“Đột phá” từ Long An
Tháng 4-2012, lần đầu tiên công nghệ san phẳng đồng ruộng ứng dụng kỹ thuật điều khiển laser được trình làng trên miếng đất 2ha của ông Nguyễn Hữu Khanh tại ấp Sậy Giăng, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng. Ngày đầu trình diễn san phẳng đồng ruộng, người dân ở các nơi xung quanh kéo đến xem rất đông. Nhiều người thắc mắc liệu san phẳng mặt ruộng như thế đem lại lợi ích gì cho người dân.
Ngay cả ông Khanh, khi đồng ý cho làm thử trên ruộng của mình cũng không khỏi băn khoăn, liệu có hiệu quả không. Mãi đến khi xuống giống, chăm sóc rồi thu hoạch lúa, ông mới nhẹ lòng: “Lúc đầu tôi cũng lo lắm, không biết có hiệu quả không, nhưng bấm bụng làm đại, ai dè, kết quả rất ngon”. Theo ông Khanh, vụ hè thu năm 2012, chi phí đầu tư cho 1ha đã giảm nhiều so với trước. Như lúc trước, để sản xuất 1ha, cần 130-140kg giống, nay giảm còn 100kg. Chi phí bơm nước cũng giảm đáng kể. Như trước, phải bơm mất 10 giờ, nay chỉ cần 5 giờ. Rồi phân bón, thuốc trừ sâu cũng giảm… Nếu tính gộp lại, mỗi 1ha giảm chi phí khoảng 3 triệu đồng (trước chi phí 19 triệu đồng/ha, nay còn 16 triệu đồng/ha). Trong khi đó năng suất lúa có tăng hơn trước 1-1,5 tấn/ha, nhờ vậy tiền lời trên mỗi hécta cũng tăng thêm.
Ông Khanh khoe: “Vụ đông xuân năm nay, 2ha ruộng san phẳng bằng laser của tôi cho tới 10 tấn/ha, vụ này tôi lời trên 25 triệu đồng/ha. Lúc đầu thấy tốn gần 4 triệu đồng/ha cho việc san phẳng, tôi cũng hơi ngán, nhưng ai dè nó được lợi như thế này”.
San phẳng đồng ruộng bằng công nghệ laser ở xã Hưng Thạnh huyện Tân Hưng tỉnh Long An. |
Ông Lê Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHCN thuộc Sở KHCN Long An, cho biết, vụ hè thu năm 2012, toàn tỉnh làm thử nghiệm 90ha, kết quả đạt được rất khả quan, nên người dân rất ủng hộ. Vụ đông xuân này diện tích được tăng lên 200ha. Sau 2 mùa thử nghiệm trên đồng, kết quả từ ứng dụng công nghệ này đã thấy rõ. Sắp tới, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ này trên đồng ruộng. Trước mắt là đề xuất ứng dụng trên các cánh đồng mẫu lớn của tỉnh, rồi triển khai tới các hợp tác xã. Từ đây sẽ làm cơ sở để triển khai thực hiện trên 40.000ha lúa chất lượng cao của tỉnh đã được quy hoạch”.
Hướng đi mới cho nhà nông
Thạc sĩ Nguyễn Văn Xuân, Giám đốc Trung tâm Năng lượng - Máy nông nghiệp thuộc Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, cho biết, công nghệ san phẳng đồng ruộng ứng dụng kỹ thuật laser được Mỹ, Nhật, Úc sử dụng hơn 30 năm qua. Còn tại Việt Nam, năm 2004, Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) đã chuyển giao công nghệ và thiết bị laser cho trung tâm chúng tôi để triển khai tại VN. Năm 2005, công nghệ này được Trung tâm Năng lượng và Máy nông nghiệp chuyển giao kỹ thuật tại Trung tâm Giống nông nghiệp Bạc Liêu. Và từ đó đến nay, bộ sản phẩm công nghệ này được tiếp tục giới thiệu và trình diễn tại An Giang, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thừa Thiên – Huế, Long An... Tuy nhiên, đến nay Việt Nam cũng chỉ mới có 12 bộ thiết bị được chuyển giao (trong này Long An chiếm 6 bộ), số diện tích đất được san phẳng cũng chỉ hơn 400ha (trong khi Ấn Độ, năm 2004 chỉ có 1 bộ thiết bị, nay đã có trên 10.000 bộ thiết bị, diện tích san phẳng trên 1,2 triệu ha).
Tại cuộc hội thảo, theo các chuyên gia, lợi ích đem lại của việc ứng dụng công nghệ này trên đồng ruộng đã thấy rõ, thế nhưng tại sao sau gần 10 năm triển khai thực hiện vẫn không có tiến triển gì đáng kể. Vậy đâu là nguyên nhân một công nghệ hiện đại, đem lại nhiều lợi ích trong nông nghiệp như thế lại không có đầu ra?
Theo ông Lê Quốc Dũng, có thể vấn đề nằm ở chỗ chi phí đầu tư cao và bà con nông dân cũng chưa thấy hết cái lợi lâu dài của công nghệ laser này nên chưa thật sự quan tâm. Bởi mua một bộ công nghệ này (gồm máy kéo và bộ laser) phải tốn 700 - 800 triệu đồng, trong khi sử dụng một năm chỉ được khoảng 2 tháng; theo tính toán của nông dân, đầu tư bộ công nghệ này không hiệu quả bằng mua một máy gặt đập liên hợp, do khó thu hồi vốn nhanh. Với diện tích lúa hơn 1,5 triệu ha, ĐBSCL có nhiều tiềm năng để ứng dụng bộ công nghệ này là rất lớn. “Chỉ với diện tích này thôi là đã cần tới hàng ngàn bộ công nghệ này rồi. Nếu tính kỹ, bỏ tiền ra mua một bộ công nghệ này rồi kết hợp làm nhiều dịch vụ khác, chỉ cần 1-2 năm là có thể thu hồi vốn” - ông Dũng khẳng định và cho biết thêm, hiện tại nhiều bà con nông dân ở Long An đã đăng ký mua bộ công nghệ này để về san phẳng ruộng nhà và làm dịch vụ.
| |
Nguồn: SGGPO
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã