Lễ ký kết khung Chương trình hợp tác quốc gia giữa lãnh đạo Bộ NN&PTNT và FAO
Chủ đề ngày Lương thực Thế giới năm nay là “Đầu tư cho an ninh lương thực và phát triển nông thôn để thay đổi xu hướng di cư trong tương lai”. Đây cũng chính là lĩnh vực hợp tác quan trọng của FAO và Chính phủ Việt Nam.
Nông nghiệp và phát triển nông thôn là hoạt động chính của FAO tại Việt Nam nhằm giải quyết các nguyên nhân khiến người dân phải di cư. Bằng cách hỗ trợ tạo cơ hội kinh doanh và việc làm cho thanh niên không hoàn toàn sống nhờ vào trồng trọt, FAO đã giúp tăng cường an ninh lương thực, nâng cao khả năng thích ứng cho nhiều loại hình sinh kế, cải thiện khả năng tiếp cận bảo trợ xã hội, giảm xung đột về tài nguyên và đưa ra nhiều giải pháp cho tình trạng suy thoái môi trường cũng như biến đổi khí hậu.
Theo số liệu của FAO, bình quân trong giai đoạn 2008 – 2018, mỗi năm có khoảng 26,4 triệu người phải dời bỏ chỗ ở của mình do biến đổi khí hậu và thiên tai. Đói nghèo cũng là nguyên nhân quan trọng góp phần tạo ra thách thức cho nhiều nước trong vấn đề di cư. ¾ người nghèo cùng cực hiện sống dựa vào nông nghiệp hoặc các hoạt động khác ở nông thôn.
Để đầu tư đạt hiệu quả và bền vững, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng: “Phát triển nông thôn phải được xem xét một cách tổng thể, toàn diện. Nếu chỉ phát triển nông nghiệp không thôi thì không đủ, cần xem xét đến các khía cạnh khác như các dịch vụ xã hội (giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng…), môi trường và văn hóa”. Phát triển nông thôn là quá trình lâu dài, cần có những ưu tiên cụ thể trong từng giai đoạn khi điều kiện nguồn lực còn hạn chế; nâng cao vai trò của người dân, cộng đồng địa phương và khuyến khích, tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân vào phát triển nông thôn.
Năm nay buổi lễ diễn ra tại Bắc Kạn, một tỉnh miền núi phía Bắc có phần đông dân là người dân tộc thiểu số. Người dân nông thôn, đặc biệt là nông dân sản xuất nhỏ và thanh niên, hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ tài chính, kỹ thuật và thị trường để nâng cao năng suất nông nghiệp. Do vậy, nhóm dân cư này thường có thu nhập không ổn định, chăm sóc y tế còn yếu và bảo trợ xã hội hạn chế – đây chính là yếu tố chính gây nên tình trạng di cư ra thành thị. “FAO cam kết sẽ hỗ trợ các đối tác tại Bắc Kạn phá vỡ vòng luẩn quẩn khiến người dân phải di cư bằng cách hỗ trợ tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh, tăng cường khả năng chống chịu cho các loại hình sinh kế, và thúc đẩy nông nghiệp bền vững thành cơ hội lập nghiệp khả thi cho thanh niên,” ông Jong Ha Bae, Trưởng Đại diện của FAO Việt Nam nhấn mạnh khi phát biểu tại buổi lễ.
Thời gian gần đây, FAO đã tiến hành một số dự án tại tỉnh Bắc Kạn với mục tiêu xóa bỏ đói nghèo, mất an ninh lương thực, bất bình đẳng, thất nghiệp và suy giảm tài nguyên ở nông thôn. Dự án “Tăng cường liên kết với thanh niên để phát triển nông nghiệp bền vững” do FAO Việt Nam, Chương trình Mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, Đoàn Thanh niên Bộ NN&PTNT và Tỉnh đoàn Bắc Kạn thực hiện gần đây sẽ tạo cơ hội để thanh niên chuyển đổi lĩnh vực nông nghiệp và phát triển bền vững bằng cách áp dụng nhiều kỹ thuật mới và ý tưởng sáng tạo, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho nông dân và cộng đồng địa phương.
Để hưởng ứng ngày Lương thực Thế giới năm nay, Văn phòng FAO tại Hà Nội đã phối hợp với Đoàn Thanh niên Bộ NN&PTNT, Tỉnh đoàn Bắc Kạn tổ chức cuộc thi ý tưởng sáng tạo của thanh niên về phát triển nông nghiệp bền vững. Ban tổ chức đã trao 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 10 giải Khuyến khích cho cá nhân có ý tưởng xuất sắc nhất.
Sau lễ kỷ niệm, các đại biểu đã đến thăm mô hình tại thôn Phiêng An – xã Quang Thuận, tỉnh Bắc Kạn. Đây là nơi thực hiện thành công mô hình sinh kế tăng thu nhập cho người dân thông qua việc trồng cây ăn quả và từ đó nhân rộng ra các khu vực khác.
Nhân dịp này, lãnh đạo Bộ NN&PTNT và FAO đã ký kết khung Chương trình hợp tác quốc gia giữa FAO và Bộ NN&PTNT trong giai đoạn 2017 – 2021, là cơ sở để FAO thúc đẩy hoạt động phát triển tại Việt Nam.
Theo mard.gov
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;