Ngoạn mục vượt qua đại dịch Covid-19
Theo người đứng đầu Chính phủ, từ đầu năm 2020 đến nay, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 với tốc độ lây lan nhanh, diễn biến khó lường và mức độ nguy hiểm chưa từng có trong lịch sử đã tác động mạnh mẽ, toàn diện và sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội toàn cầu.
"Với nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam đã trải qua 2 đợt dịch ở một số địa phương (tháng 3-4 và tháng 7-8/2020) với những tác động mạnh đến tình hình kinh tế, xã hội đất nước. Nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng; tiêu thụ hàng hóa giảm sút; sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, nhất là trong một số lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, vận tải, du lịch…; hàng triệu lao động mất việc làm, thiếu việc làm, giảm sâu thu nhập" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Trong khi đó, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai, lũ lụt, sạt lở, giông lốc các tỉnh miền núi phía Bắc, nắng nóng, hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, dịch tả lợn châu Phi… tiếp tục diễn biến phức tạp, đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống của người dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn đó, chúng ta vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội.
"Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh và đã có cách làm đúng, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao" - người đứng đầu Chính phủ nói.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế đánh giá: "Thành công của Việt Nam trong phòng, chống đại dịch Covid-19 cho thấy một minh chứng điển hình về cách một quốc gia đang phát triển có thể chống lại đại dịch, đem đến một bài học ý nghĩa đối với các nước đang phát triển khác".
Điều đáng ghi nhận là, dù dịch Covid-19 có nhiều tác động đến nền kinh tế nhưng kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; đạt được mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm.
"Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng 9 tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt 2 - 3%; là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới nhờ nội lực, tận dụng tốt các cơ hội và khả năng đa dạng hoá, thích ứng linh hoạt của nền kinh tế. Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 1,7 lần, năm 2020 đạt khoảng 535 tỷ USD mặc dù thương mại quốc tế giảm mạnh, trong đó điểm sáng là xuất khẩu của khu vực trong nước tăng mạnh, 9 tháng năm 2020 tăng trên 20%; xuất siêu 5 năm liên tiếp.
Vị trí trụ đỡ của ngành nông nghiệp
Trong báo cáo trình bày trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao vai trò của nông nghiệp trước những khó khăn do tác động của dịch Covid-19, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế trong khó khăn khi tăng trưởng cả năm ước đạt khoảng 2,6% (cao hơn mức 2,01% của năm 2019).
Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ; nhiều nhà máy chế biến nông sản, thực phẩm với công nghệ hiện đại đi vào hoạt động; kinh tế hợp tác và doanh nghiệp nông nghiệp phát triển mạnh.
Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19, nông nghiệp khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế; sản xuất lúa gạo được mùa, được giá, đời sống người nông dân được cải thiện; an ninh lương thực được bảo đảm; năm 2020 xuất khẩu nông sản ước đạt 41 tỷ USD.
Hiện nay có khoảng 15 nghìn hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả và gần 12 nghìn doanh nghiệp trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
"Xây dựng nông thôn mới và đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được chú trọng; đến cuối năm 2020 dự kiến có trên 63% số xã đạt chuẩn nông thôn mới" - Thủ tướng nhấn mạnh những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp.
Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, ngành nông nghiệp đang từng bước chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng: chuyển từ mục tiêu số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng; chuyển từ sản xuất quy mô nhỏ lẻ, phân khúc sang quy mô lớn, khép kín theo chuỗi giá trị; từ dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ sang chủ yếu là dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, quản lý.
Sản xuất không chỉ dựa vào lợi thế, tiềm năng mà theo sát nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Đặc biệt, việc chuyển đổi theo kế hoạch diện tích đất lúa kém hiệu quả sang sản xuất những sản phẩm đang có thị trường tiêu thụ và giá trị thu được cao hơn trồng lúa. Diện tích đất lúa năm 2020 ước giảm còn 7.425, nghìn ha (giảm khoảng 45.100 ha so với năm 2019) nhưng năng suất bình quân ước đạt 58,94 tạ/ha, tăng 0,25 tạ/ha so với năm 2019; giá lúa gạo trong nước và xuất khẩu tăng cao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, ngành nông nghiệp cần tiếp tục cơ cấu lại trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền.
Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là trong khâu giống. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành chăn nuôi, thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tái đàn lợn; chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi; phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại.
Duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng theo hình thức hữu cơ truyền thống; tiếp tục mở rộng chăn nuôi áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng.
Tiếp tục đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi trồng thủy sản với cơ cấu diện tích và sản lượng phù hợp từng vùng kinh tế, sinh thái trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh. Giảm dần sản lượng khai thác thủy sản ven bờ, đẩy mạnh khai thác thủy sản xa bờ; tập trung khai thác các sản phẩm chủ lực của mỗi vùng; tăng cường đầu tư thiết bị bảo quản chế biến trên tàu khai thác, nâng cao hiệu quả khai thác và giảm tổn thất sau thu hoạch; khai thác thủy sản gắn liền với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng, đảm bảo cung cấp phần lớn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ và các lâm đặc sản khác cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Giảm chế biến thô và sơ chế, nâng cao tỷ trọng chế biến các mặt hàng có giá trị gia tăng cao; đa dạng hóa các sản phẩm chế biến và thị trường tiêu thụ phù hợp với thị hiếu, văn hóa tiêu dùng của từng thị trường trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh Việt Nam.
Theo Anh Thơ/danviet.vn
https://danviet.vn/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-xuat-khau-gao-len-ngoi-nong-nghiep-the-hien-vai-tro-tru-do-20201020083939207.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã