Sáu hoạt chất nguy cơ cao
Trong tháng 10 và đầu tháng 11, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN& PTNT) đã lấy 50 mẫu rau ăn sống (xà lách, rau diếp, rau húng, rau mùi) tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội để kiểm nghiệm các chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng (gồm 11 hoạt chất sử dụng phổ biến và có nguy cơ cao, chì và asen). Kết quả kiểm nghiệm 50 mẫu cho thấy đều bảo đảm đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm đối với các chỉ tiêu được kiểm tra. Trong đó, 21/50 mẫu (chiếm 42%) không phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng; 29/50 mẫu phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhưng ở ngưỡng an toàn; 20 mẫu phát hiện có kim loại nặng, nhưng thấp hơn mức giới hạn tối đa cho phép.
Sơ chế rau an toàn trước khi bán ra thị trường tại xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội. |
Trước những ý kiến lo ngại mặc dù dư lượng này dưới ngưỡng an toàn nhưng nếu dùng nhiều, chất này tích tụ trong cơ thể người có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, khẳng định: “Nếu các chất đó đã ở dưới ngưỡng an toàn thì có thể yên tâm dùng. Thực tế, trong không khí, trong đất, trong nguồn nước đều có, nhưng ở mức cho phép”.
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, có thể khẳng định 90% rau của Việt Nam là an toàn về mặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. “Trong gần 2 năm qua, chưa nhận được thông tin nào của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm nói về việc ngộ độc do rau chứa thuốc bảo vệ thực vật. Vấn đề đáng quan tâm là vi sinh vật. Trên 50% các sự cố mất an toàn thực phẩm ở Việt Nam xảy ra có liên quan đến vi sinh vật. Khắc phục điều này rất dễ: chỉ cần thực hiện ‘ăn chín, uống sôi’. Đã có lần chúng tôi công bố: khoảng 40% các mẫu giá sống chứa vi sinh vật vượt chỉ tiêu cho phép. Với rau sống thì chắc chắn tỉ lệ này còn cao hơn. Vì thế, càng hạn chế ăn rau sống càng tốt”, ông Hồng khuyến cáo.
Cục này cũng đã đánh giá, phân loại nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm đối với rau tươi và khảo sát đánh giá về thực trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giám sát an toàn thực phẩm trên rau tươi. Kết quả cho thấy, mối nguy gây mất an toàn thực phẩm đáng chú ý nhất đối với các sản phẩm rau tươi là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, đứng đầu là nhóm rau ăn lá, như: rau muống, rau cải các loại, rau ngót… Tiếp đến là đậu đỗ. Kết quả ghi nhận các loại: cải bắp, nhóm rau ăn củ, các loại rau ăn quả (bầu bí, su su, cà chua, mướp đắng) là những sản phẩm ít phát hiện thấy dư lượng chất độc hại vượt mức tối đa cho phép.
Có 6 hoạt chất được phát hiện với tần suất cao nhất, trong đó, đứng đầu là chất cypermethrin. “Đây là những loại chúng ta không cho phép sử dụng trên rau mà chỉ cho dùng trên các loại cây trồng khác (cao su, tiêu, điều…), nhưng một số nông dân vẫn sử dụng thuốc đó để phun cho rau, gây mất an toàn”. Cypermethrin là thuốc trừ sâu rất phổ biến, chiếm khoảng 25% lượng thuốc trừ sâu đang được sử dụng ở nước ta. Nếu sử dụng các loại thực phẩm có dư lượng các chất này vượt ngưỡng tối đa cho phép thì sẽ có hại cho sức khỏe. Mỗi chất khác nhau có một mức ảnh hưởng nhất định và chủ yếu các chất này tác động đến hệ thần kinh vận động, hệ bài tiết của con người.
Cần lấy mẫu kiểm tra rộng hơn
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu yêu cầu: Trong tháng 11 và tháng 12 vẫn tiếp tục lấy mẫu kiểm tra mực khô, mật ong và rau ăn lá. Phải mở rộng quy mô và số lượng lấy mẫu kiểm tra. Bởi theo bà Thu, nếu số liệu chưa tốt thì người dân khó tin tưởng vào kết luận của các cơ quan kiểm nghiệm.
Trong tình hình hiện nay, để giảm nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Xuân Hồng khuyến cáo người tiêu dùng cân nhắc khi lựa chọn các loại rau. Các loại rau ăn lá như: cải xanh, muống là nhóm có nguy cơ cao nhất. Đậu, đỗ, dưa chuột là nhóm có nguy cơ cao thứ hai. Nhóm rau ăn củ là nhóm nguy cơ thấp. Về quả thì bưởi, xoài, chuối, thanh long có nguy cơ thấp nhất. Còn các loại quả mọng như dâu tây, anh đào có nguy cơ cao.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên mua rau củ quả tại các địa chỉ bán rau an toàn - đây là nơi độ an toàn cao hơn, nhờ được kiểm soát về nguồn gốc. Như vậy cũng tạo động lực cho người nông dân sản xuất rau an toàn. Khi chế biến, cần nhặt kỹ, gọt sạch, rửa sạch, bóc sạch vỏ, chần kỹ để giảm nguy cơ. Cuối cùng, khi sử dụng, thấy những sản phẩm nào mất an toàn thực phẩm thì báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp kiểm tra để ngăn ngừa.
Bài và ảnh: Mạnh Minh
Theo baotintuc.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã