Nguy cơ từ việc sử dụng phân bón tràn lan
Từ lâu, việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu để nâng cao năng suất, chất lượng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp đã trở nên quen thuộc. Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam đang sử dụng khoảng 10 triệu tấn phân bón các loại và hàng chục ngàn tấn thuốc bảo vệ thực vật trong hoạt động sản xuất thường ngày.
TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Nông nghiệp Nhiệt đới cho biết, việc sử dụng phân bón hợp lí là một cách để tăng độ phì của đất. Tuy nhiên, nếu lạm dụng quá, dù là phân hữu cơ hay vô cơ đều gây hại tiềm tàng đến môi trường.
Theo tính toán của các chuyên gia trong lĩnh vực nông hóa học, không phải tất cả lượng phân bón được cho vào đất, được phun trên lá… sẽ được cây hấp thụ hết. Cụ thể, hiệu suất sử dụng phân đạm hiện mới chỉ đạt từ 30-45%, lân từ 40-45% và kali từ 40-50% tùy theo chất đất, giống cây trồng, thời vụ, phương pháp bón hay loại phân bón…
Vậy, phần phân bón còn lại, không được sử dụng hết sẽ đi về đâu?
Các nghiên cứu cho thấy, số phân bón cây không sử dụng được, một phần nhỏ sẽ được giữ lại trong các keo đất là nguồn dinh dưỡng dự trữ cho vụ sau. Một phần bị rửa trôi theo nước mặt và chảy vào các ao, hồ, sông suối gây ô nhiễm nguồn nước mặt. Một phần bị trực di (thấm rút theo chiều dọc) xuống tầng nước ngầm và một phần bị bay hơi do tác động của nhiệt độ hay quá trình phản nitrat hóa gây ô nhiễm không khí…
Có thể nói, phân bón là tác nhân gây nên ô nhiễm môi trường trên diện rộng và lâu dài của các vùng sản xuất nông nghiệp. Từ đó, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân nơi đây. Chính vì thế, “sử dụng phân bón một cách hợp lý, đúng liều lượng theo nhu cầu của từng loại cây trồng là một biện pháp nhằm giảm giá thành sản phẩm, tăng năng suất cây trồng và bảo vệ môi trường hiệu quả”, TS. Nghĩa đánh giá.
Sử dụng phân bón hợp lý là một cách giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe con người
Nhiều lợi ích từ phân bón thế hệ mới
Hiện nay, thế giới và Việt Nam đã nghiên cứu thành công nhiều loại phân bón mới, ứng dụng kỹ thuật cao để sử dụng trong nông nghiệp. Sử dụng các loại phân bón này, không những làm nâng cao chất lượng, năng suất cây trồng, cải tạo đất mà còn thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn sức khỏe cho con người.
Theo TS. Nghĩa, trong các loại phân bón mới hiện nay, than sinh học (Bioc-har) được mệnh danh là “vàng đen” vì những tác dụng tuyệt vời của nó đối với nông nghiệp và môi trường. Bioc-har được sản xuất từ đủ loại chất hữu cơ (như các loại vỏ trấu, vỏ cà phê, vỏ dừa, bã mía…) với công nghệ sản xuất đơn giản nhưng có thể tăng năng suất cây trồng từ 30-200%.
Không như phân bón hóa học, Bioc-har có thể tồn tại lâu trong đất, ngoài giữ nước và tăng năng suất đất còn tăng cường chuyển hóa các chất, cải thiện việc giữ dưỡng chất trong đất và bảo vệ vi khuẩn có lợi cho đất.
Ngoài Bioc-har, phân bón ứng dụng công nghệ nano cũng đang được nhiều nước khuyến khích sử dụng. Đặc biệt, tại Việt Nam, Công ty TNHH Công nghệ Na Nô đã trở thành đơn vị đầu tiên nghiên cứu và sản xuất thành công loại phân bón này.
Theo ông Nguyễn Hữu Anh, Chủ tịch HĐQT của công ty này, đây là loại phân bón có kích thước phân tử dao động trong khoảng 10 – 500 nm, giúp cây trồng có thể hấp thụ các chất dinh dưỡng một cách triệt để và dễ dàng hơn. Việc sử dụng phân bón ứng dụng công nghệ nano trong nông nghiệp mang lại những lợi ích lớn như tăng sức đề kháng của cây trồng với điều kiện khí hậu bất lợi; tăng sức kháng bệnh do vi nấm, vi khuẩn, virus; hạt nano sắt hoạt tính sinh học có thể làm tăng sản lượng một số cây trồng lên đến 40%; an toàn, thân thiện môi trường, cải tạo môi trường bị ô nhiễm…
Được biết, từ năm 2012, phân bón nano đã được triển khai thử nghiệm trên một số đối tượng cây trồng như lúa, cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái ở một số tỉnh như An Giang, Sóc Trăng, Long An, Đồng Nai... Kết quả cho thấy, việc sử dụng phân bón nano mang lại hiệu quả xử lý phèn, xử lý độc tố trong đất tương đối cao.
Cụ thể, lượng phèn trên ruộng lúa đã giảm đến 99% sau 1-2 ngày sử dụng; các hệ keo bó chặt dinh dưỡng có hại bị phá hủy, các độc tố của thuốc bảo vệ thực vật phân hủy nhanh; tạo hệ đệm môi trường kiềm nhẹ, giúp vi sinh vật có ích và nấm đối kháng phát triển nên đất tơi xốp hơn. Ngoài ra, phân trung vi lượng nano cũng xử lý tốt các loại nấm khuẩn gây hại, cải tạo phục hồi bộ lá, giúp quang hợp tốt; giúp giảm lượng phân bón, tăng năng suất cây trồng.
Theo Khám Phá
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã