Coi khoa học là cuộc sống
Với mong muốn cống hiến hết mình giúp ích cho cộng đồng, đặc biệt, cải thiện vấn đề ô nhiễm môi trường trong nước, các sáng chế, đề tài NCKH của chị phần lớn đều mang tính ứng dụng, hướng đến lợi ích của người dân.
"Ngay từ những năm học cấp III, mình đã đam mê hóa học mang tính ứng dụng, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường. Sau này, được đi nhiều nơi, nhận thấy môi trường tại các khu công nghiệp còn tồn tại nhiều bất cập, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động đã thôi thúc mình nghiên cứu để tìm ra các sản phẩm phục vụ cho xã hội" - TS Thùy chia sẻ.
Từ những nỗ lực nghiên cứu không mệt mỏi, 2 công trình khoa học: "Xử lý nước thải nhiễm ion kim loại nặng bằng vật liệu từ tính phủ acid gamapolyglutamid (Gama-PGM)" và "Thiết bị lọc nước ngầm đa tầng" của TS Lê Thị Xuân Thùy đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp bằng bảo hộ năm 2018.
Từ việc sử dụng Gama-PGM - vật liệu của một Giáo sư tại Trường ÐH Tô-ku-si-ma nghiên cứu thành công, chị đề xuất giải pháp và nghiên cứu ứng dụng phù hợp thực tiễn của Việt Nam để giúp cho các nhà máy xử lý nước thải giải pháp mới.
Các kết quả nghiên cứu cho thấy, hạt từ tính có khả năng hấp phụ kim loại nặng rất tốt, sử dụng Gama-PGM làm vật liệu hấp thụ trong mô hình lọc từ tính cho hiệu suất xử lý cao, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và các quy định hiện hành. Đến nay, công trình đã được áp dụng tại một nhà máy xi mạ ở Đà Nẵng - một trong những loại hình sản xuất thường thải ra nước có độ kim loại nặng cao nhưng dùng phương pháp này để xử lý, đã cho ra kết quả tốt.
Biến nước bẩn thành nước sạch
TS Lê Thị Xuân Thùy còn là Chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu được đánh giá cao như: Nghiên cứu xử lý nước và thu hồi kim loại nặng tại hồ Nam sân bay Ðà Nẵng bằng phương pháp tuyến nổi sử dụng Gama-PGM; đánh giá hiện trạng chất lượng nước ngầm và đề xuất giải pháp xử lý nước ngầm tại đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam; Xử lý Cu2+ và Zn2+ trong nước thải xi mạ bằng phương pháp tách từ tính...
Một đề tài khác được TS Thùy dành nhiều tâm sức là xử lý nước nhiễm phèn, nhiễm bẩn cho người dân ở nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa đang phải sống trong môi trường bị ô nhiễm, nguồn nước ngầm không bảo đảm chất lượng.
Theo TS Thùy, thiết bị lọc nước ngầm đa tầng thiết kế nhỏ gọn theo dạng hình trụ gồm 8 đoạn chứa nước ngầm, sỏi, cát biển, than hoạt tính, cát mangan và nước lọc... được phân thành từng ngăn riêng nên khi thay cũng rất dễ, giúp tiết kiệm hơn. Do đó, khắc phục nhược điểm của các phương pháp lọc nước thông thường, mang lại hiệu quả lớn phù hợp với mọi đối tượng, mọi gia đình.
Kết quả sau thử nghiệm lọc nước ngầm tại xã Cẩm Thanh, TP.Hội An cho thấy, các chỉ tiêu về độ đục (NTU), Fe, Mn đều về dưới mức cho phép theo QCVN 01:2009. Thiết bị nghiên cứu khi đưa về những vùng sâu, vùng xa như xã đảo và các huyện vùng núi Quảng Nam được người dân đón nhận, sử dụng với độ hài lòng cao.
Được biết, từ sáng chế này, chị đã phát triển thành thiết bị lọc nước có cặn bẩn tại các hộ gia đình, đồng thời, khuyến khích và hướng dẫn nhiều nhóm Sinh viên thực hiện đề tài NCKH, đề tài thạc sĩ liên quan chất lượng nguồn nước trước và sau khi sử dụng thiết bị lọc nước ngầm đa tầng để ứng dụng trong thực tiễn phục vụ chính người dân ở quê hương mình.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã