Tháng 2.2012, sau vụ án Cống Rộc, Báo Tuổi Trẻ đăng tải câu chuyện người nông dân “nghiện đất” Võ Quan Huy ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Từ năm 1969, ông Huy bắt đầu đầu tư vào đất. Và bây giờ, ông đã có tới 550ha đất ở khắp các tỉnh Long An, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Tây Ninh. Chỉ có điều, những mảnh đất mồ hôi nước mắt đó phải nhờ người khác đứng tên, do quy định về hạn điền.
Chân chất, mộc mạc, người nông dân có những câu khiến chúng ta phải suy nghĩ. Đó là khát vọng “Có đất mà cần cù, tâm huyết sẽ không thể nghèo”. Đó là “nghịch lý là người cần đất sản xuất thì không có, còn người giành đất để... bỏ hoang”. Đó là việc “Nhà nước khuyến khích dân tích tụ ruộng đất nhưng chỉ giao đất 20 năm và quy định hạn điền”.
Đó là ước mong “nông dân Võ Quan Huy và hàng chục triệu nông dân khác được thoải mái sản xuất hoài hoài chứ đừng có trở thành như ông Vươn ở Tiên Lãng”, bởi “có gì cay đắng bằng việc mình đổ công sức đầu tư xong thì bị thu hồi đất!”. Bởi “nông dân không an tâm đầu tư sản xuất cũng chính do hạn điền và thời hạn giao đất”.
Nghịch lý đang tồn tại ngoài đời sống. Bởi trong khi Hiến pháp trao quyền sử dụng ổn định và lâu dài thì thực tế những “ổn định, lâu dài” đó đang bị trói buộc trong một hạn mức lẻ tẻ, trong một thời hạn ngắn ngủn.
Dường như vụ việc của người nông dân Đoàn Văn Vươn, những lời tâm sự nông dân hôm qua đã lọt được đến Quốc hội. Hôm qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi thẳng thắn khẳng định trước Quốc hội: “Thời hạn giao đất đang ảnh hưởng lớn niềm tin trong đầu tư vào nông nghiệp”. Ông Lợi minh chứng bằng sự suy giảm trong đầu tư vào nông nghiệp tụt từ 13,2% xuống 6,9%.
Ông Lợi dùng từ “rào cản” để nói tới tình trạng manh mún khi đất nông nghiệp bị chia nhỏ mà chính thống kê của Tổng cục Địa chính đã xác nhận: Có tới 10,3 triệu hộ nông dân có dưới 0,5ha đất. Chỉ 3% có trên 3ha. Rằng, có hộ sở hữu tới 4-6 mảnh đất nhưng không liền nhau. Đây chính là rào cản lớn nhất cho ước mơ làm giàu trên đất, cho phát triển nông nghiệp hàng hóa.
Đất đai, nói như Chủ tịch Hà Tĩnh Võ Kim Cự, liên quan đến mọi nông dân, từ người già, đến người trẻ, từ người sống đến người đã chết.
Quan tâm của nông dân, nói như Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh - ĐBQH Vũ Chí Thực không bắt đầu từ tiền, mà là đất, bởi đối với nông dân, đất là “tư liệu sản xuất”.
ĐBQH Phùng Đức Tiến hôm qua cũng đề nghị Quốc hội sửa luật theo hướng đưa đất chăn nuôi thành đất có hạn mức và thời hạn “như đất làm muối, nuôi trồng thủy sản”. Bởi vấn đề là sự công bằng, khi giá trị ngành chăn nuôi hiện chiếm tới 25-27% giá trị sản xuất nông nghiệp và đến 2020 dự kiến sẽ là 40%. Còn ông Bùi Sĩ Lợi đề nghị thời hạn giao đất “cho đến khi Nhà nước thay đổi quy hoạch”.
50 năm nói dài thì là dài, nhưng cũng sẽ đến lúc hết hạn. 3ha bảo nhiều thì là nhiều, nhưng chưa đủ cho một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Điều cần thiết là luật phải quy định rõ nguyên tắc không thể bị thu hồi nếu việc sử dụng có hiệu quả, đúng pháp luật. Cờ đang trong tay các vị ĐBQH. Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đang đứng trước một cơ hội, không chỉ là việc giải phóng tâm lý cho 70% dân số là nông dân mà còn vì sự phát triển của cả nền nông nghiệp, trong cả thập kỷ qua luôn là điểm tựa của nền kinh tế.
Phong Dao
Danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã