Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp |
Đó là nhận định của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2021 và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm 2021 của Chính phủ trong khuôn khổ phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/6.
Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội được triển khai đồng bộ, hiệu quả
Trình bày Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết trong 5 tháng đầu năm, Chính phủ đã ban hành 55 Nghị định để triển khai kịp thời các luật đã được Quốc hội thông qua; sửa đổi, bổ sung quy định pháp lý trong từng lĩnh vực cụ thể giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2021 tiếp tục chuyển biến tích cực, nổi bật là: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,16% so với tháng trước, bình quân 5 tháng tăng 1,29%, là mức thấp nhất kể từ năm 2016, tạo dư địa trong điều hành giá trong mục tiêu dưới 4% đã đề ra.
Thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định; tín dụng phục hồi, tăng 4,67% so với cuối năm 2020; mặt bằng lãi suất cho vay giảm; thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng được bảo đảm.
Thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 5 tháng đạt 49,7% dự toán, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất, nhập khẩu có tốc độ tăng cao, 5 tháng ước tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (Moody’s, S&P và Fitch) đồng loạt nâng điểm triển vọng lên “Tích cực”.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi, các hoạt động đều có mức tăng khá so với cùng kỳ năm 2020. Sản xuất công nghiệp tiếp tục hồi phục và đạt kết quả tích cực, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 5 tháng tăng 9,9%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7,6%.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chỉ đạo. Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân bị ảnh hưởng dịch COVID-19 tiếp tục được triển khai và phát huy hiệu quả tích cực.
Các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được thực hiện tốt; bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu, sự kiện chính trị, văn hóa, đối ngoại quan trọng của đất nước. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển, nâng cao vị thế của đất nước.
Dự báo tình hình thực hiện một số chỉ tiêu 6 tháng đầu năm 2021, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực.
Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đạt gần 4 triệu tỷ đồng; tốc độ tăng GDP dự báo đạt khoảng 5,8%, thấp hơn 0,42 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (tăng 6,22%) và thấp hơn 0,12 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản Chính phủ cập nhật lại tại thời điểm quý I/2021 (tăng 5,92%).
Thu NSNN ước đạt 55,5% dự toán, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2020, xấp xỉ so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2019. Chi NSNN ước đạt 43% dự toán; giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 34,15% kế hoạch (cùng kỳ năm 2020 đạt 34,85%).
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản dự báo tăng trưởng khoảng 3%; sản xuất công nghiệp - xây dựng dự báo tăng trưởng khoảng 7,85%; khu vực dịch vụ dự báo tăng trưởng khoảng 5%. Tiêu dùng tiếp tục xu hướng phục hồi; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng khoảng 7,1%.
Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn
Đề cập đến các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo thực hiện trong những tháng cuối năm 2021, ông Nguyễn Chí Dũng cho hay để hoàn thành cao nhất các mục tiêu Quốc hội đã giao, Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, trong đó tiếp tục chuyển nhanh tư duy, nhận thức, phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình để có quyết sách kịp thời, chính xác, hiệu quả.
Tiếp tục kiên định thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép", vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về phòng chống dịch. Kiên trì kiềm chế, đẩy lùi, ngăn chặn có hiệu quả đợt bùng phát thứ 4 của dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, khôi phục và phát triển kinh tế. Sử dụng tổng hợp mọi nguồn lực để sớm có vaccine phòng COVID-19 và tiêm miễn phí cho toàn dân nhằm đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng...
Thường xuyên rà soát, kịp thời có biện pháp hiệu quả tháo gỡ những vướng mắc về thể chế để huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng hệ thống hành chính Nhà nước kiến tạo, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân...
Chủ động triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do COVID-19, đặc biệt là người lao động bị mất việc làm, lao động tại các khu công nghiệp, người sử dụng lao động để có thể đáp ứng ngay các đơn hàng khi khống chế được dịch bệnh.
Tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; khẩn trương nắm bắt tình hình để điều chỉnh giải pháp thu hút FDI phù hợp.
Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.
Theo dõi sát diễn biến giá cả để phân tích, dự báo, rà soát kịch bản tăng trưởng, kịp thời đề xuất giải pháp kiểm soát lạm phát. Tích cực triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát, hạn chế nợ xấu mới phát sinh; phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng.
Phát triển đồng bộ giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, tạo nền tảng phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam trở thành nguồn lực, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội...
Nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đã được ban hành kịp thời
Tán thành với nhận định trong Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định dù dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng Chính phủ đã ban hành kịp thời nhiều chính sách, biện pháp với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân; duy trì, ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng; ổn định việc làm, hỗ trợ người dân, người lao động và các doanh nghiệp khó khăn; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội. Chính vì vậy, tình hình kinh tế-xã hội đất nước có nhiều chuyển biến tích cực.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, hướng tới triển khai chiến lược vaccine, tạo miễn dịch cộng đồng, Chính phủ đã thành lập Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 và nhận được sự ủng hộ thiết thực của nhân dân, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng khẳng định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt, chỉ đạo kịp thời khắc phục tình trạng chủ quan, lơ là, lỏng lẻo trong công tác quản lý y tế và sau cách ly ở một số nơi cũng như trong quản lý lưu trú của người nước ngoài.
Về các giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2021, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế-xã hội trong ngắn hạn, dài hạn; đánh giá lại các chỉ tiêu, các cân đối lớn của nền kinh tế cho cả năm 2021; tiếp tục phối hợp đồng bộ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; quan tâm các vấn đề về lạm phát, bội chi NSNN, nợ công, nợ Chính phủ, trả nợ Chính phủ.
Tổng kết, đánh giá toàn diện các chính sách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng dịch COVID-19 để đưa ra các dự báo, đề xuất phù hợp nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, xây dựng kịch bản phòng, chống dịch bệnh tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; sớm đưa một số khu công nghiệp đang bị phong tỏa hoạt động trở lại.
Tập trung nguồn lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh, đẩy nhanh thực hiện "Chiến lược vacine", bao gồm mua vaccien, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước và nâng cao năng lực tổ chức tiêm phòng hiệu quả.
Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục cập nhật, bổ sung số liệu 6 tháng đầu năm 2021 khi báo cáo Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ nhất, trên cơ sở đó, bổ sung đánh giá, dự báo khả năng, mức độ thực hiện 12 chỉ tiêu trong Nghị quyết số 124/2020/QH14 của Quốc hội.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã