Hội nhập kinh tế nói chung và hội nhập kinh tế ASEAN nói riêng đã mang lại những lợi ích và cơ hội đáng kể cho nông dân, cho nền nông nghiệp Việt Nam cũng như các nước thành viên ASEAN nói chung. Đó là mở rộng thị trường xuất khẩu, tự do mậu dịch, thu hút vốn đầu tư, trao đổi khoa học - công nghệ...
Tuy nhiên, hội nhập cũng đặt ra những khó khăn, thách thức ngày càng lớn. Một trong những thách thức lớn đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp nông thôn.
Sáng kiến và kinh nghiệm phù hợp
Với khoảng 70% dân số là nông dân, nông nghiệp luôn là một lĩnh vực vô cùng quan trọng, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, chiếm gần 20% GDP của cả nước.
Theo ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nông nghiệp Việt Nam đang bộc lộ nhiều bất cập. Tăng trưởng nông nghiệp trong thời gian qua chủ yếu theo chiều rộng thông qua tăng diện tích, tăng vụ, dựa trên mức độ thâm dụng các vật tư cho sản xuất và chi phí lao động rẻ.
Nông nghiệp phát triển chưa bền vững và tốc độ tăng trưởng có biểu hiện giảm, sức cạnh tranh còn thấp, chưa phát huy tốt nguồn lực cho phát triển sản xuất.
Vì vậy, Việt Nam cần rút ra được những sáng kiến, kinh nghiệm phù hợp nhằm thực hiện một số mục tiêu và giải quyết những vấn đề đang đặt ra về phát triển nền nông nghiệp bền vững của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập sâu rộng với thế giới và ASEAN.
Theo đó, cần thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, phát triển các sản phẩm chủ lực gắn kết với ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất và giá thành; đẩy mạnh xây dựng hệ thống thông tin, dự báo thị trường và công tác xúc tiến thương mại; tổ chức tốt khâu sản xuất, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; chủ động giảm thiểu và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ đặc biệt công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp, bảo quản và chế biến nông sản.
Tập trung nguồn lực đầu tư nghiên cứu, giải quyết các vấn đề quan trọng bức xúc của nền nông nghiệp hàng hóa; kiên quyết chống dàn trải, kém hiệu quả. Nghiên cứu, chọn tạo và tổ chức sản xuất ra các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và giá trị thương phẩm cao; ưu tiên nguồn lực cho các sản phẩm chủ lực, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đẩy mạnh đào tạo
Hội nhập kinh tế ASEAN, các chuyên gia cho rằng, mục tiêu đặt ra là phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện, theo hướng bền vững, sản xuất hàng hóa lớn có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh;
Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp và dịch vụ theo quy hoạch; xây dựng xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, trình độ dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ.
Cụ thể, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo nhân lực phục vụ nghiên cứu và chuyển giao khoa học, công nghệ trong nông nghiệp ở tất cả các khâu của chu trình sản xuất.
Đổi mới cơ chế quản lý, nhất là cơ chế tài chính phục vụ nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ trong nông nghiệp.
Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông, tập trung tạo ra sự chuyển biến rõ nét, trên diện rộng đối với các loại sản phẩm chủ lực của mỗi vùng, miền, địa phương.
Đẩy mạnh đào tạo nghề cho nông dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành nông nghiệp. Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho nông dân;
Ưu tiên đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên của ngành như cán bộ quản lý thủy nông, thú y, bảo vệ thực vật, khuyến nông, kiểm lâm, kiểm ngư, cán bộ hợp tác xã, thuyền trưởng, máy trưởng tàu đánh bắt cá xa bờ, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào xây dựng nông
thôn mới.
Theo Anh Quang/giaoducthoidai.vn