnh vực nông nghiệp có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, thực tế việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, tỷ lệ doanh nghiệp tham gia còn khiêm tốn, phần lớn ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này? 

- Đúng vậy, mặc dù số lượng doanh nghiệp nông nghiệp tăng lên, nhưng hiện số đơn vị sản xuất trực tiếp nông, lâm, thủy sản chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng số doanh nghiệp của cả nước. Nếu tính cả doanh nghiệp chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản cũng chỉ chiếm khoảng 8%. Bên cạnh đó, có tới 96% số doanh nghiệp nông nghiệp là quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

Một trong những nguyên nhân doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào nông nghiệp bởi đây là lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, luôn đối mặt với tác động của thiên tai, dịch bệnh nên lợi nhuận và rủi ro đầu tư cao hơn các lĩnh vực khác. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về quỹ đất chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất; ngành Công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp còn hạn chế. Thời gian qua đã có nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhưng doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với những thủ tục gây khó làm nản lòng nhà đầu tư. Trình độ áp dụng khoa học - công nghệ của các doanh nghiệp nông nghiệp còn thấp, hiệu quả sử dụng lao động chưa cao. Khả năng dự báo thị trường, giới thiệu sản phẩm của chúng ta còn nhiều hạn chế cùng với sự biến đổi nhanh của thị trường, chính sách bảo hộ của một số quốc gia đang tạo thêm các rào cản kỹ thuật mới. Cơ chế hoạt động liên kết chuỗi từ người sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm bước đầu có những mô hình tốt nhưng nhìn chung còn lỏng lẻo, thiếu bền vững, chưa gắn kết chặt chẽ lợi ích và trách nhiệm các bên với nhau…

Cần tiếp tục nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh

- Nông nghiệp là ngành kinh tế truyền thống, gắn với sinh kế của hơn 70% người dân Việt Nam. Tuy nhiên, tập quán sản xuất theo kiểu “mạnh ai nấy làm” qua nhiều năm đang khiến nông sản Việt đối mặt với nhiều thách thức trong hội nhập quốc tế cũng như khẳng định lòng tin với người tiêu dùng trong nước. Vậy chúng ta phải làm gì để khắc phục thực trạng này, qua đó tạo cơ sở thu hút đầu tư vào nông nghiệp?

- Theo tôi, trước hết cần tháo gỡ khó khăn trong khâu tổ chức sản xuất. Để sản xuất đồng bộ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, cần đẩy mạnh liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp theo hướng đào tạo nông dân sản xuất ra sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu. Thị trường lao động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng bình đẳng như các thị trường lao động khác, từ đó hình thành một thế hệ nông dân có tri thức, dễ dàng ứng dụng công nghệ vào sản xuất, dần thay thế thế hệ nông dân làm theo kinh nghiệm, cha truyền con nối, hoặc coi nghề nông là một nghề phụ, nghề thu nhập thấp. Thêm vào đó, phải phát triển hệ thống phân phối nội địa đủ sức điều hòa các sản phẩm chủ lực, không để các doanh nghiệp nước ngoài chi phối hệ thống này.

- Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17-4-2018 về “Cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”, theo ông, chính sách này có tác động như thế nào đối với việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp?

- Tôi cho rằng, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP có nhiều quy định khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ, như: Doanh nghiệp có dự án nông nghiệp được miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng nhà ở cho người lao động làm việc tại dự án; miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất đó sau khi được chuyển đổi. Đối với những dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư thì được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước kể từ ngày Nhà nước cho thuê trong 15 năm đầu. Hay như doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn sẽ được ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự án hoàn thành. Ngoài ra còn được hỗ trợ 50% chi phí quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực quốc gia và cấp tỉnh...

So với các chính sách trước đó, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP đã giảm tối đa các hỗ trợ trực tiếp (bằng tiền), điều chỉnh các mức hỗ trợ đủ sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp nhưng phù hợp khả năng cân đối ngân sách nhà nước và cơ chế thị trường, ngăn ngừa trục lợi chính sách. Đây là tin vui đối với các doanh nghiệp hoạt động, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP chỉ là cơ chế khung, hiệu lực, hiệu quả của chính sách còn phụ thuộc nhiều vào quyết tâm chính trị của các cấp, nguồn lực cân đối để thực hiện chính sách. Do đó các bộ, ngành, chính quyền các địa phương cần tiếp tục nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh trong nông nghiệp thông qua khắc phục các vấn đề cố hữu, như: Sản xuất manh mún; quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm; cơ chế liên kết giữa doanh nghiệp và người dân còn lỏng lẻo và thiếu hài hòa lợi ích… 

- Thời gian tới, ngành Nông nghiệp có những định hướng, giải pháp ưu tiên gì thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn?

- Ngành Nông nghiệp sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển nhanh, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh. Trước hết, chúng ta cần ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế quốc gia, như: Rau, trái cây, thủy sản, gỗ và lâm sản... Cùng với đó, duy trì nâng cao chất lượng hiệu quả các mặt hàng truyền thống, như: Lúa gạo, cao su, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, gia súc, gia cầm… Tiếp tục đồng hành, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, coi đây là lực lượng dẫn dắt ứng dụng công nghệ cao, nòng cốt trong các chuỗi giá trị nông nghiệp và tạo hiệu ứng lan tỏa cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. 

Cũng để có thể thu hút và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ vừa ban hành kế hoạch, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh trong nông nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận có thời hạn lâu dài với đất đai, phù hợp với các quyền sử dụng hợp pháp của nhà đầu tư; tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án… 

- Trân trọng cảm ơn ông!
 
 
Bạch Thanh/ Hà Nội Mới (thực hiện)
 
 Tags: nông nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập238
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm237
  • Hôm nay77,363
  • Tháng hiện tại923,667
  • Tổng lượt truy cập92,097,396
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây