Làm ra không đủ bán
Hiện mô hình dưa lưới công nghệ cao của Cty CP Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam có quy mô lên đến 22ha, trong đó hơn 10ha trồng dưa trong nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGAP. Những giống dưa lưới đang được Cty đưa vào sản xuất đều có nguồn gốc từ Nhật Bản như: Taki, Taka, Akina, Ichiba…
Theo ông Vũ Văn Vương, Phó Giám đốc Cty: Cuối năm 2016, mô hình dưa lưới áp dụng công nghệ cao của Cty được xây dựng tại xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân, Hà Nam theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Mỗi năm, Cty xuất ra thị trường khoảng 600 - 700 tấn dưa lưới đảm bảo an toàn thực phẩm cho các siêu thị lớn như: Big C, CoopMart, DMart…
“Trồng dưa lưới công nghệ cao là mô hình phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. So với các loại cây trồng khác thì dưa lưới cho thu nhập trung bình khoảng 3 tỷ đồng/ha/năm. Hiện sản phẩm dưa lưới chủ yếu tiệu thụ các siêu thị lớn ở miền Bắc, miền Trung… Dưa lưới chúng tôi làm ra không đủ bán, trong khi nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày càng lớn”, ông Vũ Văn Vương cho biết.
Để tạo đầu ra ổn định, ngay từ đầu Cty đã ký kết với các Cty, các siêu thị… nhằm cam kết bao tiêu sản phẩm lâu dài khi đến vụ thu hoạch. Dưa lưới sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, thu hoạch xong đóng gói xuất đi trong ngày, luôn đảm bảo tươi ngon, chất lượng nhất đến với người tiêu dùng.
Chất lượng ưu tiên hàng đầu
Để đảm bảo chất lượng, toàn bộ quy trình sản xuất của Cty áp dụng một cách ngặt nghèo từ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Giống được nhập trực tiếp từ Nhật Bản, phân bón chủ yếu sử dụng các chế phẩm hữu cơ vi sinh. Để đảm bảo cây dưa phát triển đồng đều, nguồn nước, phân bón đều được chuyển qua hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại theo công nghệ Israel đến từng gốc dưa.
Đặc biệt, yêu cầu đặt ra với người trồng là phải kiểm soát được ánh sáng, độ ẩm. Vì thế, dưa lưới được trồng trong hệ thống nhà lưới hiện đại được quản lý bằng công nghệ cao, kết nối với chính điện thoại để điều chỉnh được chuẩn xác lượng nước, phân tưới cho cây.
Bên cạnh đó, hệ thống thông minh cũng được đầu tư để ngăn ngừa sâu bệnh lan truyền mà không phải sử dụng hóa chất. Hệ thống này giúp đảm bảo thoát nước để đất nuôi cây có độ ẩm, dinh dưỡng phù hợp, đồng thời cách ly các nguồn bệnh cho cây và giúp cây không bị lây bệnh chéo cho nhau.
“Chúng tôi xác định mục tiêu sản phẩm là chất lượng sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm chứ không chạy theo số lượng. Đây là cách để giữ thương hiệu, uy tín trên thị trường. Mô hình dưa lưới của Cty được xem là tiên phong ở miền Bắc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, có sức lan tỏa sâu rộng với các doanh nghiệp, các địa phương. Thời gian tới, chúng tôi xây dựng kế hoạch đưa dưa lưới xuất đi các nước như: Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông… để sản xuất nước ép”, ông Vũ Văn Vương nhấn mạnh.
Ngoài ra, các sản phẩm của Cty được dán tem, nhãn truy xuất nguồn gốc. Cty có nhà sơ chế, kho lạnh để duy trì độ tươi, tự nhiên khi xuất ra thị trường.
Hiện Cty đang mở rộng, liên kết với 6 mô hình trồng dưa lưới ở các địa phương của Hà Nam. Các mô hình liên kết đều được xây dựng theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp. Đồng thời, phía doanh nghiệp cung ứng toàn bộ vật tư, phân bón, giống, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân địa phương.
Bà Phạm Thị Thu Hà, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Chi cục Nông lâm thủy sản Hà Nam đánh giá: “Mô hình sản xuất dưa dưới của Cty CP Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm soát ngay từ khâu trồng trọt. Đây là mô hình đầu tiên ở Hà Nam áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã đến tham quan, học tập”.
“Chúng tôi luôn khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân, áp dụng công nghệ vào sản xuất, phát triển theo chuỗi giá trị. Đây được xem là hướng đi mới ở Hà Nam. Đồng thời, có thể triển khai sang các loại sản phẩm khác có giá trị cao, chuyển hướng sản xuất từ nhỏ lẻ sang tập trung, áp dụng công nghệ, sản xuất an toàn…”, bà Phạm Thị Thu Hà.
Trần Hồ/ https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;