Gia đình ông Lê Thế Biên tại thôn Đào Kiều, xã Thịnh Hưng huyện Yên Bình trước đây trồng hơn 2 ha diện tích chè. Mặc dù, đã từng gắn bó với cây chè mấy chục năm trời và cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình. Nhưng đứng trước tình trạng giá cả bấp bênh, giống chè cũ lại cho năng suất và chất lượng kém dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao, không đảm bảo được đời sống, ông Viên và nhiều hộ trong thôn đã phải chuyển đổi diện tích chè hiện có sang trồng cây lâm nghiệp và cây ăn quả.
Từ năm 2012 trở về trước cả xã Thịnh Hưng trồng trên 130 ha chè, nhiều nơi cả thôn trồng chè, người dân từng khấm khá lên nhờ cây chè và đây được coi là cây xóa đói giảm nghèo của địa phương. Tuy nhiên, đến nay diện tích chè của toàn xã chỉ còn khoảng 30 ha, giảm gần 100 ha so với trước đây. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là giá cả bấp bênh không đảm bảo đời sống cho người nông dân.
Ông Lương Xuân Trường - Phó Chủ tịch UBND xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình cho biết: Nguyên nhân sản lượng chè sụt giảm là do cây chè đã già cỗi nên năng suất bị sụt giảm. Bên cạnh đó, tại xã đã hình thành các khu công nghiệp, đặc biệt là nhà máy. Chính vì vậy, những người trong độ tuổi lao động đã vào nhà máy làm công nhân với thu nhập cao hơn, họ dần dần không còn mặn mà với cây chè nữa.
Yên Bình từng là một trong những địa phương có phong trào sản xuất kinh doanh chè với diện tích và sản lượng lớn. Song hiện nhiều doanh nghiệp kinh doanh chè trên địa bàn đã ngừng sản xuất. Nhiều diện tích chè ở vùng chè Văn Hưng, vùng chè Bảo Ái, vùng chè Thịnh Hưng… bà con nông dân bỏ hoang hoặc phá bỏ trồng xen cây lâm nghiệp, cây ăn quả.
Rõ ràng vòng luẩn quẩn trồng chè và tìm đầu ra cho sản phẩm vẫn là bài toán khó tìm ra lời giải. Người nông dân vẫn “mò mẫm” tìm cho mình lối đi riêng. Doanh nghiệp nhiều nhưng vẫn chưa tích cực đầu tư công nghệ. Sản xuất, chế biến sản phẩm vẫn là chè thô, hiệu quả kinh tế không cao, không xây dựng được thương hiệu, không đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Sợi dây liên kết, ràng buộc giữa doanh nghiệp và nông dân nhỏ lẻ, sản xuất manh mún, tự do. Những tồn tại đó không được giải quyết một cách căn cơ thì sản xuất kinh doanh chè sẽ vẫn còn gặp khó khăn.
Để ngăn chặn sự suy giảm diện tích chè, năm 2018, tỉnh Yên Bái tiếp tục tái cơ cấu ngành chè theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững các mối quan hệ giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Trước mắt, các địa phương tăng cường quản lý tốt quy hoạch phát triển vùng chè; kiểm tra, đánh giá và xây dựng phương án bảo vệ diện tích chè hiện có. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng chè nguyên liệu.