Học tập đạo đức HCM

Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Nam: Bài 1 - Những 'trái ngọt'

Thứ năm - 28/06/2018 23:53
Mặc dù, quá trình xây dựng nông thôn mới ở Quảng Nam còn gặp nhiều khó khăn song đã cho những “trái ngọt” đầu tiên.
Những khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu với đặc điểm nổi bật về phát triển kinh tế hộ, cảnh quan môi trường, sự hài lòng của người dân… hình thành ngày càng nhiều. Nhiều khu dân cư đã trở thành những điểm du lịch hấp dẫn.

Bộ mặt nông thôn mới ở xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên. Ảnh: quangnam.gov.vn

Lấy kinh tế vườn làm đột phá

Thôn Đại Bình, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn nằm ven bờ sông Thu Bồn, nhìn từ xa như một ốc đảo xanh biếc được bao bọc bởi những lũy tre làng. Với thời tiết mát mẻ quanh năm, sự bồi đắp phù sa màu mỡ của sông Thu Bồn, thôn Đại Bình được xem như một làng trái cây Nam bộ thu nhỏ trong lòng xứ Quảng. Thôn có 345 hộ dân, hầu như nhà nào cũng có vườn cây ăn trái như sầu riêng, chôm chôm, bòn bon, măng cụt… đặc biệt là giống bưởi trụ lông bản địa. 

Trước đây, người dân của thôn chưa chú trọng đến phát triển kinh tế vườn, trong vườn trồng nhiều loại cây đan xen, do điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi nên phó mặc cho tự nhiên, thiếu sự chăm bón, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ năm 2017, khi thực hiện xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, Chi bộ và Ban Nhân dân thôn Đại Bình đã chọn phát triển kinh tế vườn làm khâu đột phá và nhận được sự đồng thuận cao của người dân. Mỗi hộ gia đình sau khi hoàn thành việc cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu sẽ được thôn hỗ trợ từ 2 – 5 triệu đồng.

Ngay khi có chủ trương xây dựng vườn kiểu mẫu, gia đình ông Nguyễn Đình Năm đã tiến hành cải tạo khu vườn quanh nhà rộng hơn 3.500 m2 sang trồng cây bưởi trụ lông và trồng rau sạch. Ông Nguyễn Đình Năm cho biết: Xây dựng những khu vườn mẫu trước hết là tạo nguồn thu nhập cho chính các hộ gia đình, qua đó góp phần làm đẹp cảnh quan làng xóm. Người dân trong thôn cũng thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quy hoạch, cải tạo vườn tạp, chọn những giống cây ăn quả tốt để nhân rộng. Hiện nay, thôn Đại Bình xuất hiện nhiều khu vườn mẫu trồng cây ăn quả cho thu nhập từ 300 triệu đồng- đến 500 triệu đồng mỗi năm.

Tổng diện tích trồng cây ăn trái của thôn Đại Bình hiện nay là 38 héc ta, trong đó 22 héc ta trồng cây bưởi trụ lông, 6 héc ta sầu riêng, 5 héc ta cam, quýt, 5 héc ta bòn bon... Hằng năm, thu nhập mang lại từ kinh tế vườn của người dân Đại Bình đạt gần 8 tỷ đồng. Những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo ở Đại Bình đã giảm mạnh từ 45% năm 2014 đến nay chỉ còn 0,58%. Người dân trong thôn cũng vừa thành lập Hợp tác xã nông nghiệp và du lịch dịch vụ Đại Bình để phát huy lợi thế kinh tế vườn gắn với phát triển du lịch.

Bí thư Chi bộ thôn Đại Bình Phạm Văn Bằng cho biết: Phát triển kinh tế vườn không những làm tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân mà còn góp phần tạo cảnh quan trong thôn luôn xanh, sạch, đẹp. Hiện phần lớn hệ thống tường rào của người dân Đại Bình là những hàng chè tàu xanh mướt, được cắt tỉa gọn gàng tạo nên không gian sống hài hòa, thân thiện với thiên nhiên. Với vẻ đẹp của vùng miệt vườn lại gần với Di sản văn hóa thế giới khu đền tháp Mỹ Sơn của huyện Duy Xuyên, thôn Đại Bình đang trở thành một điểm đến hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều du khách ghé thăm, trải nghiệm.

Phát triển du lịch làng quê

Tỉnh Quảng Nam hiện có 135 thôn đăng ký xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và đã có 20 thôn được công nhận, trong đó nhiều khu dân cư kiểu mẫu đang trở thành những điểm du lịch cộng đồng.

Trung Thanh là thôn ven biển với 192 hộ dân, được biết đến như làng bích họa đầu tiên ở Việt Nam. Gần 2 năm trở lại đây, thôn Trung Thanh, xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ đã trở thành một địa điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam với những bức tranh bích họa nhiều màu sắc trên những ngôi nhà của người dân. Với lợi thế về tiềm năng phát triển du lịch, người dân thôn Trung Thanh đã quyết tâm xây dựng khu dân cư kiểu mẫu nhằm nâng chất các tiêu chí xây dựng nông thôn mới gắn với khai thác du lịch.

Khi triển khai xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu đầu năm 2017, Ban phát triển thôn Trung Thanh chọn tiêu chí môi trường làm khâu đột phá, với mục tiêu xây dựng “làng không rác” để tạo cảnh quan phục vụ phát triển du lịch cộng đồng. Trưởng thôn Trung Thanh Đỗ Đình Đồng cho biết: Người dân trong thôn đã tự nguyện tham gia đóng góp kinh phí và ngày công để trồng thêm cây xanh dọc trục đường chính, đường dẫn vào các ngõ xóm và lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng. 

Trước mỗi ngôi nhà của người dân đều có những chậu hoa đa sắc màu, tô điểm thêm cho những bức tranh sinh động trên các bức tường. Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã hỗ trợ thôn mở các lớp tập huấn trang bị kỹ năng về làm du lịch, giao tiếp ngoại ngữ cho người dân địa phương.

Mỗi năm, thôn Trung Thanh đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan, kéo theo sự phát triển các dịch vụ bán hàng lưu niệm, dịch vụ lưu trú qua đêm, nghề truyền thống làm nước mắm cũng được khôi phục phát triển. Thôn Trung Thanh hiện nay có gần 50 hộ dân còn giữ được nghề làm nước mắm với thương hiệu nước mắm Tam Ấp và đã thành lập được hợp tác xã. Ngoài việc bán cho khách du lịch, nước mắm Tam Ấp còn được đưa vào trong hệ thống siêu thị ở thành phố Tam Kỳ. Nhiều cơ sở sản xuất nước mắm ở thôn có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hiện nay, thôn Trung Thanh không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 39 triệu đồng/người/năm.

Việc thực hiện xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu trong phạm vi địa giới của một thôn đang huy động tối đa sức mạnh gắn kết cộng đồng, phát huy vai trò chủ thể của người dân. Từ năm 2017, đối với các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, ngoài 19 tiêu chí theo quy định bắt buộc phải xây dựng được ít nhất 1 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Đây được xem như tiêu chí thứ 20 được tỉnh Quảng Nam áp dụng nhằm phát triển bền vững phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh.

Tác giả bài viết: Trần Tĩnh - Đỗ Trưởng

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập375
  • Hôm nay105,091
  • Tháng hiện tại842,358
  • Tổng lượt truy cập93,220,022
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây