“Cầu nối” tận tâm
Thôn 4 do ông Tiến làm trưởng thôn có 157 hộ dân. Hơn 97% người dân trong thôn là dân tộc thiểu số (Tày, Dao, Sán Dìu, Hoa). Đối với bà con dân tộc thiểu số, trình độ văn hóa và sự hiểu biết còn hạn chế. Mới đầu, khi xã có chủ trương xây dựng nông thôn mới (NTM), việc chuẩn bị triển khai ở thôn 4 gặp không ít khó khăn do vướng đất đai, hoa màu của nhân dân. Do không nắm kịp chủ trương từ xã, huyện, nên nhiều người còn nghi ngờ về chủ trương này. Với vai trò là trưởng thôn, ông Tiến đã trực tiếp lên gặp lãnh đạo xã để nắm chủ trương cụ thể, sau đó tiếp tục họp bàn với người dân trong thôn. Ông Tiến bộc bạch: “Vai trò của mình lúc đó hết sức quan trọng, giữa chủ trương với nhân dân mình phải làm cầu nối rõ ràng và kịp thời, mình không hiểu chủ trương sao đem lại cho dân biết được việc nên làm”. Tên ông là Tiến, nhưng theo ông, nếu tiến một mình thì không có NTM, mà phải góp sức đưa cả cộng đồng cùng tiến mới có cái mới.
Hàng ngày, ông Tiến (phải) thường xuyên gặp gỡ cán bộ xã và huyện để trao đổi thông tin kịp thời. Ảnh: Thu Hà
Việc làm của trưởng thôn Đặng Văn Tiến được xã và cả huyện ghi nhận. Là xã miền núi còn nhiều khó khăn nhưng đến thời điểm hiện nay, xã Quảng La đạt 16/19 tiêu chí xây dựng NTM, thành quả đó có vai trò đóng góp của cá nhân ông Tiến”. Ông Nguyễn Việt Thành – Chủ tịch UBND xã Quảng La
|
Được chính quyền xã tin tưởng và giao trọng trách, ông đã đến từng nhà để vận động người dân chung tay góp sức xây dựng NTM. Ban đầu, việc vận động xây dựng NTM còn gặp nhiều khó khăn bởi đây là khu vực có mặt bằng dân trí chưa cao. 97% người dân trong thôn là đồng bào dân tộc thiểu số. Bà con thường xuyên nhận được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, vì thế nhận thức về đóng góp xây dựng NTM của những người dân nơi đây còn tương đối hạn chế. Để họ thay đổi cách nghĩ nếp làm, tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng NTM, ông Tiến phải khéo léo, sáng tạo các phương pháp tuyên truyền, vận động.
Miệng nói, tay làm
“Nội dung tuyên truyền không dài dòng, trừu tượng mà phải dẫn chứng cụ thể thì bà con mới hiểu được. Chẳng hạn, việc vận động bà con hiến đất làm đường giao thông, gia đình tôi tiên phong hiến 97m2. Hay như vận động bà con đưa cây, con giống mới vào sản xuất, phải dẫn chứng cụ thể hộ dân nào trong thôn đã thực hiện chuyển đổi, có thu nhập ra sao, cách làm của hộ dân đó như thế nào… Nhiều khi chính tôi cũng phải là người làm trước để bà con “tai nghe mắt thấy” thực sự” - ông Tiến chia sẻ.
Bằng nỗ lực cá nhân trong quá trình vận động, ông Tuyến đã nhận được sự đồng thuận của hầu hết các hộ dân trong thôn. Khi thôn nhận được vốn hỗ trợ làm NTM từ Nhà nước, ông cùng người dân nơi đây đã mạnh dạn đăng ký xây dựng 5 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài trên 2,9km. Bà con còn chủ động hiến đất 7.400m2 đất, bỏ trên 2.400 ngày công, đóng góp kinh phí làm nền đường, mua cát. Cho đến nay, thôn 4 đã hoàn thành các tiêu chí về đường giao thông nông thôn, 6 cầu cống các loại, xây mới, sửa chữa hệ thống kênh mương, thủy lợi nội đồng là 1,9km…
Không chỉ tích cực chung tay xây dựng cơ sở hạ tầng, các hộ gia đình còn tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất bằng một số mô hình hiệu quả như trồng cây keo, ngô lai, chăn nuôi lợn, gà... Đời sống của đại bộ phận bà con dân tộc thiểu số trong thôn đã tăng lên đáng kể, hộ nghèo giảm nhanh và bền vững hàng năm. Nếu như năm 2010 thôn còn 14 hộ, thì đến cuối năm 2016 chỉ còn 2 hộ nghèo.
Theo Thu Hà/Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã