Như số báo ra ngày 20/4, Báo NNVN đã phản ánh trong bài: “Yểm bùa” cho…cây trồng, vật nuôi kiểu Mỹ” khác với các tỉnh, thành thử nhưng không thấy mấy hiệu quả nên bỏ bê không thèm làm báo cáo, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định đã thực hiện khá nghiêm túc việc thử thiết bị cân bằng môi trường (Environmental Blance Device – EBD) này. Bởi thế tôi đã liên lạc với những cán bộ trực tiếp làm và được cung cấp 3 bản báo cáo khá chi tiết đi kèm một số hình ảnh.
Có bốn đối tượng được thử nghiệm, thứ nhất là dưa lê, thực hiện trong năm 2017 ở xã Nam Dương (huyện Nam Trực).
Kết quả, năng suất tăng được 35,63%, về khả năng chống chịu bệnh lở cổ rễ ít hơn đối chứng nhưng bệnh sương mai lại nhiều hơn đối chứng.
Đối tượng thử nghiệm thứ hai là cây su hào vẫn ở địa điểm xã Nam Dương. Kết quả năng suất tăng được 6,8%, còn khả năng kháng sâu bệnh ghi nhận tốt hơn đối chứng.
Một đối tượng cây trồng khác được thử nghiệm là ruộng lúa giống của Công ty TNHH Cường Tân ở xã Trực Hùng (huyện Trực Ninh) thực hiện trong năm 2017.
Vì bảng kết quả quá dài nên tôi chỉ để ý mấy tiêu chí chính. Với lúa bố, sức sống của mạ, giai đoạn trỗ, độ cứng cây, thời gian sinh trưởng…không khác biệt nhưng ở 5 điểm làm thử nghiệm thì 3 điểm năng suất có tăng chút ít, 2 điểm bằng ruộng đối chứng còn khả năng kháng sâu bệnh giống nhau.
Với lúa mẹ, sức sống của mạ, giai đoạn trỗ, độ cứng cây, thời gian sinh trưởng không thấy khác biệt, nhưng năng suất ở 5 điểm thì 3 điểm tăng chút ít, cụ thể 2, 5, 6 gram/m2 còn khả năng kháng sâu bệnh giống nhau.
Anh Đoàn Văn Sáu-Giám đốc Công ty Cường Tân cho biết một hai vụ đầu không thấy "bùa" yểm xuống có tác dụng gì vì "sóng" bên trong của nó có thể vài năm mới hoạt động mạnh.
Điều đáng tiếc là sau đó khoảng 1 năm trong quá trình mở rộng đường ra ruộng, vô tình máy múc mất một lá "bùa" mà người làm cũng như anh không hay biết.
Chỉ đến khi có cán bộ xuống kiểm tra phát hiện thì nó đã mất hẳn dấu vết, không biết vứt ở đâu để mà tìm nữa.
Đối tượng mà GS.TS Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp ca ngợi khi áp dụng thiết bị này cho kết quả cực kỳ hấp dẫn là con tôm thẻ chân trắng trong ao của Công ty TNHH MTV Bính Lợi ở xã Giao Thiện (huyện Giao Thủy).
Qua 2 vụ sản xuất năm 2017, về mặt sinh thái khác biệt giữa ao thí nghiệm và đối chứng không nhiều nhưng khả năng sinh trưởng của tôm tốt hơn nên năng suất vụ 1 ước tăng 10-15%, vụ 2 ước tăng 15-20%. Tuy nhiên người làm thống kê đều ghi chú thích ở ngay cột bên rằng: “Số liệu này không có các quốc gia khác theo dõi để đối chiếu và so sánh”.
Không phải là phân bón, thức ăn hay hóa chất, vi chất thế mà thiết bị cân bằng môi trường lại có thể thay đổi được năng suất cũng như tăng khả năng chống chịu của cây trồng, vật nuôi thì quả là khó tin, khiến cho nhiều người ngờ rằng trong “lá bùa” này có chất phóng xạ. Nhất là nó lại được giới thiệu trong một cuộc họp của Tổ chức năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Dương Đình Tường/ https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;