Nghề làm mắm gia truyền và tận dụng lợi thế từ nguồn tài nguyên bản địa của vùng Đồng Tháp Mười "trên cơm-dưới cá","cá tôm sẵn bắt"…Độc đáo nhất là loài cá chốt, một sản vật quý mà thiên nhiên ban tặng cho con người châu thổ đồng bằng sông Cửu Long.
Nói về hành trình khởi nghiệp, anh Sèn cho biết, tiếp nối truyền thống làm mắm cá chốt của gia đình hơn 25 năm qua, sau khi được chỉ dạy tận tình, vào năm 2017, vợ chồng anh bắt tay vào nghề làm mắm cá chốt.
Lúc đầu, anh chỉ làm mắm cá chốt với số lượng ít với những dụng cụ chế biến thô sơ để ăn trong gia đình và đem giới thiệu cho bà con chòm xóm ăn thử. Nhiều người ăn khen mắm cá chốt ngon "đậm đà hương vị xưa" nên động viên anh làm và bán ra thị trường…
Nhờ kiên trì tiếp thị, giới thiệu sản phẩm và cho nhiều khách hàng đến xem tận mắt cách chế biến mắm cá chốt truyền thống của gia đình, dần dần, sản phẩm mắm cá chốt của anh Sèn được người tiêu dùng tin tưởng và mua sử dụng nhiều.
Từ đó, anh tập trung vốn, mua thêm dụng cụ, nguyên vật liệu và mở rộng cơ sở sản xuất mắm cá chốt truyền thống, đăng ký thương hiệu độc quyền mang tên "mắm cá chốt Sáu Thưa". Từ khi mở cơ sở sản xuất đến nay, thị trường bán mắm cá chốt Sáu Thưa ngày càng mở rộng và sản lượng mắm cá chốt Sáu Thưa chế biến ngày càng gia tăng...
Theo anh Sèn, nguyên liệu chính để sản xuất mắm cá chốt truyền thống là: cá chốt, muối hột, đường thốt lốt, thính (gạo rang vàng, xay nhuyễn)…
Anh Châu Tùng Sèn bày tỏ: "Để có đủ nguồn cá chốt tươi nguyên liệu chế biến mắm, mỗi năm vào mùa nước nổi miền Tây tôi thu mua với số lượng nhiều (từ 2 tấn cá chốt trở lên) đủ sản xuất mắm bán ra thị trường trong hơn 1 năm.
Cá chốt tươi tự nhiên sau khi mua về, anh thuê nhân công làm sạch bằng cách cắt đầu và ngạnh cá, mổ bụng lấy sạch ruột rồi đem rửa sạch cá để ráo nước. Sau đó, đem cá chốt ướp với muối hột, với tỷ lệ 20 kg cá trộn với 3kg muối rồi cho vào khạp (lu) ủ trong thời gian 1 tháng.
Tiếp đó, đem cá chốt đã thấm muối ra rửa rồi trộn đều với 1 kg thính và tiếp tục cho cá vào khạp ủ tiếp. Khoảng 20 ngày sau, đem mắm cá chốt ra trao với 5 kg đường thốt nốt… Cuối cùng, đưa mắm cá chốt vào hộp nhựa hoặc hộp thủy tinh đậy nắp kín. Bình quân 20 kg cá chốt tươi sẽ cho ra 14 kg mắm cá chốt thành phẩm.
Lúc đầu, anh Sèn chỉ sản xuất nhỏ lẻ với vài chục keo mắm cá chốt thành phẩm. Khi sản phẩm mắm cá chốt gia truyền Sáu Thưa được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp tín nhiệm mua nhiều, anh Sèn đã đầu tư thêm vốn mở rộng cơ sở sản xuất.
Anh đầu tư lắp đặt trang bị thêm thiết bị hiện đại, khép kín đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm theo đúng tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế và thương hiệu mắm cá chốt Sáu Thưa đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền.
Bà Trần Thiên Nga ở xã An Phong, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp cho biết: "Mấy năm gần đây, tôi thường mua và sử dụng mắm cá chốt Sáu Thưa ở xã An Long, huyện Tam Nông. Tôi thấy, đây là một loại mắm rất ngon và đang được nhiều thực khách rất ưa thích-nhất là các bà nội trợ như tôi, vì nó có hương vị đậm đà, thơm ngon và nhiều dinh dưỡng…".
Theo bà Nga, mắm cá chốt Sáu Thưa thường gắp ra dĩa, thêm chút ít gia vị cho vừa ăn rồi trang trí trên dĩa mắm một vài lát ớt đỏ để ăn sống với cơm, rau sống, chuối chát, khế chua…Mắm cá chốt đem kho hoặc làm lẩu mắm hay bằm nhuyễn trộn chung với trứng vịt, thịt ba rọi, nấm tai mèo… chưng cách thủy ăn cũng rất ngon.
Cơ sở làm mắm cá chốt của anh Sèn đã tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương, với mức thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người.
Ông Nguyễn Phương Bình - Phó Chủ tịch UBND xã An Long rất tâm đắc với sản phẩm mắm cá chốt Sáu Thưa: "Đây là sản phẩm được chính quyền địa phương chọn thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ hỗ trợ cho chủ cơ sở tham gia các lớp tập huấn nâng cao chất lượng sản phẩm, đăng ký logo, nhãn hiệu, giấy phép kinh doanh và hỗ trợ một phần vốn để cơ sở mua sắm thêm các nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất...".
Anh Châu Tùng Sèn vui vẻ chia sẻ: "Không chỉ chế biến mắm cá chốt mà cơ sở còn chế biến mắm cá trèn, mắm cá lóc, mắm cá sặc các loại…Hướng tới, cơ sở sẽ tiếp tục mở rộng nhà xưởng lên 100m2, đầu tư dây chuyền bán tự động đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi đó, cơ sở sẽ đưa sản lượng sản phẩm mắm cá chốt từ 1.500kg/năm trở lên...".
https://danviet.vn/trai-dong-thap-lam-giau-bang-dac-san-mam-ca-chot-ngon-nuc-tieng-mien-tay-2020062213305049.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;