Cuối tháng 12-2016, Khu du lịch (KDL) sinh thái vườn xoài Thiện Thành của cụ ông Lê Văn Thành, mọi người hay gọi là Năm Phích (ngụ ấp Tân Phát, xã Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) chính thức khai trương. Với ông Năm Phích, đây là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời ông, một lão nông thứ thiệt không biết gì về du lịch, quanh năm suốt tháng chỉ quen với việc đồng áng.
Lão nông Lê Văn Thành đi kiểm tra độ lớn của trái nhãn Ido mà ông trồng trong vườn để phục vụ khách. Ảnh: THANH TUYỀN.
Quyết làm giữa khó khăn trăm bề
Ông Năm Phích cười khà khà khi nhắc đến làm du lịch của mình: “Khó khăn trăm bề chứ tưởng giỡn. Tui cũng lận đận, lao đao nhiều thứ lắm rồi mới làm được”.
Đó là mối nhân duyên mà cho đến bây giờ ông Năm Phích không nghĩ nó sẽ vận vào người mình một cách tự nhiên như vậy. “Hơn nửa năm trước, mấy chú trên tỉnh có về thăm tui rồi gợi ý tui làm đi. Lúc đó tui cũng đắn đo nhiều thứ lắm, mình làm nông, trồng cây mấy chục năm nay có biết gì mà làm du lịch này kia...” - ông Năm Phích kể lại.
Trước lời gợi ý của mọi người, ông chưa quyết định ngay nhưng luôn để tâm và trằn trọc mãi vì chưa hình dung rõ sẽ làm như thế nào, bắt đầu từ đâu... Rồi với suy nghĩ “thử một lần cho biết nó ra làm sao”, ông mạnh dạn bắt tay vào làm.
Những dụng cụ đánh bắt cá dưới sông ở khu du lịch đều được lão nông Lê Văn Thành tìm tòi, chế tạo từ những thanh gỗ, tre, nứa chứ không đi mua bên ngoài. Ảnh: THANH TUYỀN
Hơn nửa đời người chỉ quen với việc đồng áng, chăm bẵm cây trồng nên khi làm du lịch ông gặp nhiều khó khăn. “Ban đầu nhiều cái khó lắm. Vốn không có, mà làm theo hướng nào thì mình chưa hình dung ra được, rồi kiếm thợ thầy để làm cái này cái kia, quá nhiều thứ phải lo...” - ông nhớ lại.
Nhưng ông Năm Phích không phải là người cho phép mình đi thụt lùi, ông không ngại đối mặt với những trở ngại đó.
“Tui thấy khó thì có khó thiệt đó nhưng thực là tui không hề nản. Tui chưa bao giờ có ý định sẽ bỏ cuộc. Mình cho nó khó thì có dễ cũng biến thành khó. Thấy khó quá mà không đi thử là không được, mình phải tự tìm cho mình một con đường để đi thì mới vững được” - ông khẳng định.
Ông bắt tay vào việc tìm tòi, học hỏi cách làm du lịch của nhiều địa phương nhưng muốn xây dựng KDL của mình theo hướng dân dã. Thấy xung quanh nhà đều có sẵn mọi thứ để làm du lịch “cây nhà lá vườn”, đậm chất miệt vườn, đặc trưng của người miền Tây nên ông quyết định làm KDL ngay trong vườn nhà mình.
“Bờ sông Tiền ngay trước nhà đó, gió sông thổi mát rượi. Ngắm bình minh hay hoàng hôn gì cũng đẹp. Mình bày mấy cái ghe nhỏ ra cho người ta chèo ra giữa sông để ngắm nhìn mây trời, sông nước nè. Phần đất ngay đó đặt hai, ba bộ bàn cho người ta ngồi nhâm nhi vài món ăn thì còn gì bằng. Cây trái trong nhà có sẵn, trồng mấy chục năm nay, cả vườn xoài để không làm gì, tạo không gian cho người ta đi tham quan... Nhìn lui nhìn tới mọi thứ đều có sẵn, làm là ngon lành luôn” - ông Năm Phích nói liền mạch về ý tưởng của mình.
Cùng với sự giúp đỡ của con trai út và nhiều người, chỉ trong vòng ba tháng ông Năm Phích đã gây dựng nên KDL sinh thái vườn xoài Thiện Thành hiện nay. Năm tháng nay, từ khi chính thức khai trương, KDL thu hút hàng trăm lượt khách đến đây vào mỗi tuần.
Tạo điều kiện cho khách thoải mái tận hưởng
Ở KDL của ông Năm Phích, du khách sẽ được hòa mình vào không gian thiên nhiên mang nét “đặc sản” của miệt vườn miền Tây. Đó là chiếc xuồng ba lá, cây cầu khỉ quen thuộc, giàn bầu, bí ông tự tay trồng; bên dưới sông là lũ cá đang đớp mồi ngon... Phía sau lưng nhà là khu đất rộng 3 ha trồng xoài Cát Chu, là nơi khách có thể đến tham quan hàng giờ tùy thích. Ông Năm Phích không đặt ra bất cứ điều lệ gì ở KDL của mình vì không muốn điều đó trở thành rào cản với khách khi đến đây. Khi cây trái trong vườn tới mùa, khách cứ tự nhiên với tay hái rồi ăn ngay tại chỗ.
“Như thế thì mới tạo được sự tò mò, thích thú cho người ta. Hơn nữa, phải để cho họ tự khám phá mọi thứ. Cái gì họ chưa biết thì mình sẵn sàng giải thích cho họ hiểu. Mà khách họ có ý thức hết, không bao giờ họ bẻ hay làm gãy cây. Họ chỉ tiện tay hái vài trái từ trên cây xuống, y như cảm giác cây ở vườn nhà mình vậy. Tui muốn tạo không gian mà ở đó khách có cảm giác như đang ở nhà mình chứ không phải là sự ngăn cách, giới hạn nào cả” - ông Năm Phích giải thích.
Ông Năm Phích đang tìm cách để rải vụ cho xoài và nhãn có thể ra trái quanh năm, khách đến đây có thể tha hồ thưởng thức mà không cần phải đợi đến mùa. Dù không trực tiếp vào bếp để nấu ăn phục vụ cho khách nhưng bất cứ đoàn nào đến, ông đều ra tận ngõ niềm nở chào đón. Điều ông quan tâm nhất là những lời góp ý của khách nên sau khi khách ăn xong ông đều tranh thủ ra tiếp chuyện, nghe ý kiến của họ về món ăn, về thái độ phục vụ của nhân viên...
Ham tìm tòi, học hỏi cả con cháu
Ông Năm Phích bảo con cháu đi học tiếng Anh để tiếp khách nước ngoài và tham gia các khóa học về hướng dẫn du lịch để phục vụ khách được tốt hơn. Còn bản thân ông, muốn làm thêm cái gì, ông đều chủ động tìm tòi rồi kêu thợ tới làm theo ý mình chứ không mua đồ sẵn có vì ông nghĩ làm vậy không hay, không đặc biệt, không có nét riêng của mình. Như cái đơm cá mà ông mới làm xong, cũng tự tay ông mày mò rồi bảo thợ làm theo ý mình cho bằng được.
“Muốn tìm cách phát triển mà cứ ngồi một chỗ than hoài thì khi nào mới khá được. Có đầu óc thì phải tự suy nghĩ, phải cố tâm làm cho bằng được dù có mất thời gian. Tui không muốn bó buộc, giới hạn mình lại trong suy nghĩ. Cứ thử sức thì làm được hết” - ông nói giọng cương quyết.
Ông Năm Phích cũng luôn cố gắng học hỏi bất cứ ai để hoàn thiện bản thân dù cho đó chỉ là con cháu trong nhà. Hễ ai có ý kiến gì hay thì ông luôn chú tâm lắng nghe và sẵn sàng sửa sai.
“Con cháu nói không đúng, không hay thì mình sửa. Nhưng nếu tụi nhỏ nghĩ hay, làm hay, làm nhiều cái tui chưa biết thì tui sẵn sàng học hỏi chứ không câu nệ chuyện bề trên bề dưới gì. Nếu bảo thủ thì mình sẽ là người thụt lùi, tụt hậu so với thời đại bây giờ. Già thì già chứ tui sẵn sàng học, học chẳng bao giờ là đủ cả, già cũng có cái sai của tuổi già” - ông nói.
Tấm gương cho bà con làm du lịch miệt vườn “Chú Thành là một lão nông mấy chục năm nay, suốt đời chỉ làm vườn mà đã dám thay đổi tư duy chuyển sang làm du lịch. Cá nhân tôi rất quý trọng tinh thần của chú, mặc dù tuổi cao nhưng rất sáng tạo, luôn chịu khó để đổi mới chính mình và mạnh dạn làm, vận động con cháu cùng làm. Không phải nông dân nào cũng có cách nghĩ như chú Thành. Chính điều này cũng giúp cho việc phát triển nền kinh tế của địa phương, thu hút khách du lịch đến. Người ta sẽ biết đến các loại cây ăn trái như xoài, cam, nhãn là những đặc sản của vùng này nhiều hơn. Bà con nông dân cũng sẽ có thêm chuyển biến trong suy nghĩ, biết tận dụng vườn tược của mình làm du lịch, tăng thêm thu nhập. Ngoài thu nhập đơn thuần từ kinh tế vườn thì sẽ thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển hơn. Chúng tôi cũng đang cố gắng thúc đẩy mô hình du lịch kinh tế vườn này theo hướng xanh, sạch hơn nhằm nâng cao đời sống của chính người dân nơi đây”. Ông PHAN VĂN THƯƠNG, Chủ tịch UBND TP Cao Lãnh, Đồng Tháp |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;