Nội dung “Quy hoạch, phát triển cây cao su” được đưa hẳn vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ 17, điều đó cho thấy địa phương này thực sự đặt niềm tin lớn vào cây cao su trong kế hoạch định hướng dài lâu.
Việc này hoàn toàn dễ hiểu nếu quay ngược thời gian hơn mươi năm về trước, thời điểm được xem là giai đoạn hoàng kim của cây cao su khi giá mỗi tấn “vàng trắng” có lúc vượt trên ngưỡng 100 triệu đồng. Phải thừa nhận hiệu quả kinh tế cây cao su lúc bấy giờ ăn đứt so với các loại cây trồng dài ngày khác.
Không khó hiểu khi cao su nhanh chóng trở thành cây trồng chủ lực trong định hướng phát triển dài hơi của nhiều địa phương. Nghệ An, một tỉnh có lợi thế về rừng và đất lâm nghiệp dĩ nhiên không nằm ngoài xu thế đó.
Bên cạnh một số diện tích cao su tiểu điền, tỉnh này xác định phát triển cao su đại điền làm bước đột phá với đối tác là Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Cao su Nghệ An (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - VRG).
Theo tìm hiểu của Báo Nông nghiệp Việt Nam, Dự án của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Cao su Nghệ An được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 27111000008 ngày 11/3/2010. Sau nhiều cuộc họp bàn, tỉnh Nghệ An thống nhất quy hoạch cho đối tác diện tích 10.759 ha, phân bổ trên địa bàn các huyện Anh Sơn, Thanh Chương và Quế Phong.
Cụ thể hơn, tại Anh Sơn diện tích quy hoạch là 4.666,6 ha, quỹ đất trên do Công ty Lâm nghiệp Anh Sơn (nay là BQL RPH Anh Sơn) quản lý; tại Thanh Chương (thuộc Tổng đội TNXPII-XDKT Nghệ An) được quy hoạch 3.004 ha; tại huyện Quế Phong, phân vùng cao su nằm trên địa bàn của 4 xã Hạnh Dịch, Tiền Phong, Quế Sơn, Mường Nọc với tổng quy mô lên đến 3.089 ha.
Xuất phát từ nhiều nguyên do, ngày 26/12/2016 tỉnh phê duyệt Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển cây cao su đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó phần diện tích của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Cao su Nghệ An giảm từ 10.759,6 ha xuống còn 8.947 ha (Thanh Chương 4.047 ha; Anh Sơn 2.700 ha; Quế Phong 2.200 ha), quy mô ít hơn nhưng đây vẫn là con số khổng lồ, thực sự là niềm mơ ước của nhiều nhà đầu tư lúc bấy giờ.
Ghi nhận đến 31/12/2020, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Cao su Nghệ An đã tiếp nhận từ các đơn vị liên quan tổng diện tích tự nhiên 12.567,9 ha (đất thuộc diện quy hoạch trồng cao su là 7.786,22 ha; còn lại là đất rừng tự nhiên và đất khác). Hiện tại đơn vị mới sử dụng được hơn 5.461 ha, riêng diện tích trồng mới cao su chỉ khoảng 4.363 ha, chưa đạt ½ quy hoạch chung.
Những con số có thể khô khan nhưng đủ sức lột tả những vấn đề bất ổn xoay quanh, qua đó cho thấy tiến độ dự án “trọng điểm” đã không diễn ra như kế hoạch.
Số đông chuyên gia đánh giá cao su là cây trồng đa mục đích, vừa có tác dụng bảo vệ môi trường sinh thái lại hướng đến phát triển kinh tế bền vững. Có điều xét tổng thể cả 2 yếu tố dựa trên hành trình đằng đẵng hơn 10 năm trời, thì nay, chẳng ai dám khẳng định cây cao su đã hoàn thành sứ mệnh lớn lao đó trên đất rừng Bắc Trung bộ.
Ngoài ra là nỗi lo thường trực của đồng bào đến từ quá trình canh tác của chủ đầu tư, đặc biệt là việc phun thuốc diệt cỏ trong những năm đầu triển khai dự án, thực trạng xảy ra khá phổ biến tại một số bản làng ở huyện miền núi Quế Phong, Anh Sơn. Dù đã bẵng đi một thời gian nhưng mầm mống hiểm họa chưa lúc nào cạn vơi, sinh ra lớn lên giữa đại ngàn xanh thẳm bà con thấu hiểu hơn ai hết nguy cơ.
Môi trường bị xâm phạm đã rõ, trong khi giá trị kinh tế mang lại cũng chẳng thể làm thước đo chuẩn mực. Đành rằng trong diện tích đã quy hoạch còn một số nằm trong diện tranh chấp, hoặc chưa đủ cơ sở pháp lý để làm thủ tục chuyển giao, dù vậy với việc đã sở hữu quỹ đất khổng lồ hiện tại thì hiệu quả thu về quá èo uột so với kỳ vọng đặt ra.
Không ngẫu nhiên số đông cử tri tại các huyện vùng cao, nơi “vướng” quy hoạch đều phản ánh việc triển khai ồ ạt một cách thái quá đã dẫn đến tình trạng lợi bất cập hại, đi kèm với đó là hàng loạt vấn đề bức bách nảy sinh. Thực tế chỉ rõ nhiều diện tích đất và rừng tự nhiên bị tác động theo chiều hướng tiêu cực, điều này khiến môi trường sống của nhiều loài động vật quý hiếm bị xâm hại trầm trọng, nổi bật là quần thể voi ở huyện Anh Sơn.
Trao đổi cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Đình Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Cao su Nghệ An tỏ vẻ hài lòng: “Chất lượng cao su tại Nghệ An được đánh giá tốt nhất vùng Duyên hải Trung bộ”, chưa kể: “Cái hay của cây cao su so với các loại cây trồng khác là sau quá trình 25 năm kinh doanh, khai thác, đến thời điểm thanh lý bán gỗ lại được giá cao, theo tính toán của Tập đoàn rơi vào khoảng 350 triệu đồng/ha, trong khi suất đầu tư lúc này tầm 140 triệu (bao gồm tất cả chi phí). Trồng cao su cơ bản chỉ vất vả giai đoạn đầu, về sau chi phí đầu tư càng rút xuống, chỉ tầm 70 triệu/ha”.
Vậy trọng tâm chính của dự án này là trồng cao su lấy mủ hay khai thác gỗ tận thu?
Theo số liệu của công ty, hiện diện tích cao su khai thác đạt 1.092/4.363 ha. Năm 2021, do năng suất, giá bán quá thấp, dự kiến với gần 1.000 tấn sản phẩm sẽ lỗ khoảng 4 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2020 tổng sản lượng của công ty đạt khoảng 350 tấn, hạch toán lỗ khoảng 2,8 tỷ đồng.
“Siêu dự án vàng trắng” từng được kỳ vọng đưa Nghệ An sớm vươn tầm thành trung tâm kinh tế đúng nghĩa của dãy đất miền Trung đầy nắng và gió, tiếc thay sau 10 năm có lẻ mọi kỳ vọng trở thành những nỗi thất vọng lớn.
Cần biết rằng, để dọn đường cho cây cao su tỉnh Nghệ An chấp nhận đánh đổi hàng ngàn ha rừng và đất lâm nghiệp, đồng nghĩa quyền lợi chính đáng của số đông đồng bào vùng cao tại các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Quế Phong thông qua các chủ trương, chính sách mà họ vốn dĩ được thụ hưởng trước kia (giao khoán đất rừng, dịch vụ môi trường rừng…) bị “cắt phăng” giữa chừng.
Quá trình thực hiện, tỉnh đã tạo điều kiện giúp doanh nghiệp triển khai đúng tiến độ đề ra, thậm chí có lúc chủ động “mở rào” về mặt pháp lý. Dẫn chứng, sau khi nhận được Tờ trình số 165/TTr-HĐQT ngày 22/4/2014 của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Cao su Nghệ An, kèm theo một số giấy tờ liên quan, ngày 24/7/2014 UBND tỉnh Nghệ An đã có Công văn số 5199/UBND-NN với nội dung như sau: Để kịp trồng cao su trong vụ Thu năm 2014, trên cơ sở Quy hoạch được phê duyệt, UBND tỉnh đồng ý chủ trương để Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Cao su Nghệ An tiến hành trồng trước khi triển khai thu hồi đất đối với diện tích đã thống nhất với Công ty TNHH MTV nông lâm nghiệp Sông Hiếu. Giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với Sở NN-PTNT hướng dẫn thực hiện các thủ tục thu hồi đất theo quy định hiện hành (?!).
Ở một diễn biến khác, lũy kế qua từng năm đến nay công ty đã trồng mới được 4.363 ha cao su, một phần đã được khai thác. Căn cứ khoản 3 Điều 19 Nghị định 46/2014/NĐ-CP, toàn bộ diện tích kể trên của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Cao su Nghệ An được “miễn 15 năm tiền thuê đất đối với dự án thuộc danh mục ưu đãi đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…”.
Đưa ra để thấy, bên cạnh những vấn đề tồn đọng đến từ những nguyên nhân khách quan, thực chất quá trình triển khai dự án Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Cao su Nghệ An và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã nhận được không ít ưu ái…
Việt Khánh - Bảo Khang
https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;