Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: "Nông sản là kết quả lao động vất vả của nông dân, nên phải nâng niu, trân trọng, chứ không phải là sản phẩm được tiêu thụ bằng "tinh thần giải cứu", bằng lòng thương hại…".
Thông qua sự phối hợp giữa 4 đơn vị, Bộ NNPTNT mong muốn sẽ tạo ra hình mẫu về kết nối cung cầu nông sản, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, lan toả mô hình mới, xây dựng hệ sinh thái cùng đồng hành xây dựng nông nghiệp bền vững.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, có thể nói người Việt Nam luôn có tinh thần tương thân tương ái đặc biệt khi có vấn đề khó khăn xảy ra thì tình cảm của người Việt Nam lại càng thể hiện một cách rõ nét.
Cụ thể, khi nhận thấy thị trường không bình thường, đơn cử như, khi dịch bệnh Covid -19 diễn ra trên quy mô cả nước đã ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm nông sản. Hay nói cách khác là dịch bệnh đã khiến chúng ta bị đứt gẫy lưu thông vận chuyển thu mua nông sản.
Ngay khi thấy tình hình đó, vấn đề "giải cứu" đã xảy ra, "giải cứu" ở đây thể hiện tương thân tương ái hỗ trợ. Tuy nhiên, khi nhắc đến hai từ "giải cứu", chúng ta thấy nó mang hơi hướng thương hại, người ta sẽ nghĩ rằng giải cứu thì chất lượng nông sản sẽ không như mong muốn, hay nói cách khác là nông sản sẽ không đảm bảo được các yêu cầu trong chuỗi phân phối thì mới đem đi "giải cứu".
Trong khi đó cũng đúng là có những nông sản kém chất lượng đã bị những "con sâu" đi làm rầu nồi canh lợi dụng lòng trắc ẩn của người Việt để bán ra thị trường. Khiến cho nông sản Việt bị "tổn thương".
Từ đó hình thành lối suy nghĩ của một số người về việc nông sản Việt Nam cần "giải cứu" thì là nông sản giá rẻ, đây là những mặt hàng không ngon, không đảm bảo. Sâu xa hơn, ở một góc độ vĩ mô thì người ta sẽ thấy hình ảnh nông sản Việt Nam chúng ta đang bị một bộ phận khiến cho xấu xí không đạt yêu cầu gây những yếu tố không tốt về mặt tâm lý, thị trường.
"Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang khi đã có thông điệp rất sớm trong câu chuyện này. Đó là: Không giải cứu. Người nông dân sản xuất nông sản an toàn thì họ xứng đáng được nhận thành quả của mình. Chứ họ không cần phải giải cứu".
Ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT)
Bên cạnh đó, ông Cường cũng nhấn mạnh, trong thời gian vừa qua, Bộ Nông nghiệp kết hợp với Hội Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên và một số ban ngành liên quan đã thống nhất hình thành mối liên kết phân phối sản phẩm nông sản Việt Nam không phải chỉ ở giai đoạn dịch bệnh mà còn ở sau này để thông suốt thông tin cung cầu. Đây là một việc thường xuyên, hàng ngày, và hình thành những chuỗi bền vững.
Việc phân phối lưu thông hàng hóa để vào chuỗi thì sản phẩm nông sản phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh.
Tới đây, Bộ Nông nghiệp sẽ cung cấp những thông tin về thời vụ, sản lượng để cung cấp thông tin cho các nhà phân phối để làm sao chúng ta chủ động, tiêu thụ nông sản một cách bền vững. Đây là cách làm mới, bài bản, hệ thống và đã phát huy tốt trong mùa dịch.
Chúng ta đã có sự thay đổi tư duy từ kinh tế sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp và sản xuất phải gắn với thị trường trong đó có sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội.
Chúng ta huy động toàn bộ nguồn lực xã hội. Trong bối cảnh dịch bệnh vừa rồi, chúng ta thấy cách làm mới đã phát huy điều kiện rõ ràng. Và tiếp theo, chúng tôi sẽ áp dụng cách làm này cho nhiều loại nông sản khác.
Có mặt tại buổi tọa đàm, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết: Không có lý do gì chúng ta phải giải cứu nông sản cả, vì sản phẩm của chúng ta làm ra đều đảm bảo chất lượng.
Giải cứu ở đây là khi sản phẩm của chúng ta lâm vào tình trạng yếu thế. Việc cần làm của chúng ta là làm thế nào để người mua và người bán gặp nhau. Vừa qua, chúng ta đã kết nối bằng công nghệ, bằng các đoàn thể rất hiệu quả.
Đối với các sản phẩm như vải thiều không chỉ thị trường trong nước cần mà thị trường quốc tế cũng rất cần. Trong thời gian vừa qua, các đơn vị của Bộ đã triển khai làm rất đồng bộ và hiệu quả.
Phía Trung tâm Khuyến nông quốc gia cũng đã triển khai xây dựng các mô hình, dự án sản xuất an toàn VietGAP, hữu cơ tại các tỉnh và đến giờ các địa phương đã sản xuất được các sản phẩm chất lượng cao. Đơn cử như vải thiều ở Lục Ngạn (Bắc Giang), bà con ở đây đã áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến, kỹ thuật mới, qua đó sản xuất được quả vải thiều đạt chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Với hình thức đổi mới, chúng ta có thể thích ứng được. Hiện giờ có dịch Covid -19, sắp tới có thể xảy ra nhiều dịch bệnh khác nguy hiểm hơn thì chúng ta vẫn sẽ đảm bảo kết nổi tiêu thụ sản phẩm hiệu quả cho nông dân.
Hàng năm Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng triển khai các lớp đào tạo, huấn luyện tăng cường năng lực cho cán bộ khuyến nông. Chúng tôi mong muốn, cán bộ khuyến nông không chỉ thiên về kỹ thuật, mà cán bộ còn phải có năng lực thị trường, khả năng kết nối tiêu thụ sản phẩm, kêu gọi đầu tư...
Ông Lê Quốc Thanh cho biết thêm: Lâu nay chúng ta cứ nói liên kết chuỗi, song chúng tôi cho rằng vai trò đầu tiên, quan trọng nhất để có nền sản xuất an toàn, hiệu quả, chất lượng, chính là người sản xuất. Chúng ta phải làm thế nào để từng người nông dân phải biết sản xuất an toàn, hiệu quả, đáp ứng các tiêu chuẩn – đó là điều kiện đầu tiên trong chuỗi liên kết.
Đối với các dự án Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang chuyển giao, yếu tố đầu tiên chúng tôi quan tâm là làm thế nào để nông dân sản xuất an toàn, học hỏi được các quy trình công nghệ, bài học kinh nghiệm để mô hình được chia sẻ lan toả.
Trong giai đoạn vừa qua, hệ thống khuyến nông từ Trung ương đến địa phương đã xây dựng được nền sản xuất an toàn, sạch, đảm bảo chất lượng cao nhất.
Còn về phía bà con nông dân, họ cũng rất mong muốn khi đã sản xuất an toàn, sạch thì sẽ kết nối tiêu thụ được sản phẩm đó đúng với giá trị mà sản phẩm đó mang lại. Muốn đạt được điều này, thì cần sự minh bạch của thị trường. Nếu thị trường không minh bạch thì rất khó khuyến khích nông dân làm theo tiêu chuẩn.
Về phía Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, chúng tôi sẵn sàng phối hợp với DN, nhà cung ứng, cung cấp các địa chỉ sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng. Ở đây, chúng tôi mong muốn người nông dân không chỉ bán một vài sản phẩm, mà là bán cả quy trình, tâm huyết trong đó.
Và trong mua bán, niềm tin là điều quan trọng nhất.
Tại buổi tọa đàm, ông Phạm Tiến Nam – Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam cũng chia sẻ: Trước hết chúng tôi đánh giá cao sự phối hợp kết nối tiêu thụ nông sản giữa Bộ NNPTNT, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên.
Từ sự phối hợp này, T.Ư Hội Nông dân đã chỉ đạo các cấp Hội phối hợp chặt chẽ với các Trung tâm hỗ trợ nông dân, nông thôn, các doanh nghiệp… xây dựng mạng lưới kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân. Đây là hoạt động tiếp nối trong chuỗi các hoạt động hỗ trợ nông dân.
Từ Đại hội Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII (nhiệm kỳ 2018 – 2023) đến nay chúng tôi đã thực hiện quyết liệt việc này. Hiện Hội Nông dân Việt Nam đã xây dựng được hệ thống hơn 700 cửa hàng nông sản của Hội ND ở khắp các tỉnh, thành. Những cửa hàng nông sản này giới thiệu, bày bán, quảng bá, kết nối tiêu thụ các mặt hàng nông sản an toàn, nông sản VietGAP. Từ hiệu quả của các cửa hàng mang lại, có những cơ sở Hội đã chỉ đạo xây dựng các gian hàng giới thiệu nông sản đến tận chi hội nông dân.
Trong 3 năm trở lại đây, thực hiện Chương trình phối hợp giữa Chính phủ, Hội NDVN, Hội LHPN Việt Nam về vận động hội viên sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, chúng tôi đã đưa nội dung này vào trong Nghị quyết Đại hội VII Hội NDVN. Đây là 1 trong những chỉ tiêu thi đua đặt ra đối với các cấp Hội ND trong việc vận động hội viên nông dân của mình sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn.
Bên cạnh đó, Hội đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ hội viên ứng dụng khoa học công nghệ truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, tem truy xuất. Chúng tôi triển khai rất mạnh mẽ các hoạt động này; có sự phối hợp giữa Bộ NN, Bộ Công Thương và các doanh nghiệp.
Trong những năm gần đây, sản phẩm nông sản của chúng ta từng bước nâng cao chất lượng rất tốt, không những đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.
Tôi đồng tình với ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia; đó là: Người nông dân không chỉ bán sản phẩm mà còn bán cả quy trình, cả văn hoá, tâm hồn người Việt vào trong sản phẩm đấy; từ đó nâng cao giá trị nông sản.
Tôi lấy ví dụ, vừa rồi có doanh nghiệp làm chương trình con đường nông sản giới thiệu sản phẩm mận hậu Sơn La. Nhờ xây dựng thương hiệu mận hậu Sơn La có giá trị rất cao, bán 100 tấn với giá 300.000 đồng/kg. Tôi rất tâm đắc với ý kiến của Bộ trưởng NNPTNT đó là nâng niu nông sản Việt.
Theo tôi, việc kết nối tiêu thụ còn cần nhiều yếu tố, chứ không chỉ mỗi nền tảng sản xuất. Trong đó cần nâng cao năng lực chế biến, năng lực logictics.
Ông Nguyễn Như Cường bổ sung: Mới đây, trước tình hình "nóng" câu chuyện tiêu thụ vải thiều, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đã làm việc với Hiệp hội bán lẻ và các DN tìm cách tiêu thụ vải, với cách nhìn đã có thay đổi trong tư duy giữa sản xuất và tiêu thụ. Từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, sản xuất gắn với thị trường, tạo thành dây chuyền khép kín giữa sản xuất và tiêu dùng, có sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức bán lẻ, trung tâm thương mại; động viên toàn bộ nguồn lực xã hội cùng tham gia chuỗi tiêu thụ.
Đây là hướng đi mới, phát huy hiệu quả rõ ràng trong điều kiện dịch Covid -19 và vụ vải thiều "nóng" như hiện nay.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Mạnh Phong - Giám đốc điều hành chuỗi Big C và Go! miền Bắc - Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết, chúng tôi tham gia giúp bà con nông dân tiêu thụ nông sản ở nhiều góc độ, toàn quốc chứ không chỉ ở miền Bắc. Chúng tôi là người bán hàng và luôn mong muốn mang những sản phẩm chất lượng nhất đến phục vụ người tiêu dùng.
Tôi cũng hoàn toàn đồng ý với quan điểm hiện nay là dừng hai từ "giải cứu", tiến tới cách thức tiêu thụ mới, giúp người nông dân bán được hàng với giá trị cao hơn, cũng như người tiêu dùng cảm thấy hài lòng với sản phẩm mua được.
Nếu có những thông tin bất lợi về giá nông sản trên phương tiện truyền thông thì bản thân chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc đưa ra chương trình bán hàng. Nếu đưa ra những thông tin không sát thực sẽ làm méo mó thị trường, hay nếu dùng chiêu bán hàng kiểu tình thương thì người ta sẽ chỉ mua 1-2 lần, còn nếu lựa chọn hướng đi đúng thì sẽ kích thích người tiêu dùng mua hàng thường xuyên chứ không phải mang tính chất giải cứu.
Khi chúng tôi tham gia vào các chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản, chúng tôi ghi nhận hệ thống siêu thị đều tăng doanh thu 2- 3 lần và không hề gặp phải các vấn đề phản ánh khiếu nại từ người tiêu dùng về chất lượng. Chúng tôi rất hài lòng, khi được người tiêu dùng đón nhận nhiệt tình.
Đại diện của Hội Nông dân Việt Nam, ông Phạm Tiến Nam – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII nhiệm kỳ 2018-2023 của Hội Nông dân Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN đã ban hành 3 nghị quyết chuyên đề số 04, 05, 06 về tổ chức xây dựng Hội.
Các nghị quyết đã xác định rõ những chủ trương, giải pháp để thúc đẩy đổi mới phương thức hoạt động Hội trong thời kỳ mới, và đã từng bước đạt được kết quả có ý nghĩa. Hội ND đã ban hành Đề án 24 về về xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp triển khai trong toàn quốc.
Các chi hội, tổ hội nghề nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động đã góp phần đổi mới mô hình tổ chức, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng tổ chức cơ sở Hội vững mạnh; tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các hội viên trong cùng chi, tổ hội, giữa hội viên với doanh nghiệp, nhà khoa học, ngân hàng, nhà tư vấn trong quá trình sản xuất.
Đây là tiền đề để Hội ND xây dựng Tổ hợp tác và các HTX, gắn kết người nông dân với các mô hình kinh tế. Hiện Hội ND đang phối hợp với Bộ NNPTNT, Liên minh HTX phấn đấu xây dựng 15.000 HTX kiểu mới.
Việc Bộ NNPTNT cùng các tổ chức chính trị – xã hội cùng vào cuộc kết nối tiêu thụ nông sản đã thể hiện sinh động mối quan hệ hợp tác trong mối liên minh mới. Chúng tôi tin tưởng rằng, thời gian tới chúng ta sẽ phối hợp chặt chẽ để đưa nông sản Việt mang tầm mới và vươn ra nhiều thị trường mới.
Chúng tôi cũng tin tưởng rằng, trong thời đại công nghệ số, kinh tế số, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid, chúng ta biết phát huy được thế mạnh của con người Việt Nam rất thông minh, sáng tạo thì việc kết nối, tiêu thụ, thông thương nông sản sẽ ngày càng thuận lợi.
Ông Nguyễn như Cường cho biết: Tôi phải khẳng định, trong điều kiện có dịch thì việc mua bán online rất phát triển. Trong cái rủi có cái may, nhờ có dịch mà chúng ta thấy các sản giao dịch thương mại điện tử rất phát triển. Bộ NNPTNT phối hợp với các đoàn thể chính trị, hiệp hội bán lẻ... kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản hiệu quả cho người dân.
"Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả bước đầu. Sắp tới chúng ta phải có trách nhiệm và đoàn kết với nhau thì mới triển khai hiệu quả mô hình này. Đúng như câu nói đã đúc kết: "Muốn đi nhanh thì đi 1 mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau" - ông Cường nói.
Ông Lê Mạnh Phong chia sẻ: Có thể nói hệ thống siêu thị BigC, GO! của chúng tôi có năng lực tiêu thụ nông sản lớn nhất hiện nay.
Hàng tuần, hàng tháng, chúng tôi có nhiều chương trình kích cầu tiêu thụ nông sản, khuyến mãi lớn như lễ hội trái cây; cuối tuần đều gia tăng lượng hàng, bán mức giá hấp dẫn cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, năm nay BigC và GO! còn đẩy mạnh bán hàng trực tuyến, qua zalo, Tiki…
Qua đó chúng tôi nhận thấy nhu cầu tiêu dùng của khách hàng tăng lên rõ rệt. Các mặt hàng nông sản trưng bày đẹp hơn, chất lượng cao hơn, lượng cầu cũng tăng lên trong hệ thống BigC và GO!.
Ông Nguyễn Như Cường cho rằng, để thích ứng với tình hình tiêu thụ nông sản thời buổi dịch bệnh cũng như trong bối cảnh hội nhập, tới đây các HTX phải gắn liền sản xuất với thị trường. Ngoài vai trò tập hợp liên kết lẫn nhau, bản thân các HTX cũng cần trang bị cho mình thông tin về thị trường, bán online thế nào, offline ra sao, chứ không thể giữ mãi suy nghĩ sản xuất ra hạt lúa, quả vải chờ người ta đến thu mua.
"Những sản phẩm đã được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, OCOP 4 sao, 5 sao thì chúng tôi rất sẵn sàng bắt tay, thậm chí tìm về tận nơi để đưa vào siêu thị, vì chúng tôi cũng cần tạo ra giá trị cho khách hàng, đảm bảo mối quan hệ kinh tế thị trường".
Ông Lê Mạnh Phong
Thời gian qua, HTX cũng có nhiều đổi mới, bộ máy lãnh đạo có trình độ ngày càng cao, đã được đào tạo bài bản về trình độ, năng lực, khả năng kết nối giữa HTX lẫn HTX với nhau, giữa HTX với bà con nông dân. Chúng ta cần phát huy điều đó.
Về điều này, ông Lê Mạnh Phong cũng cho biết, thực tiễn BigC đã tham gia làm việc với nhiều HTX. Chúng tôi nhận thấy 4-5 năm trở lại đây, các HTX, nông dân rất năng động.
Trước đây chúng tôi yêu cầu họ tuân theo quy trình vietGAP rất khó, còn bây giờ họ sẵn sàng đáp ứng, tuân thủ. Họ không chỉ thay đổi, nâng cao trình độ sản xuất mà ngay cả ở khâu thị trường, HTX cũng rất chủ động đi tìm xe vận chuyển, tìm kho chứa nông sản để hỗ trợ khâu thu mua, bán hàng.
Ví dụ trên vùng vải Lục Ngạn, gần như năm nào chúng tôi cũng có thêm thông tin về vùng trồng vải đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Dù mới đi vào hoạt động từ đầu tháng 6, song mô hình điểm kết nối tiêu thụ nông sản do Bộ NNPTNT và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người tiêu dùng. Qua mô hình này, liệu chúng ta có thể hi vọng câu chuyện kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản được tổ chức tốt hơn, chấm dứt tình trạng phải "giải cứu" nông sản?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Như Cường nhận định, khâu tiêu thụ nông sản thì không ai giỏi bằng các DN, công ty phân phối. Việc sản xuất, rõ ràng nông dân Việt Nam rất giỏi, có thể sản xuất tất cả các sản phẩm với yêu cầu cao nhất, đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu, Mỹ, với điều kiện họ được trả công xứng đáng.
Để làm được điều đó, phải có đơn vị ở giữa kết nối cung cầu, điều chỉnh và đảm bảo quyền lợi các bên trong mối quan hệ. Đó là cơ quan quản lý nhà nước, bao gồm Bộ NNPTNT và cơ quan quản lý địa phương. Cơ quan này có vai trò "cầm trịch", cung ứng thông tin, kết nối hài hoà giữa phần cung – cầu, vừa đảm bảo số lượng, chất lượng và giá cả.
Trả lời câu hỏi về phía DN tiêu thụ có đặt hàng gì đối với nông dân, HTX, ông Lê Mạnh Phong trả lời: Không ít người thắc mắc, tại sao có sản phẩm tốt vẫn không vào được siêu thị? Bản thân chúng tôi đã làm việc rất nhiều với các HTX, nông dân, chủ trang trại và chúng tôi luôn đặt tiêu chí chất lượng sản phẩm, an toàn lên hàng đầu. Nhưng nếu chúng ta cung cấp sản phẩm giá quá cao so với sản phẩm cùng loại của đối tác khác thì sẽ khó cạnh tranh.
Về cơ bản, những sản phẩm đã được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, OCOP 4 sao, 5 sao thì chúng tôi rất sẵn sàng bắt tay, thậm chí tìm về tận nơi để đưa vào siêu thị, vì chúng tôi cũng cần tạo ra giá trị cho khách hàng, đảm bảo mối quan hệ kinh tế thị trường.
Để góp phần giúp bà con nông dân thay đổi nhận thức, tham gia vào chuỗi sản xuất hiệu quả, ngoài thế mạnh chuyển giao kỹ thuật, ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ chú trọng đào tạo đội ngũ khuyến nông viên có kỹ năng kết nối thị trường, cùng với HTX kết nối với nông dân. Hiện chúng tôi đang cùng các địa phương triển khai một số mô hình thí điểm.
"Chúng ta khó thay đổi sản xuất manh mún nhỏ lẻ, vì có tới 10 triệu hộ nông dân, điều cần làm bây giờ là kết nối nông dân với nhau, hình thành các tổ hợp tác, HTX thì mới kết nối dễ dàng hơn với DN, nhà thu mua. Nông dân cứ mãi đứng riêng lẻ thì rất khó" - ông Thanh nói thêm.
Nhóm PV
https://danviet.vn/giai-phap-thuc-day-mo-hinh-ket-noi-cung-cau-nong-san-chinh-quy-20210615153629105.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;