Thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã tập trung chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác hoặc nuôi thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Đây được xem là một hướng đi hiệu quả để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Điều này phù hợp với nhiệm vụ cụ thể tại Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã có bước chuyển biến, nhiều nông dân đã đổi mới mô hình sản xuất theo hướng hiện đại. Chuyển từ tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang liên kết chuỗi để phát triển, khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên thiên nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đối với các cây, con thế mạnh của tỉnh, đang đầu tư theo hướng xây dựng, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh trên cơ sở phát huy lợi thế tự nhiên của từng loại cây trồng, vật nuôi. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh đang chuyển dịch theo đúng định hướng thủy sản - trái cây - lúa gạo.
Riêng đối với lĩnh vực nuôi thủy sản, đã có bước chuyển biến mới, nông dân tập trung đầu tư, đẩy mạnh nuôi thâm canh thay cho quảng canh. Đến nay, đã có nhiều mô hình nuôi thủy sản an toàn, chất lượng theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), SQF 1000… Hình thành được một số vùng tập trung nuôi trồng thủy sản như: cá tra ở huyện Châu Thành, Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy, cá đồng ở huyện Vị Thủy, Long Mỹ.
Ưu tiên nguồn lực xây dựng ngành nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, đầu tư trọng điểm vào Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Hậu Giang. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu và hỗ trợ đầu tư phát triển cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực ở địa phương. Xây dựng nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý một số sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp Tác Xã Kỳ Như, bà Nguyễn Kim Thùy cho biết, đơn vị chuyên cung cấp con giống, hỗ trợ các thành viên phát triển nuôi tthủy sản và thu mua chế biến các sản phẩm từ cá thát lát. Nhờ đó, hợp tác xã chủ động được nguồn nguyên liệu nuôi theo quy trình sạch, có kiểm soát (sản xuất đạt tiêu chuẩn HACCP) và đầu vào ổn định. Sản phẩm đa dạng nhiều chủng loại, như: cá thát lát rút xương vị tiêu, vị sả ớt, sốt me, sốt chanh giây, chả cá tươi nguyên chất 100% và nhiều sản phẩm làm từ cá thát lát
Nhiều doanh nghiệp và cơ sở sản xuất tại tỉnh Hậu Giang đã ký kết hợp đồng và cung cấp sản phẩm thường xuyên cho cơ sở, đại lý tại TP HCM, đăng ký cửa hàng trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ tại thành phố Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Hợp tác xã Kỳ Như cung cấp khoảng 20 tấn sản phẩm/tháng/15 đại lý, cơ sở Tân Hậu Giang cung cấp 5 tấn sản phẩm/tháng/các đại lý.
Hiện nay, tỉnh Hậu Giang đã tích hợp các đề án, dự án phát triển nông nghiệp trước đây thành “Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”. Thực hiện đề án đã từng bước xoay trục chiến lược sang thủy sản - trái cây - lúa gạo. Tăng tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản và trái cây, giảm tỷ trọng lúa gạo thông qua hình thức tổ chức sản xuất là các hợp tác xã nông nghiệp.
Đ.T.Chánh - Trọng Linh/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;