Làm giàu từ cây hồng không hạt
Thôn Phìn Ủng, xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ vẫn còn lưu giữ được cây hồng “tổ”, có tuổi đời hơn 200 năm. Trưởng thôn Phìn Ủng Vàng Sến Thanh cho biết, Phìn Ủng là đất gốc của giống hồng không hạt đang phát triển mạnh ở Quản Bạ. Ngày trước, người dân trong thôn trồng hồng nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ nhu cầu của gia đình. Khoảng năm 2000, người dân và cán bộ ở nơi khác đến thôn, ăn thử thấy ngon, nên tuyên truyền cho nhiều người biết, hồng không hạt nổi tiếng từ đó. Từ chỗ trồng nhỏ lẻ, hiện nay, người dân trong thôn trồng hồng theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn để thuận tiện cho việc đầu tư chăm sóc, thu hái. Cả thôn Phìn Ủng có hơn 100 hộ dân, nhà nào cũng trồng hồng không hạt; hộ ít trồng chục cây quanh vườn, hộ nhiều trồng từ hai đến ba trăm gốc.
Gia đình anh Vàng Duy Pháng đi tiên phong trong phát triển cây hồng không hạt theo hướng hàng hóa ở Phìn Ủng. Với vườn hồng 200 gốc, gia đình anh Pháng có nguồn thu lớn hằng năm; tính riêng vụ hồng năm 2016 thu gần 200 triệu đồng. “Đây là giống hồng đặc sản, chất lượng ngon nên người dân chúng tôi không lo đầu ra, cứ đến mùa thu hoạch là thương lái đi xe máy vào tận vườn thu mua. Nhờ vườn hồng này nên gia đình tôi thoát nghèo. Hiện nay tôi đang tiếp tục nhân giống để phát triển thêm diện tích, dự định trồng mới từ hai đến ba trăm gốc hồng”, anh Pháng chia sẻ.
Theo nghiên cứu của cơ quan chuyên môn huyện Quản Bạ, hồng không hạt được người dân trên địa bàn trồng từ lâu đời. Đây là giống hồng địa phương, được trồng trong khu vực có độ cao hàng nghìn mét so với mặt nước biển nên chất lượng có sự khác biệt. Quả hồng ăn ngọt đậm, giòn và nhiều bột mịn; vỏ quả cứng, thịt quả chắc, dễ bảo quản, vận chuyển nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Từ năm 2000 đến nay, huyện Quản Bạ đã hỗ trợ người dân phát triển diện tích, đầu tư thâm canh, chăm sóc, thu hái theo đúng quy trình kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng hồng không hạt. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quản Bạ Phạm Ngọc Pha cho biết, huyện vận dụng các chương trình, chính sách của Nhà nước để hỗ trợ người dân phát triển cây hồng. Trong ba năm gần đây, đối với diện tích trồng mới, huyện hỗ trợ một phần giá giống và 200 kg phân bón NPK/héc-ta. Phòng chuyên môn phối hợp chính quyền địa phương xuống từng thôn để giúp các hộ về kỹ thuật ươm giống, trồng, chăm sóc, thu hái nhằm nâng cao chất lượng, sản lượng.
Nhờ đó, cây hồng không hạt đã có bước phát triển mạnh về diện tích, năng suất, chất lượng. Hiện nay, Quản Bạ có gần 100 ha hồng không hạt, trong đó có khoảng 60 ha cho thu hoạch, diện tích hồng phát triển ra nhiều xã là: Nghĩa Thuận, Thanh Vân, Quản Bạ và thị trấn Tam Sơn. Năng suất cây hồng đạt khoảng 10 tấn/ha, sản lượng mỗi năm khoảng 600 tấn; chất lượng ngon nên thị trường ổn định với giá bình quân khoảng 35 nghìn đồng/kg. Cây đặc sản này đã giúp cho nhiều hộ dân thoát nghèo, trong đó hàng trăm hộ có nguồn thu ổn định từ vài chục cho đến vài trăm triệu đồng mỗi năm.
Phát triển bền vững
Trong những năm gần đây, chính quyền và người trồng hồng ở Quản Bạ lo ngại thương hiệu của giống cây đặc sản địa phương bị lợi dụng do tình trạng tư thương nhập hồng không hạt dưới xuôi lên, lấy mác hồng Quản Bạ bán kiếm lời.
Năm 2016, huyện Quản Bạ phối hợp Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam thực hiện dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý cho giống hồng không hạt. Đến tháng 7-2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã chính thức quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho hồng không hạt Quản Bạ, giao UBND tỉnh Hà Giang là đơn vị tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ Hạng Dương Thành cho biết, huyện đã thành lập Hợp tác xã hồng không hạt Quản Bạ để quản lý, duy trì, phát triển chỉ dẫn địa lý. Theo đó, hợp tác xã cùng với người dân đầu tư vào cây hồng từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch cho đến tiêu thụ ra thị trường. Bên cạnh đó, sau khi có chỉ dẫn địa lý, hồng không hạt sẽ có lô-gô, nhãn mác riêng và được bán ở chuỗi cửa hàng độc quyền. Điều đó sẽ bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng và người trồng hồng, bởi giá trị sản phẩm sẽ ổn định, với giá thành cao hơn.
Đại hội Đảng bộ huyện Quản Bạ nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định, cây hồng không hạt là một trong ba cây trồng mũi nhọn của địa phương. Do đó, bên cạnh việc đầu tư quản lý, bảo vệ thương hiệu thì huyện tiếp tục thực hiện các chính sách giúp người dân phát triển diện tích, nâng cao chất lượng. Mục tiêu cụ thể mỗi năm trồng mới khoảng 50 ha, trong đó sẽ có 30 ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Đúng vào mùa thu hoạch hồng năm nay, huyện Quản Bạ sẽ tổ chức lễ đón nhận giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho hồng không hạt. Đây là niềm vui lớn của chính quyền và người dân địa phương.
Theo Nhandan.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;