Học tập đạo đức HCM

Nông nghiệp công nghệ cao "hút" doanh nghiệp

Thứ hai - 02/03/2015 04:21
Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao đang là hướng đi được Đồng Nai quan tâm phát triển. Năm 2015, nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao sẽ được triển khai trong tỉnh.

Trong chuyến thăm Đồng Nai vào cuối tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý phê duyệt và đưa chủ trương thành lập khu công nghệ cao chuyên ngành công nghệ sinh học tỉnh Đồng Nai vào quy hoạch quốc gia. Đây là dấu mốc quan trọng cho sự phát triển của Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai nói riêng và tạo điều kiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Đồng Nai nói chung.

* Thu hút doanh nghiệp

Năm 2015, Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai sẽ có nhiều dự án lớn được triển khai từ  lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, vật nuôi; sản xuất các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao; các dự án nhà máy chế biến... Nổi bật và mới nhất là dự án đầu tư sản xuất giống siêu cao lương tại Đồng Nai và xây dựng quy hoạch vùng sản xuất siêu cao lương trên toàn quốc. Dự án này do Công ty TNHH Việt Nông hợp tác với Công ty TNHH NTS Partners (TP.Hồ Chí Minh) thực hiện. Siêu cao lương là giống cây trồng mới xuất xứ từ Nhật Bản, cho giá trị kinh tế rất cao vì là nguồn nguyên liệu chế tạo nhiên liệu sinh học, thức ăn chăn nuôi, đường và phân bón... Giống cây trồng này đã được đưa vào sản xuất tại nhiều nước trên thế giới và đã được trồng khảo nghiệm thành công ở  một số tỉnh, thành của Việt Nam. 

Khách nghe giới thiệu về giống cây siêu cao lương tại Công ty TNHH Việt Nông.
Khách nghe giới thiệu về giống cây siêu cao lương tại Công ty TNHH Việt Nông.

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần DFB Hanco Việt Nam, doanh nghiệp (DN) đang đầu tư cả ngàn tỷ đồng cho dự án Nhà máy sản xuất sữa và ngũ cốc nảy mầm GABA tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai, chia sẻ: “Tuy khởi công trong năm 2014 nhưng đến tháng 6-2015, chúng tôi mới chính thức xây dựng nhà máy, dự kiến mất 2 năm để hoàn thành giai đoạn 1. Chúng tôi chọn Đồng Nai vì địa phương có nhiều chính sách ưu đãi và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN về đầu tư. Mặt khác, chúng tôi muốn đưa nhà máy chế biến về gần vùng nguyên liệu hơn”.

Ông Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ Đồng Nai cho biết: “Văn phòng Chính phủ đã gửi thông báo về việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đồng ý phê duyệt cho Đồng Nai thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao. Sở đang tích cực hoàn chỉnh hồ sơ để gửi lên Trung ương. Khi Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học chính thức được công nhận là khu nông nghiệp công nghệ cao, tất cả DN đầu tư sẽ được hưởng mọi chính sách ưu đãi của Nhà nước chứ không phải xin ưu đãi cho từng dự án như trước. Đây là thuận lợi rất lớn để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư vào trung tâm”.

Song song với dự án đầu tư nhà máy, DN này sẽ đầu tư xây dựng những vùng nguyên liệu được chuẩn hóa từ giống đến quy trình sản xuất. DN sẽ phối hợp với Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai ký kết hợp đồng chuyển giao kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Chỉ trong vài năm hoạt động, Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai đã thu hút được nhiều dự án lớn, đầu tư khá hoàn thiện trong các lĩnh vực, như: khu chuyên về sản xuất giống cây trồng, vật nuôi; khu chuyên sản xuất các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao; khu chuyên về chế biến nông sản. Trong đó, những dự án đầu tư trong chế biến nông sản gắn với phát triển vùng nguyên liệu có ý nghĩa rất lớn trong việc chuyển giao, nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao cho sản xuất nông hộ trên địa bàn tỉnh.

* Đa dạng sản phẩm công nghệ cao

Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh Đồng Nai học hiện đã trở thành địa chỉ tin cậy cung cấp các giống cây trồng, vật nuôi với nông dân trong và ngoài tỉnh. Ông Lê Quang Thái, nông dân tại xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ), nhận xét: “Trung tâm hiện đã thu hút được nhiều DN đầu tư công nghệ cao trong sản xuất giống cây, con. Hàng năm, trung tâm đều tổ chức chương trình “Ngày hội ruộng đồng” thu hút cả ngàn nông dân tại nhiều tỉnh, thành đến tham quan, tìm hiểu về giống, kỹ thuật canh tác mới, mô hình sản xuất hay... Bản thân tôi và nhiều nông dân gần đây vẫn thường xuyên đến trung tâm để học thêm về giống mới hoặc nhờ DN tư vấn về kỹ thuật canh tác. Các DN đều có đội ngũ tư vấn, kỹ sư rất giỏi nghề và luôn tận tình hướng dẫn khi nông dân cần”.

Đầu năm 2015, Đồng Nai và Nhật Bản đã ký kết biên bản hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Phía Nhật Bản sẽ hợp tác với Đồng Nai trong xây dựng chuỗi nông nghiệp từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến đến lưu thông, phân phối. Trong đó, Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai sẽ là đầu mối nhận chuyển giao các công nghệ mới về giống, kỹ thuật sản xuất, thực hiện những mô hình thí điểm, mô hình mẫu... Từ đó, chuyển giao rộng rãi cho nông dân cùng tham gia.

Bà Phan Thị Loan, Giám đốc Công ty TNHH nghiên cứu sản xuất Đất Việt (TP.Hồ Chí Minh), DN đầu tư trang trại sản xuất giống gà Đông Tảo, chim trĩ và các loài chim quý khác, cho biết: “Con giống tại đây được đảm bảo nguồn gen thuần chủng nhờ DN ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo trong sản xuất giống. Tuy chỉ mới bắt đầu hoạt động từ năm 2013, nhưng hiện trung bình DN cung cấp ra thị trường từ 500 - 700 con gà giống Đông Tảo/tháng và sẽ ký kết bao tiêu sản phẩm với nông dân. Ngoài ra, chúng tôi còn sản xuất và cung cấp giống các loại chim quý ra thị trường, như: chim trĩ, uyên ương, cồng cộc... Dự kiến, DN tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư trong thời gian tới”.

Ngoài các DN đầu tư sản xuất, trung tâm cũng đang phát triển mô hình trồng cây trong nhà màng tạo ra các loại nông sản có giá trị kinh tế cao cung cấp cho thị trường. Trung tâm đã phát triển được 2 hécta diện tích trồng các loại dưa lưới, dưa leo... theo các mô hình trồng trên nền đất, trồng trong giá thể và theo hình thức thủy canh. Sản phẩm thu hoạch chủ yếu tiêu thụ tại các siêu thị. Dự kiến trong năm 2015, trung tâm sẽ mở rộng thêm 5 hécta diện tích cây trồng trong nhà màng. Trung tâm cũng đang xây dựng xưởng cơ khí gia công và lắp đặt nhà màng với công suất 50 hécta/năm với tỷ lệ nội địa hóa nhà màng đạt trên 80%. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để chuyển giao, nhân rộng mô hình hay này đến nông dân.  baodongnai.com.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập728
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại770,164
  • Tổng lượt truy cập93,147,828
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây