Học tập đạo đức HCM

Vai trò quỹ tín dụng nhân dân trong phát triển kinh tế nông thôn

Chủ nhật - 03/09/2017 08:32
Quỹ Tín dụng nhân dân có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn hiện nay. Hiện có nhiều chỉ tiêu để đánh giá phát triển hoạt động Quỹ Tín dụng nhân dân. Bài viết đánh giá thực trạng phát triển hoạt động Quỹ Tín dụng nhân dân trên các khía cạnh như: Số lượng khách hàng, mức vay trung bình, mức độ bền vững về hoạt động, về tài chính, tỷ suất sinh lợi, từ đó đưa ra các giải pháp phát triển hoạt động quỹ tín dụng nhân dân trong thời gian tới.

- Số lượng khách hàng: Thực hiện theo đường lối và chủ trong của Đảng và Nhà Nước, Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) cơ sở tăng lên về số lượng, đảm bảo hoạt động an toàn và bền vững trong giai đoạn 2007-2015. Trong giai đoạn 2007-2015 số lượng QTDND cơ sở có xu hướng tăng lên. Năm 2007, số lượng QTDND cơ sở là 987, đến cuối năm 2015 số lượng QTDND cơ sở đạt 1.107, tăng 12,2%.

- Mức vay trung bình: Mức vay trung bình trên khách hàng/QTDND cơ sở giai đoạn 2007-2015 có xu hướng tăng lên, từ 18,44 triệu đồng năm 2015 lên xấp xỉ 45 triệu đồng năm 2015, tức là tăng 2,4 lần. Điều này cho thấy, nhu cầu vay vốn của người dân ngày càng được QTDND cơ sở đáp ứng ở mức cao hơn, đồng thời thể hiện khả năng cạnh tranh ngày càng cải thiện của QTDND cơ sở với các tổ chức tín dụng (TCTD) khác hoạt động trên cùng địa bàn. 


 

- Mức độ tự bền vững về hoạt động: Mức độ bền vững hoạt động (OSS) giai đoạn 2007-2015 đều đạt trên 100%. Tuy nhiên, thông lệ quốc tế cho thấy, để đạt độ bền vững hoạt động lâu dài thì OSS nên lớn hơn 120% (Duflos, 2013).

- Mức độ tự bền vững về tài chính: Mức độ bền vững về tài chính (FSS) của QTDND cơ sở giai đoạn 2007 - 2015 đều đạt trên 100%, cho thấy khả năng đảm bảo về tự bền vững tài chính của QTDND cơ sở. Theo Christen và Drake (2001), tổ chức được coi là tự bền vững về tài chính nếu FSS lớn hơn (>)100%. So với OSS thì FSS của QTDND cơ sở có tỷ lệ thấp hơn. QTDND cơ sở hiện nay còn đối mặt với nhiều hạn chế như chưa thực sự bền vững về tài chính do nhân lực thiếu chuyên nghiệp, nguồn vốn còn hạn chế về quy mô, vốn chủ sở hữu nhỏ…

- Tỷ suất sinh lợi: Nhìn chung tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của QTDND cơ sở giai đoạn 2007-2015 có xu hướng tăng lên và có mức cao hơn so với bình quân toàn ngành ngân hàng giai đoạn 2007-2015 (ROA đạt 0,49% và ROE đạt 5,49).

Thời gian qua, kết quả hoạt động kinh doanh của QTDND cơ sở được cải thiện, QTDND cơ sở đã tập trung cơ cấu lại tổ chức bộ máy và hoạt động, thực hiện trích lập dự phòng rủi ro dẫn đến kết quả lợi nhuận có phần giảm xuống.

- Tỷ lệ nợ quá hạn/tổng dư nợ: Tỷ lệ nợ quá hạn của các QTDNN đạt mức cao nhất năm 2007 là 3,2% bắt nguồn từ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ ở Đông Nam Á. Sau giai đoạn củng cố chấn chỉnh hoạt động cho vay, chất lượng tín dụng của các QTDND cơ sở đã được cải thiện vượt bậc với tỷ lệ nợ quá hạn bình quân liên tục giảm trong 4 năm liên tiếp đạt mức thấp nhất năm 2011 là 1,4%.

Tuy nhiên, sang năm 2012 do tình trạng nợ xấu, xảy ra trong cả hệ thống ngân hàng nên tỷ lệ nợ quá hạn bình quân của các QTDND cơ sở cũng tăng lên, sau đó lại giảm nhanh giai đoạn 2013-2015 với mức xấp xỉ 1% đạt mức quy định cho phép của Ngân hàng Nhà nước.

Một số hạn chế, thách thức

Bên cạnh những kết quả tích cực, thời gian qua, hoạt động của các QTDND vẫn còn đối mặt với không ít hạn chế, thách thức, cụ thể:

Thứ nhất, hoạt động của một bộ phận QTDND chưa bám sát mục tiêu hoạt động, có biểu hiện chạy theo lợi nhuận, các quy chuẩn về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ chưa được coi trọng đã tạo nhiều tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động và gây ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống.

Thứ hai, để chấn chỉnh hoạt động của các QTDND, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 04/2015/TT-NHNN ngày 31/3/2015 với những quy định chặt chẽ hơn trước như: Tổng mức cho vay của QTDND đối với một thành viên là pháp nhân không được vượt quá tổng số vốn góp và số dư tiền gửi; Tổng mức góp vốn tối đa của một thành viên không được vượt quá 10% vốn điều lệ của QTDND tại thời điểm góp vốn...

Dù những quy định này giúp cho các quỹ hoạt động ổn định và đúng tôn chỉ mục đích hơn, song cũng làm thay đổi hoạt động của một số quỹ, khiến các QTDND gặp những thách thức nhất định trong thực hiện.

Thứ ba, quy mô vốn tự có của các QTDND cơ sở còn rất thấp. Do đó, khả năng chịu đựng các khoản tổn thất, thua lỗ xảy ra trong hoạt động của các QTDND rất hạn chế, đặc biệt là khi các QTDND lại hoạt động trong môi trường nhiều rủi ro. Mặt khác, quy mô về nguồn vốn tự có của các QTDND cơ sở là không đồng đều, một số QTDND cơ sở ở những địa bàn kinh tế phát triển có quy mô nguồn vốn tự có rất lớn, trong khi những QTDND cơ sở ở những địa bàn khó khăn có nguồn vốn rất hạn chế.

Thứ tư, phần lớn QTDND cơ sở được thành lập ở địa bàn nông thôn - nơi chứa đựng nhiều rủi ro tiềm ẩn đối với hoạt động kinh doanh tiền tệ - tín dụng. Trình độ của đội ngũ cán bộ, nhân viên còn rất yếu kém, tác phong làm việc tuỳ tiện, khả năng thẩm định dự án và kiểm tra giám sát quá trình sử dụng vốn vay của các thành viên rất hạn chế.

Tình trạng QTDND cho vay vượt mức quy định vốn tự có, cho vay ngoài thành viên, ngoài địa bàn, cho vay sai đối tượng, cho vay thế chấp tài sản không đúng quy định… xảy ra khá phổ biến. Do vậy, không ít thời điểm, nợ quá hạn của một bộ phận QTDND cơ sở tăng cao.

Thứ năm, hiệu quả hoạt động của ngân hàng hợp tác xã còn hạn chế: Theo quy định hiện hành, ngân hàng hợp tác xã phải ưu tiên cho vay đối với QTDND cơ sở. Điều đó có nghĩa là ngân hàng hợp tác xã chỉ được cho vay với các khách hàng ngoài hệ thống sau khi đã đáp ứng đủ nhu cầu về vốn cho các QTDND cơ sở. Tuy nhiên, tỷ trọng cho vay trong hệ thống trên thực tế còn rất thấp so với yêu cầu...

Giải pháp phát triển hoạt động Quỹ Tín dụng nhân dân trong thời gian tới

Để phát triển hoạt động và nâng cao hiệu quả hoạt động của QTDND cơ sở trong kinh tế nông thôn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tái cấu trúc lĩnh vực nông nghiệp, trong thời gian tới cần chú ý một số nội dung sau:

Đối với QTDND cơ sở:

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả chuyên môn nghiệp vụ lẫn đạo đức nghề nghiệp. QTDND cần tăng cường công tác giám sát cán bộ trong khâu tuyển dụng, sau tuyển dụng và định kỳ. Định kỳ, quỹ tín dụng phải thực hiện đánh giá cán bộ về các mặt như tuân thủ chấp hành các chính sách, quy định, quy trình nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp…

- Tăng cường chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ và bộ phận kiểm toán nội bộ nhằm phát hiện, cảnh báo sớm và kịp thời các tồn tại yếu kém, rủi ro vi phạm pháp luật về tổ chức và hoạt động.

- Cần đa dạng hóa danh mục các sản phẩm dịch vụ để có nhiều sự lựa chọn nhằm thoả mãn tối đa nhu cầu của khách hàng thay vì chỉ huy động tiền gửi và cho vay đơn thuần như hiện nay. Việc phát triển sản phẩm mới nên theo nhiều hướng, bổ sung thêm sản phẩm mới hoàn toàn như phát triển thêm dịch vụ thanh toán hay phát triển sản phẩm mới trên cơ sở bổ sung thêm vào danh mục sản phẩm của dòng sản phẩm hiện có.

- Tăng tính tiện ích và hấp dẫn của sản phẩm dịch vụ nhằm thu hút và giữ chân khách hàng, đặc biệt là khách hàng thành viên để đáp ứng yêu cầu đảm bảo tỷ lệ theo quy định của Ngân hàng nhà nước.

- Tăng cường năng lực tài chính cho các QTDND cơ sở. Hiện nay, năng lực tài chính của các QTDND cơ sở nói chung còn rất hạn chế. Thực trạng này khiến các QTDND gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo an toàn và phát triển quy mô hoạt động.

Đối với ngân hàng hợp tác xã:

- Đưa ngân hàng hợp tác xã trở về đúng với bản chất của một định chế tài chính của hệ thống QTDND. Về lý thuyết, ngân hàng hợp tác xã là TCTD hợp tác do các QTDND cơ sở góp vốn thành lập. Tuy nhiên, trong cơ cấu vốn điều lệ của ngân hàng hợp tác xã, tổng số vốn của các QTDND cơ sở góp vào ngân hàng hợp tác xã chỉ chiếm khoảng 1,63%. Phần còn lại do 4 Ngân hàng Thương mại Nhà nước (chiếm 3,26%) và vốn hỗ trợ của Nhà nước giao cho Ngân hàng Nhà nước đại diện quản lý (khoảng 95,31%). 

- Tăng quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ: Giống như các QTDND cơ sở, Nhà nước nên xem xét, giảm mức thuế thu nhập của ngân hàng hợp tác xã và quy định phần thuế được giảm này phải được dùng vào mục đích trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của ngân hàng hợp tác xã.

- Cải tiến quy trình, thủ tục nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động điều hòa vốn khả dụng đối với các QTDND cơ sở theo nguyên tắc nhanh gọn, đơn giản và linh hoạt.

- Tăng cường hoạt động cho vay đồng tài trợ giữa ngân hàng hợp tác xã với các QTDND cơ sở. Theo đó, để đảm bảo an toàn hoạt động, QTDND chỉ đáp ứng được những khoản vay trong một hạn mức nhất định. Khi những dự án vay vốn lớn vượt quá khả năng đáp ứng của QTDND bị từ chối, khách hàng sẽ tìm đến các TCTD khác và như vậy QTDND sẽ bị mất khách hàng. Để giải quyết vấn đề này, ngân hàng hợp tác xã phải thiết lập cơ chế cho vay đồng tài trợ cùng với các QTDND cơ sở.

Đối với Hiệp hội QTDND Việt Nam:

- Trao cho Hiệp hội quyền chủ động trong việc xây dựng định hướng phát triển, các quy chế quản lý nội bộ, các quy tắc đạo đức nghề nghiệp và các chuẩn mực hoạt động áp dụng thống nhất trong hệ thống QTDND.

- Cần chủ động hỗ trợ thực hiện các nghiên cứu về thị trường và thiết kế các sản phẩm, dịch vụ nhằm tạo điều kiện cho các QTDND cơ sở đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu của khách hàng.

- Đẩy mạnh công tác tư vấn, hỗ trợ nghiệp vụ cho các QTDND cơ sở thông qua việc thiết lập đường dây nóng để giải đáp các thắc mắc về chế độ, chính sách liên quan đến QTDND và cử các chuyên gia về tận QTDND cơ sở để hướng dẫn tháo gỡ những vấn đề vướng mắc trong hoạt động theo yêu cầu.         

Tài liệu tham khảo:

1. Hiệp hội QTDND (2007-2015), Báo cáo hoạt động của các QTDND cơ sở giai đoạn 2007-2015;

2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2015), Thông tư số 04/2015/TT-NHNN ngày 31/03/2015 quy định về QTDND;

3. Tôn Thanh Tâm và Lê Thanh Tâm (2008), Bàn về phát triển các tổ chức tài chính nông thôn tại Việt Nam, Tạp chí Thị trường Tài chính tiền tệ số 6/2008;

4. Duflos, E. 2013, Sustainable Interest Rate Setting and Risk Management in Microfi- nance Institutions”, IFC-TYM-VMFWG ngày 16/5/2013;

5. Christen, R., and Drake, D., (2001), Commercialization of Rural Finance, the work supported by the U.S. Agency for International Development, the Micro- enterprise Best Practices (MBP) Project CIA world factbook.

theo http://tapchitaichinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập203
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại874,461
  • Tổng lượt truy cập92,048,190
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây