Gần đây, cụm từ “nông sản chất lượng cao” được sử dụng rất rộng rãi, thường xuyên tại các hội chợ, triển lãm ngành nông nghiệp, các đơn vị kinh doanh, xuất khẩu nông sản… Thậm chí, tại những hội nghị, hội thảo do cơ quan chức năng nhà nước tổ chức cũng rất hay nói “nông sản chất lượng cao”.
Đây cũng là mục tiêu hướng tới của toàn ngành nông nghiệp trong các kế hoạch, quy hoạch phát triển… Thế nhưng, thế nào là “nông sản chất lượng cao” thì có lẽ chưa cơ quan nào trả lời cụ thể được.
Tổng cục Thống kê cũng băn khoăn về khái niệm "nông sản chất lượng cao". Ảnh minh họa: Thuận Hải.
Theo Tổng cục Thống kê, cùng với xu hướng tiêu dùng ngày càng cao, trong những năm gần đây, tình hình biến đổi khí hậu như hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp ở Nam bộ.
Để thích nghi với sự biến đổi này, Bộ NNPTNT đã xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái hoặc nuôi thủy sản để thích ứng với biến đổi khí hậu và định hướng phát triển kinh tế dựa trên lợi thế phát triển cây trồng chủ lực của từng địa phương…
Để phản ánh được sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng chất lượng, hiệu quả đòi hỏi trong thống kê diện tích phải thống kê được diện tích của những sản phẩm cây trồng chất lượng cao.
Chưa kể, muốn có kết quả thống kê chuẩn xác, cần xác định được khái niệm, định nghĩa thế nào là sản phẩm chất lượng cao cho từng loại cây trồng, nhất là những loại cây trồng trọng điểm chiếm tỷ lệ cao trong giá trị sản xuất ngành trồng trọt như lúa, cà phê, chè búp, cây ăn quả,…
Một đại diện của Tổng cục Thống kê nhận định, sự chuyển đổi mạnh mẽ trong sử dụng đất nông nghiệp những năm qua đòi hỏi trong các vụ sản xuất, công tác thống kê cũng phải theo kịp để thu thập được thông tin chính xác nhất. Tiếp đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Thống kê và ngành NN&PTNT ở các cấp trong việc xác định diện tích từng loại cây trồng chất lượng cao ở địa phương.
“Thế nhưng hiện nay, ngành thống kê chỉ đang thu thập số liệu cây trồng chất lượng cao theo giá bán sản phẩm và chưa có khái niệm, định nghĩa cụ thể”, vị này cho biết.
Về vấn đề này, bà Phạm Thị Hồng Hạnh – Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NNPTNT, từng cho rằng ngay cả việc chọn sản xuất lúa gạo theo VietGAP, GlobalGAP hay SRP... cũng đang khiến nhiều nông dân và doanh nghiệp băn khoăn, khi xu hướng tiêu dùng đang thay đổi rất nhiều.
Rồi đến chuyện “cái logo” của ngành lúa gạo cũng “vướng”, vì khái niệm sản phẩm chất lượng cao. Theo đó, sau thời gian nghiên cứu, Bộ NNPTNT đã thiết kế được logo nhận diện thương hiệu cho gạo Việt Nam xuất khẩu.
Thế nhưng, việc triển khai dán logo này lại tiếp tục vướng, không phải ở cái logo hay tên thương hiệu, mà là các tiêu chuẩn cho những sản phẩm được gắn logo sản phẩm gạo quốc gia Việt Nam. Vì như lâu nay, Việt Nam chỉ xuất khẩu “gạo xá”, gạo đóng bao với tỉ lệ 5% tấm, 10% tấm hoặc 25% tấm…
Tiêu chuẩn thế nào là "chất lượng cao" có tùy thuộc vào từng người tiêu dùng khác nhau?
Hay như trong ngành thủy sản, ông Trần Huy Hiển, Giám đốc công ty TNHH Pha Lê (Đồng Tháp), trong một bài viết về con cá tra dịp đầu năm mới, cũng phân vân thế nào là chuẩn cá tra chất lượng cao khi mà hiện nay, rất nhiều tổ chức nước ngoài đến Việt Nam để chào mời chứng nhận đạt chuẩn quốc tế. Có thể kể đến các chứng nhận như ASC, GlobalGAP, BAP, GAP…
Theo đó, để có thể xuất khẩu được cá tra, tùy từng thị trường như Mỹ, Nhật hay châu Âu… mà doanh nghiệp phải có được các chứng chỉ nêu trên với chi phí hàng nghìn USD, từ phí tư vấn, tiền cấp chứng nhận, tái chứng nhận…
Thế nhưng, trong năm 2017, con cá tra Việt Nam vẫn rất vất vả khi nhập khẩu vào các thị trường trên, ngay tại châu Âu, người tiêu dùng cũng cho rằng cá tra Việt Nam “ở dơ”, rồi tẩy chay sản phẩm này.
Còn tại thị trường Mỹ, chính phủ Mỹ yêu cầu cá tra Việt Nam phải “tương đồng”, tức được nuôi, chăm sóc và đối xử tương tự như con cá nheo ở Mỹ. Đây được cho là việc hết sức khó khăn cho cá tra Việt Nam.
Xem lại cách tính giá trị sản xuất ngành nông nghiệp Tổng cục Thống kê cho biết, hiện nay, cơ quan này tính giá trị sản xuất ngành trồng trọt theo giá so sánh 2010 và giá hiện hành. Thế nhưng, theo đánh giá, trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm mới ngày càng đa dạng, phong phú nên việc tính toán giá trị sản phẩm chất lượng cao theo bảng giá cố định 2010 có sự bất cập, chưa cập nhật được giá và cơ cấu giá của sản phẩm chất lượng cao. Do đó, để đảm bảo tính chính xác trong việc tính toán giá trị sản xuất ngành trồng trọt, trong năm 2018, Tổng cục Thống kê tiến hành điều tra thí điểm doanh thu bán ra các sản phẩm của cây trồng nông nghiệp ghép trong cuộc điều tra năng suất sản lượng cây hàng năm và cây lâu năm năm 2018 trên phạm vi 20 tỉnh. Từ đó, kết quả điều tra sẽ tính được giá bán bình quân từng sản phẩm của người sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, đơn giá này luôn có sự cập nhật nên có độ chính cao hơn trong việc dùng bảng giá cố định trong nhiều năm. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;