Học tập đạo đức HCM

Đồng hành với phụ nữ nghèo

Thứ năm - 11/06/2015 22:17
Được xem như một kênh tài chính trong công tác xóa đói, giảm nghèo cho phụ nữ ở nông thôn, hơn 20 năm qua, Tổ chức Tài chính Vi mô Tình thương (TYM) như chiếc đòn bẩy giúp hàng nghìn phụ nữ nghèo làm chủ hộ, phụ nữ yếu thế không chỉ tự tin vươn lên thoát nghèo bền vững, mà còn nâng cao vị thế, tiếng nói của mình trong gia đình và xã hội.

Một buổi sinh hoạt của chị em cụm 28, thôn Ngọc Sơn 1, xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) giản dị nhưng rộn rã niềm vui, tiếng cười của gần 70 thành viên tham gia TYM. Hôm ấy, có cả các cán bộ Phòng giao dịch Thanh Sơn của quỹ về gặp mặt, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của chị em. Chi nhánh cụm Việt Trì - Phú Thọ thành lập tháng 12-2009, đến tháng 3-2011 mở phòng giao dịch tại thị trấn Thanh Sơn. Do trên địa bàn có tới 21 dân tộc anh em cùng chung sống, cho nên các chính sách của quỹ ưu tiên hướng về đối tượng chị em là dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Đến nay, chi nhánh đã đưa đồng vốn tới bảy nghìn hội viên, trong đó có 800 chị là người dân tộc thiểu số.

Trong cuộc chuyện trò thân tình, các chị phấn khởi cho biết, tham gia TYM không chỉ vay được vốn, trang trải các khoản chi tiêu trong gia đình, phát triển kinh tế mà còn được giao lưu, chia sẻ, hưởng thụ nhiều chương trình an sinh do TYM mang lại, như: hỗ trợ xây nhà tình thương đối với phụ nữ nghèo đặc biệt khó khăn, hỗ trợ tài chính khi thành viên ốm đau. Được đào tạo, tập huấn kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, vệ sinh môi trường, con em thành viên học giỏi được nhận học bổng khuyến khích, hỗ trợ tài năng, còn được khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí; giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao. Một số chị thắc mắc, mình chưa được đi học tập mô hình phát triển cây chè sạch và đã được Giám đốc chi nhánh Trần Văn Tuyên trả lời luôn, trong tháng 6 này, chi nhánh sẽ tổ chức một đợt thực tế đi học tập kinh nghiệm trồng và sản xuất chè sạch tại tỉnh Thái Nguyên, khiến ai ai cũng phấn khởi. Chị Hà Thị Bàng (dân tộc Mường) khoe: "Tôi đã trả xong hai vòng vốn, hôm nay tới đây làm thủ tục vay lần thứ ba. Số tiền lần trước vay tôi mua trâu nuôi đẻ nghé con bán đi lấy tiền nuôi ba đứa con học đại học. Hiện, gia đình tôi có 1.500 gốc sơn ta, cho giá trị thu hoạch mủ bình quân 10 triệu đồng/tháng. Do có nguồn thu ổn định cho nên việc vay vốn TYM lên tới 30 triệu đồng/lượt không còn là nỗi lo của các chị em nữa".

Chị Tăng Thị Hạnh, vừa là cụm trưởng vừa là chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn Ngọc Sơn 1 chia sẻ: "Có rất nhiều kênh tài chính để chị em có thể tiếp cận đồng vốn nhưng 100% số hội viên chúng tôi đều gửi gắm niềm tin vào quỹ do cách thức tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, thuận tiện, không cần tài sản tín chấp. Hằng tháng, vào các buổi sinh hoạt định kỳ, cán bộ quỹ đều có mặt để lắng nghe, giải đáp khúc mắc kịp thời. Do vay theo hình thức trả dần cả lãi và gốc theo từng tuần, cho nên chị em tránh được áp lực tài chính dồn lại đến cuối kỳ vay. Khi chị em vay vốn, quỹ yêu cầu cả hai vợ chồng cùng ký vào bản cam kết, điều này giúp người chồng có ý thức hơn trong việc sử dụng đồng vốn, cùng lo toan khoản trả nợ định kỳ. Tỷ lệ trả lãi của cụm luôn đạt 100%, chúng tôi đang phấn đấu đạt danh hiệu cụm xuất sắc trong năm 2015".

Huyện Thanh Sơn là một vùng nguyên liệu chè lâu năm, nhưng do không có thương hiệu, không có chỗ đứng trên thị trường, chè hái tươi về, sơ chế bán cho thương lái chở đi vùng khác tiêu thụ. Bà con không tìm được đầu ra, lại luôn bị tư thương ép giá. Vài năm trở lại đây, cây sơn ta cho giá trị sản phẩm cao gấp ba, bốn lần cây chè, nhiều người dân bỏ chè, bỏ máy quay ra trồng sơn. Ý thức được cần phải gìn giữ cây chè truyền thống cho người dân, quỹ đã đứng ra làm "bà đỡ" xây dựng nhóm sở thích trồng chè. Những hội viên tham gia được hỗ trợ đào tạo, quy trình chế biến, đóng gói, nhãn mác và kết nối thị trường. Tới thăm gia đình chị Nguyễn Thị Hà, điển hình phát triển kinh tế của quỹ, cũng là thành viên tham gia nhóm sở thích trồng chè. Chị Hà tâm sự: "Gia đình tôi cũng có một nghìn gốc sơn, nhưng vẫn cần mẫn giữ một ha trồng chè. Hiện, mủ sơn có giá 180 đến 200 nghìn đồng/kg, thu hoạch chỉ trong ba, bốn tiếng, trong khi đó còng lưng sao chè cả đêm cũng chỉ được 50 nghìn đồng. Tuy nhiên, vợ chồng chúng tôi động viên nhau phải giữ lấy nghề cha ông. Tôi tin cây chè sẽ không bao giờ mai một trên mảnh đất này". Được quỹ hỗ trợ tham gia tìm kiếm thị trường, chị Hà hy vọng trong tương lai không xa, nhóm của chị sẽ tìm kiếm được đầu mối tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, dần dần kêu gọi hội viên quay trở lại gắn bó với cây chè truyền thống.

Tới thăm ngôi nhà tình thương của gia đình chị Nguyễn Thị Hoàn, cụm 22, là hội viên nghèo được quỹ hỗ trợ 30 triệu đồng xây mái ấm. Chị Hoàn rưng rưng kể: Ngôi nhà cũ xập xệ, tan hoang. Đúng lúc hai vợ chồng bàn nhau lên rừng chặt cành cây về chằng lại cột kèo, chống đỡ mùa mưa bão tới, thì nhận được tin quỹ hỗ trợ xây dựng nhà. Hai vợ chồng tôi mừng rơi nước mắt, đôn đáo vay mượn khắp nơi để có thêm kinh phí, xây dựng ngôi nhà cấp bốn, diện tích 75 m2. Tôi cũng vay vốn từ quỹ để sửa chữa nhà, đồng thời tham gia tiết kiệm với số tiền 10 nghìn đồng/tuần. Hiện, mái nhà đang lợp phi brô-xi-măng, tôi hy vọng đến cuối năm từ số tiền tiết kiệm đủ để đổ mái bằng cho căn nhà thêm vững chắc.

Tổ chức Tài chính vi mô Tình thương hoạt động trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố với hơn 110 nghìn phụ nữ tham gia với số vốn lên tới gần 800 tỷ đồng. Tỷ lệ hoàn trả vốn 99,98%. Hỗ trợ hơn 350 nghìn hội viên nghèo theo tiêu chuẩn của Chính phủ với lãi suất ưu đãi 0,4%/tháng.

Bên cạnh hoạt động tín dụng, tiết kiệm, TYM đẩy mạnh công tác nâng cao năng lực, hỗ trợ thành viên trong các hoạt động: hỗ trợ xây dựng gần 50 mái ấm tình thương; khám bệnh phát thuốc miễn phí cho 5.000 thành viên, trị giá hơn một tỷ đồng. Hỗ trợ gần 3.600 trường hợp gia đình hội viên khó khăn, số tiền gần 3,2 tỷ đồng. Hỗ trợ 29 trường học, trạm y tế số tiền 435 triệu đồng trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Trao học bổng cho con em nghèo hội viên vượt khó, tổ chức các hoạt động cộng đồng nhân những ngày kỷ niệm 8-3, 20-10 với số tiền 2,3 tỷ đồng...

THÁI DƯƠNG
theo nhandan
 Tags: phụ nữ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập166
  • Hôm nay30,354
  • Tháng hiện tại975,418
  • Tổng lượt truy cập91,038,811
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây