Học tập đạo đức HCM

Trải nghiệm mới trên đất Vải Thanh Hà

Thứ năm - 28/06/2018 20:28
Tháng 6 mùa hè nắng như đổ lửa, khi tiếng ve sầu ngân vang cũng là lúc mùa vải thiều chín rộ ở Thanh Hà (Hải Dương). Đây là điểm du lịch miệt vườn có một không hai của tỉnh Hải Dương mà những du khách ưa thích du lịch sinh thái không thể bỏ qua.

 

Khách du lịch trải nghiệm tại vườn vải ở Thanh Hà, Hải Dương

Du khảo đồng quê ở vùng đất vải
Từ Hà Nội về Hải Dương, xuôi theo Quốc lộ 5A, đến cầu Lai Vu hoặc qua cầu vượt đoạn nút giao Ngã Ba Hàng, rẽ phải khoảng 10km là đến trung tâm của miệt vườn Thanh Xá, nơi được trồng nhiều vải thiều Thanh Hà nhất. Những vườn vải ngút mắt của xứ vải làm dịu đi cái nắng cháy giữa trưa hè. Dọc hai bên đường vào huyện Thanh Hà là cảnh đồng quê thanh bình với những cánh đồng lúa đã ngả màu vàng. Đây đó, nhộn nhịp cảnh của bà con nông dân đang thu hoạch vụ mùa.
Bước xuống miệt vườn Thanh Xá du khách sẽ được tận mắt chứng kiến cả một cánh đồng vải thiều rộng mênh mông, xanh bạt ngàn của lá, đỏ của quả. Nếu xuống sớm vào buổi sáng, bạn sẽ được cảm nhận một không gian vô cùng quyến rũ của những làn gió ban mai, những giọt sương tinh khiết giống như hạt ngọc của thiên nhiên còn đọng trên lá vải, lung linh trong đó giọt nắng của bình minh. Những chùm quả chín hồng treo dày đặc trên cây, hương thơm mát ngọt lan khắp vùng... Dọc vào các con đường bê tông nhỏ hun hút, tôi cảm thấy như lạc vào một khu rừng già mà nhìn lên cúi xuống chỉ có vải, vải chín đỏ mọng khắp mọi nơi. Bà con trong vùng đang tất bật thu mua vải chín, tiếng thương lái ì xèo mặc cả.
Thời gian thu hoạch là khoảng một tháng, nên du khách cũng không bỏ lỡ cơ hội tự mình chèo lên cây, vặt từng quả vải và thưởng thức trên đó. Nhiều du khách nữ hái vải chín ngay tầm tay và say sưa chụp ảnh đăng facebook.

 

 

Thưởng thức vải tại đất vải Thanh Hà

Vải thiều Thanh Hà được coi là “Chúa” của loài vải. Khác với vải tu hú, trái vải thiều chỉ lớn cỡ ngón chân cái, dầy dặn, mịn và có gai lì, quả tròn, tạo thành chùm, vỏ mỏng đỏ vàng. Hạt vải thiều thường chỉ bằng đầu đũa hoặc còn nhỏ hơn thế, lắm khi còn chẳng thấy hạt đâu, phải nhằn tìm để khỏi nuốt phải. Vải cho vào miệng sẽ cho cảm giác như tự tan ra, không cảm thấy vị se, vị chua, chát, cứ ngọt dần, ngọt dần... Lớp cùi mọng nước ngọt lịm, mát rượi, thanh thanh thơm thơm cái vị riêng có của vải thiều, tứa ra khắp miệng, tỉnh cả người. Nhờ có hàm lượng cao vitamin C, chứa các chất flavonoid nên vải thiều có thể ức chế sự tăng trưởng của các tế bào ung thư giúp cơ thể chống lại bệnh tim, rất tốt cho làn da, xương và các mô.
Đặc biệt hơn, nếu nghỉ đêm ở đây, vào buổi tối du khách sẽ được tham gia trải nghiệm cùng các bạn trẻ của làng quê đi bắt ve sầu trên cây vải, đây là một trải nghiệm vô cùng thích thú trong không gian của làng quê Bắc Bộ.

 

 

 Vải thiều Thanh Hà được giới thiệu ở Hà Nội

Vào thời điểm này, trong thực đơn tráng miệng của các nhà hàng, khách sạn ở Hải Dương, không bữa nào không có trái vải thiều nổi bật với màu vàng đỏ trên chiếc đĩa sứ Hải Dương trắng phau. Và những thúng, thùng, những lia ngoài chợ, trong nhà máy sơ chế, ngoài trung tâm xã những ô tô tải chất đầy vải chở đi muôn phương, những chiếc xe thồ dọc các con phố của Hải Dương, những sạp hàng dọc quốc lộ 5A, thì màu vàng đỏ trái vải thiều vẫn là màu chủ đạo... Hình như Thanh Hà ngoài cái nắng nóng là những trái vải trong mắt người phương xa. Đường về phương Nam, trên các chuyến bay, đầy những túi vải thiều.

Một ngày dạo chơi trên đất vải, được lang thang trong những con ngõ xinh xắn phủ đầy rơm rạ, được tản bộ qua những cánh đồng rộn ràng ngày mùa, tự tay hái những cành vải tươi ngon nhất trên cây và thưởng thức một bình trà ướp hương sen nơi quán nhỏ, cây đa đầu làng, trong hương thơm cây cỏ thì thật là ấm áp biết bao.
 Thi thoảng bạn lại bắt gặp vài hồ sen nhỏ xinh xắn, những đóa sen hồng và khi chân bạn đã mỏi, có thể ghé lại ngôi chùa Bạch Hào phía cuối làng, nghe sư cụ tụng kinh gõ mõ, cùng với chùa Động Ngọ cổ kính đã khoác lên mình một lớp thời gian dày đặc. Hay thăm quan cây vải tổ đã hơn 200 năm tuổi… Ở đó, đừng quên nán lại bên bờ sông sau chùa. Ngồi dưới bóng cây bàng cổ thụ, những làn gió thổi từ cánh đồng mát dịu lòng người, như phủi bay những bụi trần khi bạn bước vào cửa phật.

 


 Khách du lịch tại khu vực cây vải tổ hơn 200 năm

 

Rong ruổi theo những con đường nhỏ, tôi và những người bạn phương Nam dừng chân ở đầu làng để tham quan ngôi chùa Minh Khánh với kiến trúc cổ kính lâu đời còn nhiều bụi thời gian vẫn hiện  hữu nơi đây. Từ ngôi chùa, chúng tôi đi bộ khoảng 100m là ra đến dòng Hương Giang hiền hòa uốn lượn, người dân vẫn ví dòng Hương Giang như mái tóc dài của cô gái Thanh Hà, mượt mà, đằm thắm ôm trọn lấy cả miệt vườn, quanh năm vun đắp miệt vườn tươi tốt. Từ đây, bạn có thể đi thuyền hay ca nô để thả hồn theo dòng Hương Giang uốn lượn, hai bên là những rừng vải thiều xanh mướt của lá và đỏ rực của quả, một bức họa đồng quê đẹp đến mê hồn.
Thời gian tới, khi quy hoạch chi tiết Đề án Du lịch sinh thái sông Hương được triển khai với phạm vi quy hoạch trên 863ha, nằm dọc 2 bên bờ sông Hương (khoảng 10km), du khách về vùng đất này sẽ có cơ hội được sử dụng nhiều dịch vụ hơn. Dự kiến, đây là Khu du lịch sinh thái với loại hình chủ đạo là du lịch sinh thái miệt vườn, trải nghiệm và tham quan du lịch sông nước kết hợp du lịch di tích lịch sử văn hóa cùng khu bảo tàng lúa nước đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ…

“Nếm” cả hồn quê
Vì mới phát triển du lịch nên hiện nay Thanh Hà chỉ có khoảng 4 đến 5 nhà nghỉ và hơn 10 nhà hàng có thể phục vụ nhu cầu ăn nghỉ của du khách. Đặc biệt, du khách không thể bỏ qua một địa điểm có thể thưởng thức ẩm thực, nghỉ ngơi trong các ngôi nhà biệt thự vườn và giải trí tại trang trại tư nhân có tên "Vườn du lịch sinh thái Sông Hương" diện tích trên 11.000 m2, có bể bơi ngoài trời, ở đây du khách được trải nghiệm tại "Trang trại Thóc vàng" với các hoạt động: chăn nuôi gia súc, gia cầm; cách trồng, chăm bón, thu hoạch các loại rau, củ, quả đa dạng; câu cá trên sông hay ngắm nhìn vẻ đẹp của sông Hương, những vườn cây trái dọc 2 bên sông bằng phương tiện ca nô... địa điểm này đã thu hút khá nhiều du khách từ Hà Nội về nghỉ dưỡng cuối tuần. 

 

 

 Tỉnh Hải Dương quan tâm phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch

Nhắc đến ẩm thực, có lẽ về Thanh Hà bạn sẽ được nghe câu nói quen thuộc: “Ốc sông Hương, chạch sông Gùa, rươi sông Rạng”. Chỉ có bấy nhiêu thôi nhưng cũng đủ làm cho thực khách cảm thấy háo hức khi thưởng thức từng món chân quê, bình dị kia. Những món ăn được bà con nông dân nơi đây cần cù chịu khó bắt từ dòng sông mẹ. Qua bàn tay chế biến của các cô các chị nơi đây, đĩa chạch rán giòn vàng ươm, đặt bên cạnh đĩa lá lốt, những lát chuối chát mỏng, khế chua, cà chua rửa sạch trông thật hấp dẫn. Cuộn lá lốt kín con cá, bỏ vào miệng vị ngậy của cá cùng hương nồng của lá lốt, chuối, khế… sẽ thấy, một vị khó tả nhưng ngon đến lạ kỳ. 

Khi nồi ốc biêu được đặt trên bàn ăn, khói tỏa nghi ngút cuốn vào từng khứu giác, tôi cảm thấy mình như bị một liều thuốc mê hồn vì vị hương của xả, của Gừng, lá chanh và những chú ốc biêu đen bóng mẩy kia. Bát nước chấm quánh quạnh với từng lát ớt đỏ tươi, lát rau răm nhỏ bé, từng nhánh tỏi thơm lừng, tất cả tạo nên một sản thực vô cùng hấp dẫn và khó quên.
Kết thúc một ngày du khảo miệt vườn đồng quê, được khám phá biết bao điều của vùng quê chiêm trũng. Chúng tôi ra về với những chùm vải nặng chĩu, mọng đỏ làm quà. Không thể thiếu những hộp bánh đậu xanh vàng ươm ngọt lịm đậm đà cùng chén chè xanh, những chiếc bánh gai đen cườm mềm tan với đỗ và dừa. 


C.T.V/ Báo Văn hoá

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập191
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm190
  • Hôm nay21,243
  • Tháng hiện tại199,810
  • Tổng lượt truy cập90,263,203
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây