Nhằm chủ động sớm ứng phó với nguy cơ sâu bệnh trên lúa đông xuân tại các tỉnh phía Bắc, ngày 23/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đã kiểm tra tình hình thực tế cũng như công tác phòng trừ tại một số địa phương vùng ĐBSH.
Tại các tỉnh như Hải Dương, Hưng Yên, đến thời điểm này, một số diện tích lúa đông xuân trà sớm đã thấp thoi trỗ đòng, trà lúa chính vụ đang giai đoạn làm đòng, dự kiến sẽ trỗ tập trung từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 5/2020. Tuy nhiên, hiện diễn biến thời tiết tại các tỉnh phía Bắc hiện vẫn mưa ẩm, nền nhiệt thấp, độ ẩm cao, rất thuận lợi cho nguy cơ các loại bệnh trên lúa đông xuân.
Anh Đào Văn Mừng, một hộ dân có hơn một mẫu lúa tại thôn Nam Chì, xã Đặng Lễ (Ân Thi, Hưng Yên) lo lắng cho biết: Hiện nay, nông dân trong xã có truyền thống trồng giống nếp ngố, đây là giống lúa nếp đặc sản có giá trị cao, nhưng cũng rất dễ bị nhiễm sâu bệnh. Nhất là năm nay, thời tiết từ đầu vụ đã âm u kéo dài, mưa nhiều, rét muộn, nên lúa nếp từ sau khi cấy khoảng một tháng đã bắt đầu có dấu hiệu bị bệnh đạo ôn lá.
Vì vậy từ đầu vụ đến nay, nhiều hộ dân tại đây đã phải thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm và phun từ 2-3 đợt phòng trừ đạo ôn. Nhờ đó hiện nay, lúa vẫn phát triển tốt, sạch bệnh. Theo anh Mừng, hiện sâu cuốn lá nhỏ đã phát sinh nhẹ, nhưng đây là sâu dễ phun trừ nên không lo. Lo nhất từ nay đến cuối vụ vẫn là đạo ôn, đặc biệt là đạo ôn cổ bông bởi rất khó phòng trừ.
Tại tỉnh Hải Dương, đến thời điểm này, tình hình sinh trưởng và phát triển của lúa đông xuân vẫn rất thuận lợi. Ông Phạm Đức Đoan, Giám đốc HTX Hưng Thái (xã Hưng Long, huyện Ninh Giang), phấn khởi cho biết: Vụ đông xuân năm nay, bệnh khô vằn rất sạch. Trước diễn biến bất lợi của thời tiết có nguy cơ thuận lợi cho sâu bệnh, thời gian qua, HTX đã khuyến cáo nông dân trong xã triển khai phun phòng một đợt đối với bệnh đạo ôn và sâu cuốn lá nhỏ nên hiện nay nhìn chung vẫn sạch bệnh, chưa phát sinh các đối tượng sâu hại đáng lo ngại...
Bà Vũ Thị Hà, PGĐ Sở NN-PTNT Hải Dương đánh giá: Từ đầu vụ đông xuân đến nay, nhìn chung lúa toàn tỉnh sinh trưởng phát triển tốt, thậm chí tốt hơn so với mọi năm, lúa đẻ nhánh khỏe, độ đồng đều cao. Tuy nhiên từ đầu tháng 4/2020 đến nay trời mưa nhiều liên tục, độ ẩm cao, âm u, rét muộn diễn ra nhiều đợt nên nền nhiệt độ duy trì ở mức thấp so với cùng kỳ năm 2019 và trung bình các năm.
Vì vậy, một số đối tượng sâu bệnh cũng đã phát sinh và gây hại nhẹ cục bộ trên diện hẹp. Ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương kịp thời bám sát đồng ruộng, điều tra nắm bắt diễn biến và kịp thời có dự tính dự báo, khuyến cáo cho bà con phun phòng trừ ngay từ khi mới chớm phát hiện, đặc biệt đã cảnh giác cao đối với bệnh đạo trên lá.
Đến nay, tổng diện tích nhiễm bệnh đạo ôn lá (từ đầu vụ đến nay) chỉ khoảng 700 ha, không nhiều so với những năm tình hình đạo ôn phát sinh lớn, và đã phòng trừ triệt để nên hiện đạo ôn lá nhìn chung đã dừng lại. Tuy nhiên, tỉnh vẫn cảnh giác cao độ đối với nguy cơ bệnh đạo ôn cổ bông từ nay đến cuối vụ. Trước mắt, sẽ tập trung điều tra, dự tính dự báo sớm nhằm chủ động phun phòng trừ đối với bệnh đạo ôn và sâu cuốn lá lứa hai từ nay đến cuối tháng 4/2020.
Bên cạnh đó, sang đầu tháng 5/2020, khi lúa trỗ sẽ tập trung theo dõi đối với nguy cơ rầy cuối vụ, nhất là trên các diện tích lúa chất lượng có nguy cơ cao.
“Nếu sang tháng 5/2020, thời tiết diễn biến thuận lợi, có nắng bật lên đúng giai đoạn trà chính vụ trỗ tập trung, sẽ rất thuận lợi cho lúa sinh trưởng, phơi phấn, vào chắc”, bà Vũ Thị Hà nhận định.
Qua kiểm tra tại một số tỉnh vùng ĐBSH, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá: Từ đầu vụ đông xuân đến nay, các địa phương phía Bắc đã rất chủ động chỉ đạo công tác chăm sóc, dự tính dự báo và khẩn trương tổ chức tốt công tác phòng trừ, nhất là bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, sâu cuốn lá nhỏ.
Đến thời điểm này, tổng thể lúa đông xuân tại các tỉnh phía Bắc, nhất là vựa lúa vùng ĐBSH vẫn đang sinh trưởng phát triển tốt, chưa phát sinh các loại sâu bệnh gây hại đáng kể trên lúa. Trình độ thâm canh, áp dụng đồng bộ các gói kỹ thuật trong canh tác lúa đã tiếp tục được đẩy mạnh trong vụ đông xuân 2020.
Tuy nhiên, đây đang là giai đoạn hết sức nhạy cảm, trong vòng nửa tháng tới sẽ quyết định tới thắng lợi của vụ đông xuân. Đặc biệt trong điều kiện diễn biến thời tiết vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sâu bệnh phát sinh, các địa phương tuyệt đối không được lơ là, quyết liệt bám sát đồng ruộng, dự tính dự báo chính xác để chủ động các phương án phòng trừ, giảm thiểu tối đa thiệt hại đối với lúa đông xuân tại các tỉnh phía Bắc.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đặc biệt lưu ý: Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cuối tháng 4 - đầu tháng 5/2020, vẫn còn những đợt không khí lạnh gây ảnh hưởng đến khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ, kèm theo mưa ẩm kéo dài, có nơi mưa vừa, mưa to và giông lốc.
Đây là giai đoạn đúng vào thời kỳ lúa trỗ tập trung có thể làm lúa thụ phấn thụ tinh kém hoặc lúa đang ngậm sữa - chắc xanh bị đổ ngã, gây thiệt hại đến năng suất. Đây cũng là điều kiện thời tiết rất thuận lợi cho một số sinh vật gây hại phát sinh gây hại nặng và khó khăn cả trong tổ chức phòng trừ, đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh bạc lá, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu và rầy lưng trắng.
Vì vậy, các địa phương cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn bố trí cán bộ kỹ thuật theo dõi, bám sát đồng ruộng, điều tra phát hiện sớm sinh vật gây hại để kịp thời chỉ đạo phòng chống hiệu quả; duy trì hệ thống thông tin, báo cáo từ địa phương lên trung ương theo quy định để phối hợp, chỉ đạo kịp thời.
Bên cạnh đó, các địa phương lấy tinh thần tập trung thu hoạch nhanh gọn diện tích lúa đã chín theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; tăng cường công tác nạo vét kênh mương nội đồng, khơi thông dòng chảy, tiêu úng kịp thời khi có mưa lớn xảy ra.
Theo Bộ NN-PTNT, đến thời điểm này, vùng Bắc Trung Bộ lúa đã trỗ được khoảng 80% diện tích, sẽ trỗ hết trước 30/4/2020 và dự kiến thu hoạch xong trước 30/5/2020. Nhìn chung, lúa sinh trưởng và phát triển tốt, khả năng được mùa cao.
Vùng ĐBSH và Trung du Miền núi phía Bắc lúa đang giai đoạn làm đòng, trà lúa sớm đang đòng - trỗ, lúa đang sinh trưởng, phát triển tốt; dự kiến sẽ thu hoạch xong trước 30/6/2020.
LÊ BỀN/ Nông nghiệp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã