Về khả năng sinh trưởng
Gà Đông Tảo là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao Ảnh: Hải Đăng
Theo dõi sinh trưởng từ 1 - 24 tuần tuổi của 250 con gà Đông Tảo, gồm 100 gà trống và 150 gà mái, nuôi tại 5 nông hộ thuộc xã Đông Tảo, Khoái Châu, Hưng Yên. Cân khối lượng từng cá thể vào buổi sáng hàng tuần trước khi cho gà ăn, từ 1 ngày tuổi đến 24 tuần tuổi bằng cân điện tử kỹ thuật 300 g ± 0,2 g đối với gà dưới 3 tuần tuổi và cân đồng hồ 5 kg ± 5 g đối với gà trên 3 tuần tuổi. Đo kích thước các chiều đo của cơ thể lúc gà ở 24 tuần tuổi bằng thước dây và thước kẹp Panme, các chiều đo bao gồm: dài cổ,dài lưng, vòng ngực, dài cánh, dài đùi, dài chân, dài lườn theo phương pháp mô tả của FAO (2012).
Gà con từ 1 - 12 tuần tuổi được nuôi bằng thức ăn hỗn hợp gà thịt nuôi công nghiệp. Từ 13 - 19 tuần tuổi, khẩu phần ăn của gà gồm thóc (28 - 33%), ngô (32 - 36%), thức ăn hỗn hợp (25 - 32%) và thức ăn đậm đặc (6 - 9%). Từ 20 - 24 tuần tuổi, khẩu phần ăn giảm bớt khoảng 1/3 các loại thức ăn trên và thay bằng rau xanh. Khối lượng rau xanh gấp 8 lần so với lượng thức ăn tinh được thay thế.
Giai đoạn 1 - 3 tuần tuổi, gà nuôi trong lồng. Từ sau 3 - 24 tuần tuổi, gà được nuôi bán chăn thả: ban đêm nhốt trong chuồng, những ngày không mưa gà được thả trong vườn hẹp có hàng rào lưới B40 bao quanh.
Về năng suất và chất lượng thịt
Kết thúc 24 tuần tuổi, chọn 3 trống và 3 mái có khối lượng trung bình trong đàn gà thí nghiệm để mổ khảo sát đánh giá các chỉ tiêu thân thịt. Lấy mẫu thịt lườn và thịt đùi để đánh giá các chỉ tiêu chất lượng thịt. Các chỉ tiêu đánh giá thân thịt gồm: khối lượng sống, sau cắt tiết và vặt lông, tỷ lệ thân thịt, thịt lườn, thịt đùi và mỡ bụng theo phương pháp mô tả bởi Bùi Hữu Đoàn và cộng sự (2011).
Khả năng sinh trưởng
Tỷ lệ sống: Gà từ tuần tuổi đầu tiên đến 6 tuần tuổi có tỷ lệ nuôi sống dao động 98,3 - 99,2%, bắt đầu từ tuần tuổi thứ 7 trở đi, tỷ lệ nuôi sống đạt 99,1 - 100%. Sau 24 tuần nuôi, với số lượng còn sống là 239 con, tỷ lệ nuôi sống đạt 86,4%.
Khối lượng và các chiều đo kích thước cơ thể: Lúc 1 ngày tuổi, gà Đông Tảo có khối lượng cơ thể 35,49 g, tại 5 tuần tuổi con trống là: 321,82 g, con mái là 309,48 g. Tại 12 tuần tuổi, theo dõi của chúng tôi ở gà Đông Tảo là 1.283,8 g đối với con trống và 1.176,7 g đối với con mái. Lúc 5 tuần tuổi, đường kính nhỏ và đường kính lớn của chân gà Đông Tảo tương ứng là 12,39 và 13,92 mm đối với con trống; 11,88 và 13,46 mm đối với con mái. Từ tuần tuổi thứ 6 đối với đường kính lớn của chân và từ tuần tuổi thứ 7 đối với đường kính nhỏ của chân trở đi.
Tiêu tốn thức ăn: Lượng thức ăn thu nhận tăng dần theo tuần tuổi. Trong 12 tuần đầu nuôi bằng thức ăn hỗn hợp, gà Đông Tảo có mức thu nhận tăng dần từ 7 g/con/ngày lên 69 g/con/ngày. Từ tuần thứ 13 - 19, gà được nuôi bằng thức ăn tinh tự trộn của nông hộ, mức thu nhận tăng dần từ 71 g/con/ngày lên 86 g/con/ngày. Từ tuần 20 - 24, khoảng 1/3 khẩu phần thức ăn tinh được thay bằng rau xanh, mức thu nhận thức ăn (tính quy đổi theo thức ăn tinh) tăng từ 87 g/con/ngày lên 150 g/con/ngày. Bình quân thu nhận thức ăn từ 1 - 24 tuần là 105 g/con/ngày.
Tiêu tốn thức ăn cho 1 kg tăng khối lượng tăng dần từ 1 - 24 tuần tuổi. Trong 12 tuần đầu nuôi bằng thức ăn hỗn hợp, gà Đông Tảo có mức tiêu tốn thức ăn tăng từ 2,3 - 3,5 kg thức ăn/kg tăng khối lượng. Từ tuần thứ 13 - 19, gà được nuôi bằng thức ăn tinh tự trộn của nông hộ, mức tiêu tốn thức ăn tăng từ 3,8 - 6,5 kg thức ăn/kg tăng khối lượng. Từ tuần 20 - 24, khoảng 1/3 khẩu phần thức ăn tinh được thay bằng rau xanh, mức tiêu tốn thức ăn (tính quy đổi theo thức ăn tinh) tăng từ 7 - 8,7 kg thức ăn/kg tăng khối lượng. Bình quân tiêu tốn thức ăn từ 1 - 24 tuần là 4,6 kg thức ăn/kg tăng khối lượng.
Năng suất và chất lượng thịt
Năng suất thịt: Tỷ lệ thân thịt của gà trống cao hơn so với gà mái. Tuy nhiên gà mái có tỷ lệ thịt lườn cao hơn gà trống (chênh lệch là 2,9%), tỷ lệ thịt đùi giữa gà trống và gà mái tương đương. Điểm đặc biệt là tỷ lệ mỡ bụng của gà trống là 0%, trong khi ở gà mái là 3,23%. Điều này cho thấy gà Đông Tảo là giống gà có năng suất thịt khá cao so một số giống khác.
Chất lượng thịt: Giá trị pH trung bình của thịt gà Đông Tảo sau 15 phút giết mổ là 5,72 và sau 24 giờ là 5,6 đối với thịt lườn và tương ứng đối với thịt đùi là 6,16 và 5,85. Ở tất cả các loài gia cầm, pH của thịt lườn trong khoảng từ 5,8 - 6,0 và thịt đùi trong khoảng 6,2 - 6,6 là bình thường; với thịt gia cầm có pH dưới hoặc bằng 5,7, khả năng giữ nước thấp, lượng nước mất nhiều khi chế biến, đó chính là loại thịt PSE (Pale, Soft and Exudate: nhạt, xốp và rỉ nước) và với những thịt có pH trên 6,4, khả năng giữ nước cao và đó là thịt DFD (Dark, Firm and Dry: sẫm, chắc và khô) (Ristic, 1977; Niewiarowics, 1976). Như vậy, thịt gà Đông Tảo thuộc loại thịt bình thường, có màu đỏ và dai.
Độ sáng thịt đùi và thịt lườn của gà tương ứng là 53,71 và 59,72. Màu đỏ thịt đùi và thịt lườn của gà tương ứng là 13,76 và 8,20. Như vậy, so với thịt lườn, thịt đùi của gà Đông Tảo có màu sẫm hơn và đỏ hơn.
Gà Đông Tảo có tốc độ sinh trưởng tương đương với một số loài khác tuy nhiên chất lượng thịt dai và ngon hơn. Ngoài những yếu tố về di truyền, trong chăn nuôi cần phải học hỏi kinh nghiệm, thực hiện đúng lịch tiêm phòng và vệ sinh phòng bệnh tốt. |
(Theo Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;