Cặm cụi làm giá chống đỡ cho những gốc mít sai trái ngoài vườn, thấy khách ghé thăm, vợ chồng anh Nguyễn Văn Tiến ngừng tay, tiếp chuyện niềm nở khi được hỏi về mô hình cây ăn quả được xem là triển vọng tại thôn 3 (thôn Thái Sơn) này. Anh Tiến cho biết: “Hưởng ứng chủ trương cải tạo vườn tạp, tôi đã mạnh dạn phá bỏ vườn chuối lâu năm rộng 0,5ha từng là chỗ dựa kinh tế của gia đình để trồng cỏ nuôi bò, rồi chuyển sang trồng cây ăn quả. Thử nghiệm nhiều giống cây trồng như ổi không hạt, chôm chôm, quít… nhưng thấy không phù hợp với thổ nhưỡng, năng suất thấp, cách đây 7 năm, tôi vào tận Bến Tre học hỏi, quyết định đầu tư 40 triệu đồng đem 80 gốc mít ghép Thái Lan về trồng. Và cây đã cho quả ngọt”...
Vườn mít trĩu quả của gia đình anh Tiến. Ảnh: BÍCH LIÊN |
Theo anh Tiến, so với nhiều địa phương khác, thôn Thái Sơn hội đủ điều kiện hình thành vùng cây ăn quả bởi khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi. Loại đất cát pha vốn phù hợp với giống mít Thái. “Ngày trước, nơi đây từng là xứ xở của mít. Nhà nào cũng trồng 5 - 10 gốc trong vườn. Nhưng thời điểm đó mít bán không bao nhiêu đồng, nhiều hộ đã chặt bỏ. Khi mít bắt đầu được ưa chuộng trên thị trường, tôi muốn biến nơi đây thành vùng mít” - anh chia sẻ. Nhờ áp dụng kỹ thuật, các gốc mít trong vườn anh Tiến được trồng với mật độ 7m x 7m để cây dễ quang hợp, đẻ nhánh, sinh trưởng tốt, lại dễ chăm sóc, bón phân. So với nhiều loại cây trồng khác, mít ghép Thái Lan vốn cho năng suất cao, nhưng khâu chăm sóc lại dễ dàng, cây ít bệnh. Mùa nắng, chỉ cần tưới nước mỗi tuần 1 lần là đủ. Mỗi năm, cây cần bón phân 3 lần, chủ yếu là phân kali, phân hữu cơ.
Thu gom mít chín. |
Theo ông Nguyễn Vũ Liễu - Trưởng thôn Thái Sơn, cùng với việc phát triển khu du lịch suối nước nóng Thái Sơn, chủ trương của địa phương là xây dựng nơi đây trở thành miệt vườn, phục vụ tham quan, du lịch. Nhiều bà con làng Thái Sơn bắt đầu trồng mít Thái Lan xen kẽ trong vườn cây ăn quả của mình để cải thiện thu nhập. Hơn nữa, gần đây xã Đại Hưng có chương trình hỗ trợ 100% giống và phân bón suốt 3 năm liền cho những hộ tham gia trồng cây ăn quả (chiếm ưu thế là mít Thái), đó là điều kiện thuận lợi để bà con nơi đây dần ổn định kinh tế. Hiện tại, cả làng Thái Sơn có khoảng 30 hộ được hưởng lợi từ chương trình với diện tích trồng của mỗi hộ từ 1 - 2 sào. |
Hiện tại, vườn mít của anh Tiến đã bước qua năm thứ 7, cây cao nhất chỉ khoảng tầm 2m, cây nào cây nấy đeo trĩu quả. Có cây cho đến 25 - 30 trái, trái đều, đẹp, ít sâu bệnh, hình thức bắt mắt. Với mít chín, quả nhỏ nhất cho khoảng 5kg, quả lớn nhất nặng đến 15 - 20kg. Đây là giống mít ráo cho quả to, đều, quả thơm ngon, có mật, giòn, được thị trường ưa chuộng. Với giá bán khoảng 10 nghìn đồng/kg, có trái mít đem lại cho gia đình anh nguồn thu đến 200 nghìn đồng. Nhẩm tính, mỗi cây mít đến kỳ thu hoạch có thể đem lại nguồn thu 2 - 3 triệu đồng; với cả vườn mít rộng 0,5ha, gia đình anh thu nhập khoảng 150 triệu đồng mỗi năm. Mùa thu hoạch trái bắt đầu từ đầu tháng giêng kéo dài tận tháng tư, tháng năm âm lịch, là thời điểm thuận lợi vì nhu cầu tiêu thụ trái cây tăng cao, hơn nữa mít là mặt hàng trái cây khan hiếm trong thời gian gần đây. Mùa mít, vợ chồng anh chỉ cần hái gom khoảng 1 tuần, các thương lái từ Đà Nẵng tới mua sạch. Không dừng lại ở đó, nhận thấy cây thơm rất dễ trồng dưới bóng mát, gia đình anh trồng xen kẽ 3.000 gốc thơm vào vườn mít. Vụ thơm tết vừa rồi, với giá bán khoảng 6 – 7 nghìn đồng/trái, anh lại có thêm nguồn phụ thu hơn 20 triệu đồng. Dự kiến, anh Tiến sẽ tiếp tục nhân thêm 2.000 gốc thơm trong vườn mít.
Nhận thấy mô hình trồng mít Thái Lan khá hiệu quả, xã Đại Hưng đã tổ chức hội thảo để bà con trong vùng học tập kinh nghiệm. Theo nông dân Nguyễn Văn Tiến, nhu cầu về mít trên thị trường rất lớn nên việc hình thành vùng trồng mít là khả thi. Và khi đó, việc bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu mít Thái Sơn là cần thiết để sản phẩm do bà con làm ra có chỗ đứng và giá trị, được trên thị trường biết đến nhiều.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã