Kỳ vọng sức mua tăng
Số lượng thịt lợn, giá bán và sức mua là 3 yếu tố quan trọng nhất với giới kinh doanh thịt. Cho đến nay, sức mua vẫn là đang ẩn số gây lo lắng nhất cho các tiểu thương ở chợ đầu mối nông sản Hóc Môn - nơi bán sỉ thịt lợn lớn nhất TP.HCM.
Thực tế những ngày qua, sản lượng lợn hơi cung cấp về chợ này khá ổn định, dao động trên dưới 4.000 con/ngày, tuy nhiên do sức mua chậm, giá thịt lợn đang có xu hướng giảm khiến nhiều tiểu thương lo lắng.
Ngồi chờ khách trong sạp hàng, bà Ngọc Hương - chủ một sạp bán lợn mảnh cho biết, dù giá thịt lợn có giảm nhưng so với thời điểm trước khi có dịch tả lợn châu Phi, thì tính ra vẫn ở mức cao. Người tiêu dùng đã dần chuyển sang sử dụng các loại thực phẩm thay thế khác, khiến lượng thịt bán ra mỗi ngày tại sạp của bà Hương giảm 25-30% so với trước.
Ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, tốc độ tái đàn tăng đã góp phần kéo giá lợn hơi xuống. So với với hồi đầu năm, tình hình tái đàn tại các địa phương trên cả nước đã tăng 12%, trong đó có khu Đông Nam Bộ tăng nhanh. Với tốc độ này, dự kiến nguồn cung tăng 14% vào quý IV, đáp ứng đủ cho tiêu dùng dịp cuối năm.
Đầu phiên chợ, lợn mảnh loại ngon nhất trong sạp bà Hương chỉ bán được quanh mức giá 90.000 đồng/kg. Cũng có một số được bán với giá 100.000 đồng/kg nhưng loại này rất ít, chỉ vài con nên không đáng kể. Còn lại, đa số lợn mảnh bà bán với giá từ 84.000 - 87.000 đồng/kg.
Thậm chí, sau 5 giờ sáng, giá thịt lợn mảnh giảm xuống dưới 80.000 đồng/kg.
"Chợ Hóc Môn không cho phép kinh doanh hàng đông lạnh nên tiểu thương phải tìm mọi cách đẩy hàng đi như bán chịu, bán với giá giảm sâu hoặc nài ép mối sỉ lấy hàng giúp" - bà Hương kể.
Ở sạp hàng kế bên, chị Tâm Lan cũng cho biết, do lượng thịt bán ra chậm nên những phiên chợ gần đây, sạp của chị đều phải kéo dài thời gian hoạt động. Cứ trễ vài chục phút là giá giảm thêm một ít. "Càng về sáng (gần thời điểm kết thúc phiên chợ - PV), bà con tiểu thương càng phải hạ giá, chấp nhận thua lỗ để bán hàng ra" - chị Lan nói.
Cũng theo chị Lan, thời gian gần đây, một số doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn đông lạnh về bán. Bên ngoài chợ đầu mối Hóc Môn cũng có một số quầy hàng rao bán thịt nhập khẩu với giá rất rẻ. Tuy nhiên lượng khách mua mặt hàng này cũng không nhiều.
Thời điểm cuối năm 2019, giá thịt lợn tăng lên mức cao ngất ngưởng, dao động từ 160.000 - 200.000 đồng/kg khiến người tiêu dùng "kêu trời", buộc phải giảm ăn thịt lợn. Tuy nhiên, sau thời gian bình ổn, đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn, hiện giá mặt hàng này đã ở mức có thể chấp nhận được.
Nhưng với sức mua như hiện tại, nhiều thương lái đưa lợn về chợ đầu mối Hóc Môn đang phải chịu lỗ nặng. "Hy vọng sức mua sẽ tăng trở lại từ giờ đến cuối năm. Nếu còn lỗ kéo dài, thương lái sẽ giảm mua lợn của người chăn nuôi" - chị Lan lo ngại.
Đảm bảo đủ thịt lợn mùa tết
Bà Đinh Thị Lâm - hộ chăn nuôi tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai) kể, năm ngoái trại nuôi của bà lỗ đậm vì đàn lợn bị dịch tả châu Phi phải tiêu hủy. Bà Lâm tin tưởng, kiểu gì thì mấy ngày tết cũng không thể thiếu thịt lợn, do đó gia đình bà đang tập trung chăm sóc hơn 400 con lợn cho kịp bán ra dịp tết năm nay. "Thị trường tiêu thụ từ giờ tới cuối năm là hy vọng lớn nhất để giúp người nuôi gỡ gạc lại những tổn thất thời gian qua" - bà Lâm nói.
Ông Huỳnh Thành Vinh - Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Nai cho biết, cùng với việc kiểm soát dịch bệnh, ngành nông nghiệp đang nỗ lực tạo điều kiện cho công tác tái đàn, tăng đàn. Đồng Nai hy vọng đảm bảo đạt mức 2,5 triệu con lợn vào cuối năm, bằng với sản lượng trước khi có dịch để cung cấp đủ không chỉ cho địa bàn tỉnh mà còn cho hơn 10 triệu dân ở thị trường TP.HCM.
Bình Dương là tỉnh có đàn lợn lớn thứ 3 ở phía Nam, cũng sẽ góp một phần đáng kể vào nguồn cung thịt lợn cho thị trường đến cuối năm. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch bệnh, nhưng thời gian qua ngành chăn nuôi của tỉnh vẫn phát triển ổn định. Hiện tổng đàn lợn của tỉnh đạt khoảng 853.000 con, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo của Phòng Kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn, so với quý II, lượng thịt lợn về chợ trong quý III bắt đầu tăng mạnh. Trước đó, hồi tháng 3, sản lượng thịt lợn về chợ chỉ khoảng 254 tấn/ngày. Sang tháng 4, TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội nên lợn hơi về chợ giảm còn khoảng 217 tấn. Đến tháng 7, nhờ nguồn cung thịt lợn tăng nên lượng lợn về chợ tăng, đạt khoảng 390 tấn/ngày và ổn định cho đến nay.
Ngoài nguyên nhân người chăn nuôi tích cực tăng đàn, tái đàn, thì thịt lợn sống nhập khẩu từ Thái Lan; thịt lợn đông lạnh nhập khẩu từ các nước cũng ngày càng tăng, trong khi sức tiêu thụ giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đã góp phần giảm bớt căng thẳng cung - cầu mặt hàng thịt lợn.
Bà Mỹ Hạnh - chuyên viên Phòng Kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn đánh giá, do ảnh hưởng dịch Covid-19, sức mua trong dịp tết năm nay vẫn chưa thể đoán định. "Tuy nhiên, chợ đầu mối nông sản Hóc Môn chắc chắn sẽ đảm bảo đủ nguồn cung cho thị trường, không để xảy ra khan hàng, sốt giá" - bà Hạnh nói.
Theo Nguyên Vỹ/danviet.vn
https://danviet.vn/tai-dan-lon-tang-nhanh-tphcm-dam-bao-khong-thieu-thit-lon-mua-tet-20201015171716178.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã