Ngày 22/8, dưới sự tài trợ của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VNSAT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức hội thảo “Chia sẻ thông tin về chính sách quản lý để thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam”.
Hội thảo được tổ chức nhằm ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà sản xuất để hoàn thiện, xây dựng nghị định sản xuất nông nghiệp hữu cơ vừa phù hợp với chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành vừa có thể đi vào thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, một số tổ chức nước ngoài đã đến Việt Nam nghiên cứu, đầu tư các dự án sản xuất hữu cơ và đã giúp nông dân Việt Nam tiếp cận với phương thức canh tác và mô hình sản xuất hữu cơ.
Thời gian qua, diện tích nuôi trồng hữu cơ của Việt Nam cũng ngày càng tăng lên. Nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chủ động áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước với các mặt hàng chính như chè và các loại rau, củ, quả. Không những vậy, một số sản phẩm đã được xuất khẩu đi Mỹ và thị trường châu Âu.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, quy mô sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam vẫn còn nhỏ lẻ. Thậm chí trên thị trường còn xuất hiện nhiều sản phẩm hữu cơ “trá hình”, chưa thực sự phù hợp với các tiêu chuẩn về sản xuất hữu cơ. Do đó, việc ban hành một văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nông nghiệp hữu cơ là cần thiết nhằm tạo điều kiện phát triển nông nghiệp hữu cơ đúng hướng, đồng thời tạo niềm tin cho người sản xuất, doanh nghiệp và cả người tiêu dùng.
Ông Đặng Tấn Huynh, Chủ tịch HĐQT HTX Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận (tỉnh Đắk Nông) cho rằng, cần có cơ chế hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp hữu cơ để có thể cho ra sản phẩm có giá bằng hoặc thấp hơn các sản phẩm canh tác hóa học. “Sản xuất hữu cơ giá cao chính là tạo điều kiện cho sản xuất bẩn tồn tại” – ông Huynh phát biểu. Theo đó, với mức giá bằng hoặc thấp hơn không chỉ giúp tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm hữu cơ mà còn tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất hữu cơ.
Nhiều ý kiến tham gia hội thảo cũng đặt vấn đề về việc tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp còn khó khăn do các gói này đều dành cho nông nghiệp công nghệ cao. Trong khi sản xuất hữu cơ chủ yếu là thuần túy tự nhiên nên khó được phê duyệt. Theo đó, các đại biểu cho rằng nên thành lập một quỹ quốc gia phát triển nông nghiệp hữu cơ. Quỹ này có thể phát triển dưới hình thức xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp cùng tham gia để gia tăng nguồn vốn.
Một ý kiến khác cũng cho rằng, do sản xuất hữu cơ đòi hỏi tiêu chuẩn nghiêm ngặt về thổ nhưỡng, nguồn nước… nên cần quy định vùng trồng hữu cơ ở cấp quốc gia như ôn đới, nhiệt đới, dược liệu. Các địa phương cần xác định các lợi thế và điều kiện của mình để đăng ký vùng sản xuất hữu cơ.
Vấn đề tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ cũng thu hút sự quan tâm rất lớn của các đại biểu tham dự hội thảo. Các ý kiến đề cho rằng Việt Nam cần xây dựng bộ tiêu chuẩn tương thích với các tiêu chuẩn trên thế giới. Tránh tình trạng doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Việt Nam, nhưng khi muốn đưa sản phẩm đi xuất khẩu thì lại không được nước ngoài chấp nhận.