Tại Đồng Nai có ông Võ Văn Chánh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, tại Bình Dương có ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương tiếp và làm việc với đoàn. TS Hạ Thúy Hạnh, đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tham gia cùng đoàn công tác.
Ngoài làm việc với UBND và các đơn vị chức năng của hai tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, đoàn công tác cũng đã đi thực tế tại trại heo Hoa Phượng (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), trại heo giống Bình Minh (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) và trại heo của ông Trần Nhật Lâm (ở huyện Bàu Bàng, Bình Dương).
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Đồng Nai, công tác tái đàn, khôi phục sản xuất chăn nuôi heo đạt kết quả tích cực. Sau khi phát hiện ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên (ngày 17/4/2019 tại huyện Trảng Bom), đến 31/12/2019 dịch đã xảy ra tại 5.371 cơ sở chăn nuôi của 137 xã/phường/thị trấn. Tỉnh đã phải tiêu hủy khoảng 450.000 con heo với trọng lượng 23.930 tấn, tổng đàn heo trên địa bàn giảm 19,41% so với thời điểm trước dịch. Việc tích cực tổ chức tái đàn, phát triển chăn nuôi đã tăng đàn heo của tỉnh hiện đạt 2,031 triệu con, tăng 14% so với tháng 1/2020.
Tại Bình Dương, công tác tái đàn, khôi phục sản xuất chăn nuôi heo cũng đạt kết quả khả quan. Dịch tả heo châu Phi xảy ra tại tỉnh từ tháng 5/2019, đến cuối năm 2019 tổng đàn heo còn 644.959 con, giảm 15,14% so với trước khi xảy ra dịch. Tính đến hết quí 1/2020, tổng đàn heo là 785.841 con, tăng 140.882 con và chỉ giảm 1,89 % so với cùng kỳ khi chưa xảy ra dịch bệnh.
Tuy nhiên việc thực hiện công tác tái đàn cũng đã và đang gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, trên địa bàn 2 tỉnh này, dịch tả heo châu Phi cơ bản được kiểm soát nhưng bệnh này vẫn chưa có vắc-xin phòng, đường truyền lây phức tạp, mầm bệnh có sức đề kháng cao nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái phát dịch nếu không thực hiện chặt chẽ quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Thực tế cho thấy, đầu năm 2020 tại Đồng Nai vẫn xảy ra một ổ dịch tả heo châu Phi trên địa bàn xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu và phải tiêu hủy 12 con heo; Tại Bình Dương, từ đầu năm 2020 xảy ra dịch tả heo châu Phi tại 3 xã là An Sơn, thị xã Thuận An; xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng và xã An Điền, huyện Bến Cát với số heo chết phải tiêu hủy là 30 con.
Tại Đồng Nai, việc khôi phục sản xuất gặp một số khó khăn như: Tỷ lệ chuồng trại đảm bảo an toàn sinh học còn thấp, việc áp dụng các qui trình an toàn dịch bệnh và an toàn sinh học chủ yếu do các công ty, doanh nghiệp chủ động thực hiện, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa quan tâm chú trọng; Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khó khăn trong việc mua con giống tái đàn; Việc không kiểm dịch nội tỉnh gây khó khăn cho việc kiểm soát dịch bệnh, chưa chủ động xét nghiệm phòng chống dịch tả heo châu Phi tại tỉnh do Trạm chẩn đoán xét nghiệm chưa được công nhận.
Đại diện Sở NN&PTNT Bình Dương cho biết, những khó khăn trong công tác tái đàn và phát triển đàn heo tại tỉnh là giá con giống cao, từ 160 – 170 nghìn đồng/kg. Các công ty chăn nuôi đều lưu hành giống nội bộ trong hệ thống và không xuất bán ra ngoài. Một số hộ phải sử dụng heo nái 3 máu nuôi thịt để lại làm giống nên ảnh hưởng tới khả năng sinh sản sau này.
Để tiếp tục công tác tái đàn đạt hiệu quả cao và đảm bảo an toàn, TS. Hạ Thúy Hạnh – Phó GĐ TTKNQG đề nghị Đồng Nai cần có chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp bán con giống cho các cơ sở chăn nuôi đủ điều kiện. Mặt khác cần tăng cường tổ chức nhân rộng chăn nuôi an toàn sinh học; Làm tốt công tác tiêm phòng vắc-xin, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi và giám sát dịch bệnh; Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông và các tổ chức đoàn thể; Tăng cường công tác tập huấn cho cán bộ, nông dân chăn nuôi heo; Tổ chức tọa đàm trao đổi kinh nghiệm; Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật; Chỉ khuyến khích tái đàn chăn nuôi heo đối với các cơ sở chăn nuôi qui mô trang trại theo hình thức trại kín (trại lạnh) hoặc chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng lưu ý các tỉnh cần làm việc với các ngân hàng về lãi suất, vốn vay ưu đãi, đảm bảo chu kỳ để người chăn nuôi có điều kiện tái đàn, tăng đàn heo. Thứ trưởng cũng chỉ đạo doanh nghiệp chăn nuôi chia sẻ con giống cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng như đề ra chính sách cụ thể hỗ trợ người nuôi heo giống phù hợp. Mặt khác nếu đã công bố dịch thì cũng phải công bố hết dịch để người chăn nuôi yên tâm sản xuất.
Thứ trưởng giao các cục, vụ liên quan nghiên cứu, xem xét những mô hình chuẩn và bài học kinh nghiệm từ các địa phương trong công tác phòng chống dịch và tái đàn hiệu quả để nhân rộng trong cả nước.
Nguyễn Văn Bắc
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia/ http://www.khuyennongvn.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;