Học tập đạo đức HCM

Khơi thông luồng lạch cho cảng cá, khu neo đậu tàu, thuyền: Việc làm nhiều lợi ích

Thứ năm - 17/06/2021 05:02
Các tỉnh duyên hải miền Trung là nơi có nhiều thuận lợi của nghề khai thác biển. Đây là khu vực có đội tàu lớn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, những tàu cá có công suất lớn, đánh bắt xa bờ thường xuyên bị mắc cạn ở cảng cá, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản
t17.jpg
Một góc cảng cá Đông Tác - Phú Yên.

Trước thực trạng đó, nhiều địa phương đã vào cuộc nhằm khơi thông cảng cá bị bồi lắng, giúp tàu thuyền có thể ra vào thuận lợi. Nhưng do nguồn lực địa phương có hạn nên rất cần sự hỗ trợ từ Trung ương.

Những hệ lụy

Trao đổi với PV, chủ tàu TTH 91279 TS cho biết, đường luồng lạch đi từ biển vào cảng cá Tư Hiền (xã Vinh Hiền, Thừa Thiên - Huế) bị bồi lấp nặng nề khiến nhiều thuyền lớn không thể ra vào được.

Chủ tàu này cho biết thêm, tàu của anh có công suất 420CV và sâu khoảng 1m, có thể ra vào được cảng, tuy nhiên, trong năm 2020, thời điểm nước cạn, thuyền không thể vào cảng  mà phải đậu ở cửa biển và dùng thuyền nhỏ để vận chuyển cá, tôm vào bờ.

Bà Ngô Thị Thanh Cầm (người dân sống tại xã Vinh Hiền) cho hay, từ 6 năm trước, gia đình bà đã bắt đầu sắm thuyền để đánh bắt cá xa bờ và đến nay có 02 chiếc. Tuy nhiên, do tàu của gia đình  không thể trực tiếp vào cảng cá nên phải dùng thuyền nhỏ để trung chuyển sản phẩm vào bờ.

Chồng của bà Cầm, ông Lê Văn Thanh (chủ tàu TTH 96238 TS, công suất 450CV và tàu 410CV TTH 96239 TS) chia sẻ thêm, khoảng cách từ chỗ thuyền lớn đậu để trung chuyển sản phẩm vào bờ là khoảng 0,5 hải lý. Khi gặp bão thì thuyền của họ cũng không thể vào tránh trú tại khu neo đậu cảng cá Tư Hiền nên nhiều thuyền đã lựa chọn “đậu nhờ” các cảng tại TP. Đà Nẵng, Thuận An (Phú Vang - Thừa Thiên - Huế). Ở đây cũng có 3 - 4 chiếc thuyền đang neo đậu tại cảng Thuận An.

Cảng cá Tư Hiền hiện là nơi giao thương mua bán khoảng 200 tấn thủy sản/ngày. Số lượng thủy sản này phần lớn là thành phẩm của hơn 10 tàu công suất lớn song phải dừng ở cửa biển và dùng tàu nhỏ trung chuyển vào bờ.

Trong khi đó, hầu hết các khu neo đậu tàu thuyền  đều được được xây dựng cách đây khá lâu, không đáp ứng được nhu cầu hiện tại.

Tại Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa (TP Quảng Ngãi, Quảng Ngãi), dù được thiết kế với quy mô cho 350 phương tiện neo đậu, nhưng nay đang quá tải, nhất là vào mùa mưa, bão.

Ông Bùi Văn Khôi, Trưởng Ban Quản lý Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa, cho biết: Thời điểm xây dựng Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa là năm 2004, chỉ thiết kế cho khoảng 350 tàu, công suất dưới 250CV. Bây giờ thì phần lớn tàu cá có công suất lớn, kích cỡ cũng lớn hơn trước nhiều. Chưa kể việc số lượng tàu cũng nhiều hơn trước… Do đó, Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa hiện khá chật chội, quá tải khi có bão, gió ảnh hưởng đến vùng biển Quảng Ngãi.

Còn ở khu vực Cửa Đại (TP Quảng Ngãi), nhiều năm qua, cửa biển liên tục bị bồi lấp. Ngư dân xã Nghĩa An và xã Nghĩa Phú cũng “than trời” khi tàu thuyền khó di chuyển ra vào cửa biển. Không những thế, việc nạo vét không hiệu quả, tàu cá liên tục bị mắc cạn và hệ lụy là hàng loạt tàu có công suất lớn phải nằm bờ. Còn tàu có công suất nhỏ tranh thủ vượt qua cửa lạch để ra khơi khi thủy triều dâng cao. Nhiều tàu không thể về bên trong cửa để neo đậu, mà phải neo đậu ở cửa biển khác.

Được sự quan tâm của các cấp, các ngành ở Trung ương, Quảng Ngãi được đầu tư các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá gồm: Cảng neo trú tàu thuyền Lý Sơn, Cảng neo trú tàu thuyền Mỹ Á và Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa. Tuy nhiên, qua quá trình đưa vào khai thác sử dụng đến nay các cảng phải đối mặt với các vấn đề như: Luồng lạch  còn nhỏ, hẹp và thường xuyên bị bồi lấp nên việc ra vào các khu neo đậu rất khó khăn, không đảm bảo an toàn; diện tích mặt bằng để đầu tư các hoạt động dịch vụ hậu cần không đáp ứng nhu cầu của tàu cá cập cảng.

Hàng năm, tàu ra vào các cảng cá và khu neo đậu trú bão tàu cá thường xuyên bị mắc cạn, gây thiệt hại  cho người và phương tiện hoạt động nghề cá. Tình trạng quá tải cho các khu neo đậu thường xuyên xảy ra, nhất là mùa mưa, bão; không đảm bảo an toàn cho phương tiện neo đậu, dễ gây cháy nổ và ô nhiễm môi trường.

Cần sớm khơi thông luồng lạch

Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền Nguyễn Tam chia sẻ, thực trạng bị bồi lấp tại cảng cá Tư Hiền đã xảy ra từ lâu và những năm gần đây vào thời điểm mùa hè, nước cạn hơn, khiến các tàu đánh bắt xa bờ không thể cập bến. “Đây là cản trở lớn nhất trong sự phát triển kinh tế của Vinh Hiền”, ông Tam nhấn mạnh.

Ông Tam cho rằng, địa phương rất mong thực trạng bồi lấp luồng lạch vào cảng cá Tư Hiền sớm được khắc phục. Xã đã nhiều lần đề xuất với các cấp để có hướng xử lý vấn đề này.

Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Thanh Hùng ghi nhận thực trạng bồi lấp luồng lạch tại khu vực cảng biển Tư Hiền và thông tin, đơn vị đã có đề xuất đến các cấp, ban ngành để có hướng xử lý thực trạng này, qua đó giúp ngư dân thuận lợi trong quá trình hành nghề của mình.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Thừa Thiên - Huế Trương Văn Giang, đơn vị đang tiến hành các thủ tục để triển khai dự án nạo vét với kinh phí hơn 100 tỷ đồng. Trong năm nay, các thủ tục liên quan đến dự án khơi thông dòng để tàu thuyền đi vào cảng cá Tư Hiền sẽ được hoàn thiện.

Trong khi đó, để tạo thuận lợi cho ngư dân vươn khơi đánh bắt thủy hải sản, thời gian qua, Phú Yên đã quan tâm đầu tư mở rộng, nâng cấp các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn. Hiện, toàn tỉnh có 4 cảng cá lớn gồm: Dân Phước (TX. Sông Cầu), Tiên Châu (Tuy An), Đông Tác (TP. Tuy Hòa) và Phú Lạc (TX. Đông Hòa). Ngoài ra, còn có 3 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài và Đông Tác.

Theo ông Hà Viên, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Phú Yên (Sở Nông nghiệp và PTNT Phú Yên), trước đây, khi các cảng cá chưa được đầu tư nâng cấp, mở rộng, luồng lạch ra vào, khu neo đậu ở các địa phương thường xảy ra tình trạng bồi lắng khiến nhiều tàu cá của ngư dân bị mắc cạn, gây thiệt hại không nhỏ về tài sản. Trước thực trạng này, Sở và các địa phương đã đề xuất, kiến nghị tỉnh và Trung ương bố trí vốn để nạo vét, khơi thông luồng lạch, đầu tư nâng cấp các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão. Nhờ vậy đến nay, các cảng cá, khu neo đậu trên địa bàn tỉnh đều hoạt động hiệu quả, giúp tàu của ngư dân ra vào bến thuận tiện. Chỉ một số thời điểm triều xuống, nước rút, các loại tàu có công suất hơn 500CV muốn cập bến để bốc dỡ hàng hóa sẽ gặp khó khăn.

Theo ông Phan Thuẩn (phường 6, TP. Tuy Hòa, Phú Yên), hiện ngư dân phường 6, phường Phú Đông sở hữu nhiều tàu cá công suất lớn, đánh bắt cá ngừ đại dương nên kiến nghị địa phương tiếp tục nâng cấp, mở rộng cảng cá Đông Tác để đáp ứng nhu cầu neo đậu, bốc dỡ thủy, hải sản đánh bắt được. Đồng thời thường xuyên nạo vét, khơi thông những vị trí bị bồi lắng để ngư dân vươn khơi an toàn. Tuy nhiên, đối với các tàu công suất lớn, việc ra vào bến còn gặp khó khăn khi triều xuống. Do đó, ngư dân phải chọn đúng thời điểm cập bờ cũng như lựa đúng luồng nước thì mới vào bờ thuận lợi.

Hiện, Phú Yên đã lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư nâng cấp cảng cá Đông Tác thành cảng cá ngừ chuyên dụng, chợ đấu giá cá ngừ tỉnh Phú Yên trình Bộ Nông nghiệp và PTNT. Đối với các cảng cá có luồng lạch bị bồi lắng, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục kiến nghị tỉnh cho phép khảo sát, lập dự án đầu tư nạo vét nhằm đảm bảo tàu công suất lớn vào cập cảng và bốc dỡ hàng hóa.

“Ban Quản lý cảng cá Phú Yên sẽ tăng cường nhân viên hướng dẫn điều độ, sắp xếp tàu thuyền ra vào cập cảng tại các vị trí thích hợp, giải phóng nhanh số hàng hóa của ngư dân…, nhằm đảm bảo tàu cá cập cảng và bốc dỡ hàng hóa an toàn”, ông Hà Viên cho biết thêm.

Khẩn trương hoàn thiện hạ tầng cảng cá, cảng neo trú

Theo Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá tỉnh Quảng Ngãi Trần Lê Hồng Sơn, cần thiết và cấp bách phải đầu tư nâng cấp, sửa chữa hoàn thiện hạ tầng các cảng cá, cảng neo trú tàu thuyền (Lý Sơn, Sa Huỳnh, Sa Kỳ, Tịnh Hòa và Mỹ Á) đảm bảo đáp ứng tiêu chí phân loại cảng cá, đảm bảo khả năng tiếp nhận tàu cá hoạt động từ vùng khơi trở ra cập cảng chỉ định, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Ủy ban châu Âu trong việc khắc phục thẻ vàng thủy sản Việt Nam.

Trước thực trạng hạ tầng các cảng cá, cảng neo trú tàu thuyền hiện nay trên địa bàn, UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết định bố trí 32 tỷ đồng (thời gian thực hiện 2021-2022) để mở rộng cầu cảng Mỹ Á và đầu tư hạng mục phòng cháy chữa cháy, xử lý nước thải tại 4 cảng cá và cảng neo trú tàu thuyền là Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ, Sa Huỳnh và Lý Sơn.

Theo Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá tỉnh  Quảng Ngãi Trần Lê Hồng Sơn, về lâu dài, để phát huy hiệu quả cũng như bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm ở các cảng cá và khu dịch vụ hậu cần nghề cá, Nhà nước cần quan tâm đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, nhất là phương tiện phục vụ việc bốc dỡ hàng hóa, vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm phục vụ nhu cầu của ngư dân. Hơn nữa, mặt bằng tại các cảng cá, khu neo đậu, tránh trú bão tàu cá hiện nay không còn hoặc còn rất ít, nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng và hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá phải thực hiện theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa để vừa nâng cao hiệu quả công trình, vừa giảm thiểu tổn hao sản phẩm, nhằm nâng cao giá trị cũng như chất lượng sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho ngư dân.

Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa tổ chức hội nghị trực tuyến về giải pháp nâng cao hiệu quả, khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản năm 2021. Thứ trưởng  Phùng Đức Tiến đánh giá, công tác bảo quản sản phẩm thủy sản trên tàu cá, cảng cá chưa được cải thiện đáng kể, tổn thất sau thu hoạch vẫn ở mức cao, gây lãng phí nguồn lợi, ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm và giá trị sản xuất.

Do đó, Bộ yêu cầu các địa phương cần tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp, duy tu sửa chữa các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá theo quy định; thực hiện việc công bố đóng, mở cảng cá theo quy định; xây dựng tiêu chuẩn về cảng cá. Bởi đây là việc mang lại lợi ích nhiều mặt, cho cả ngư dân và Nhà nước.

Quốc Hùng - Hải Yến - Văn Nghĩa/https://kinhtenongthon.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập118
  • Hôm nay55,762
  • Tháng hiện tại606,708
  • Tổng lượt truy cập92,984,372
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây