Học tập đạo đức HCM

Quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường quốc doanh

Thứ tư - 21/11/2012 22:47
Sau hơn tám năm thực hiện Nghị quyết 28/NQ-T.Ư của Bộ Chính trị và hơn sáu năm thực hiện Nghị định 200/2004/NÐ-CP của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển các nông, lâm trường (NLT) quốc doanh, đến nay tuy đạt được một số kết quả đáng khích lệ, nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế yếu kém cần khắc phục, nhất là việc quản lý sử dụng đất kém hiệu quả tại các đơn vị này. Thực tế đó đang đòi hỏi các ngành, các cấp có liên quan tìm biện pháp, vừa phù hợp thực tiễn, vừa đúng với nội dung Luật Ðất đai quy định, mới hy vọng giải được bài toán hóc búa này.

Bài 1:  Nhiều kẽ hở, tiêu cực trong quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường quốc doanh

Sử dụng đất kém hiệu quả

Theo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ ba được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp từ báo cáo của 22 trong số 40 tỉnh, thành phố hiện nay, diện tích đất NLT đang tranh chấp, bị lấn chiếm tới hơn 114 nghìn ha. Diện tích đất chưa sử dụng trong các NLT hiện còn khoảng 315 nghìn ha, trong đó các ban quản lý rừng là 253 nghìn ha, các lâm trường là 57 nghìn ha; phần lớn các công ty NLT và ban quản lý rừng, kể cả các doanh nghiệp đã cổ phần hóa chủ yếu mới chỉ được giao đất trên bản đồ, sổ sách, thậm chí còn nhiều NLT không có bản đồ, hồ sơ địa chính. Việc chuyển nhượng đất đai, xây dựng nhà ở kiên cố trên đất NLT, cho thuê, cho mượn trái pháp luật cũng diễn ra ở nhiều nơi, với diện tích không nhỏ, ước tính khoảng hơn bốn nghìn ha.

Hiện tại, phần lớn các NLT đã được sắp xếp lại tổ chức theo quy định của Nghị định 200/2004/NÐ-CP. Một số lâm trường bước đầu đã hình thành được phương án sản xuất, kinh doanh và quản lý sử dụng rừng có hiệu quả. Song nội dung quan trọng nhất làm căn cứ để thực hiện điều chỉnh, sắp xếp lại loại hình tổ chức quản lý rừng, đó là vấn đề rà soát đất đai và thu hồi một phần đất của các NLT trả lại địa phương để giao cho các thành phần khác chưa được thực hiện nghiêm túc. Việc tổ chức rà soát đất đai tại nhiều nơi, mới thực hiện trên giấy tờ, bản đồ mà chưa xác định trên thực địa. Theo đánh giá chung, tiến độ thực hiện thu hồi đất sau rà soát diễn ra quá chậm chạp. Ðến năm 2011, cả nước mới bàn giao được hơn 700 nghìn ha (chiếm 63,2% diện tích dự kiến trả lại cho địa phương), và có chăng chỉ mới thực hiện ở bước thống kê, rà soát phân loại trên sổ sách. Các lâm trường đã báo cáo sắp xếp, đổi mới xong tổ chức nhưng thực chất chỉ mới thay đổi được tên gọi mà thôi, chưa xác định được mô hình tổ chức và cơ chế quản lý phù hợp.

Thực trạng đáng báo động khác là, hiện nay tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai, cho thuê, cho mượn đất trái pháp luật trong các NLT diễn ra khá phổ biến, kéo dài từ nhiều năm nhưng chậm được giải quyết, nhất là khu vực Tây Nguyên. Nguyên nhân chủ yếu do việc giao đất trước đây không rõ ràng, cụ thể, chủ yếu là xác định trên giấy tờ không đo đạc, cắm mốc thực địa, dẫn đến có nhiều nơi giao đất "chồng" lên đất của các hộ dân, tổ chức khác đang sử dụng. Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng đất, các NLT quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm. Ngoài ra, nhiều NLT hiện không quản lý được hợp đồng giao khoán, để tình trạng chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất nhận khoán sang làm nhà ở, công trình dịch vụ gây bất bình và bức xúc trong xã hội.

Trao đổi ý kiến về những bất cập hiện nay tại các NLT, Cục trưởng Ðăng ký và Thống kê (Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường) Trần Hùng Phi cho rằng: Ðối với công tác quản lý các NLT, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật được coi là khá đầy đủ, nhất là các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo trong việc thực hiện sắp xếp và đổi mới các NLT. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm ở chỗ, công tác thực hiện tại nhiều nơi triển khai thực hiện chưa tốt, dẫn đến tình trạng phổ biến là chỉ mới đổi được tên nhưng chưa đo đạc, cắm mốc giới cụ thể. Công tác rà soát, sắp xếp mới còn mang nặng tính hình thức cho nên hiệu quả của việc thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương và Chỉ đạo của Chính phủ chưa cao. Ngoài lý do chủ quan, một phần còn do nguyên nhân khách quan là kinh phí của cơ sở còn nghèo, chủ yếu dựa vào ngân sách Trung ương. Trầm trọng hơn, một số địa phương sử dụng kinh phí không đúng mục đích, đầu tư vào các lĩnh vực khác mà họ cho rằng cần thiết hơn, cho nên dẫn đến sự yếu kém trong quản lý và sử dụng đất tại các NLT.

Công tác quản lý còn lỏng lẻo

Trước hết, có thể khẳng định, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất, cho thuê, cho mượn đất trái pháp luật trong các NLT quốc doanh hiện nay là khá phổ biến, kéo dài nhiều năm nhưng chậm được khắc phục. Qua tìm hiểu tại một số NLT thuộc tỉnh miền núi, trung du phía bắc như: Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang, v,v, cho thấy: Hiện khá nhiều các NLT rơi vào tình trạng nợ nần, trong đó nguyên nhân chính là do người lao động trong các doanh nghiệp NLT thiếu việc làm phần vì thiếu đất hoặc vì do đất nghèo khó trồng cấy. Phần khác do giá trị ngày công thấp, dẫn đến đời sống của họ gặp nhiều khó khăn, thiếu vốn. Giám đốc Lâm trường Kim Bôi, thuộc Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) Nguyễn Văn Toàn cho chúng tôi biết: Bên cạnh hiệu quả thiết thực là thực hiện tốt vai trò chủ động, nòng cốt trong việc góp phần bảo vệ diện tích rừng tại địa phương, kết hợp hài hòa, đa dạng mô hình sản xuất phát triển nông, lâm, thủy sản, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển; hạn chế tình trạng manh mún đất sản xuất, giữ điều kiện cân bằng sinh thái thì hiệu quả sản xuất của lâm trường hiện nay chưa cao, chưa thu hút được đông đảo lao động, nhiều diện tích đất vẫn còn chưa khai thác hiệu quả do chưa quy hoạch được hoặc đất nằm xen kẽ với đất của dân cư và các địa phương. Ðây chính là những khó khăn vướng mắc cần giải quyết, nhất là trong điều kiện hiện nay, cần nâng cao hiệu quả kinh tế từ quản lý và sử dụng đất tại các NLT quốc doanh. Tương tự, tại Nông trường Tam Ðảo, tỉnh Phú Thọ hiện đang được giao quản lý hơn 836 nghìn ha, trong đó riêng đất sản xuất nông nghiệp là 412 nghìn ha, đất lâm nghiệp là 149 nghìn ha. Tuy nhiên, diện tích đất phi nông nghiệp của nông trường hiện còn khá lớn, chiếm tới hơn 200 nghìn ha. Ðất sản xuất nông nghiệp của nông trường hiện nay cơ bản đã được quy hoạch, cải tạo thành những lô thửa tương đối bằng phẳng, thuận lợi cho việc canh tác bằng cơ giới và áp dụng khoa học-kỹ thuật trong thâm canh. Tuy nhiên, do địa bàn có độ dốc cao, đất bị xói mòn gây bạc màu, độ mùn thấp đang là lực cản lớn đối với nông trường này trong việc đưa cây trồng có năng suất cao vào sản xuất. Ban lãnh đạo Nông trường Tam Ðảo thừa nhận, so với tiềm năng về đất đai và lao động thì hiệu quả sản xuất, kinh doanh của đơn vị đạt được còn thấp. Do đó việc đổi mới, sắp xếp lại là xu thế khách quan, biến nó trở thành khu vực phát triển kinh tế năng động.

Tỉnh Thái Nguyên là một trong những địa phương có diện tích đất NLT quốc doanh khá lớn trong cả nước, với 206.999 ha đất lâm nghiệp, 146.639 ha đất có rừng, chiếm 41,4% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Bên cạnh đó, diện tích đất chưa sử dụng của tỉnh còn chiếm tới 17%. Ðây cũng là nhiệm vụ đặt ra để tỉnh nhanh chóng tiến hành các biện pháp phủ xanh đất trống đồi trọc. Là một địa phương miền núi, có nhiều lâm trường cho nên tỉnh luôn quan tâm chú trọng công tác bảo vệ và phát triển lâm nghiệp. Ðối với những xã có diện tích đất lâm nghiệp từ 300 ha trở lên, tỉnh đã có chủ trương thành lập Ban lâm nghiệp xã và có cán bộ lâm nghiệp chuyên trách. Những diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng xung yếu gần dân, dễ bị tác động sẽ tổ chức giao, khoán cho hộ gia đình. Những diện tích có vị trí phức tạp, xa khu dân cư thì giao, khoán cho các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư ở địa phương quản lý bảo vệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðặng Viết Thuần cho biết.

Tương tự Thái Nguyên, Bắc Cạn là địa phương có diện tích đất lâm nghiệp khá lớn. Tuy nhiên, theo đánh giá của Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hoàng Văn Hải, hiện nay, công tác giao đất, giao rừng tại các lâm trường, nhất là các ban quản lý rừng còn nhiều bất cập. Ngành lâm nghiệp tỉnh kiến nghị cần sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các Ban quản lý rừng đặc dụng. Tổ chức việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho các hộ sống trong vùng lõi khu bảo tồn, các vườn quốc gia để người dân yên tâm sản xuất lâu dài và ổn định cuộc sống.

Ðể nâng cao hiệu quả của việc quản lý, sử dụng đất tại các NLT quốc doanh, trước hết cần nhanh chóng tháo gỡ, giải quyết triệt để những bất cập làm nảy sinh các mâu thuẫn giữa NLT quốc doanh và người dân địa phương, nhất là tạo cơ chế, chính sách phù hợp để cả hai bên cùng có lợi, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương cũng như xóa đói, giảm nghèo cho người dân nơi đây.

(còn nữa)

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến hết năm 2011, cả nước có 664 NLT và ban quản lý rừng, sử dụng hơn 6,8 triệu ha đất. Trong đó diện tích đất nông nghiệp 6,4 triệu ha (chiếm 94,25%); đất phi nông nghiệp hơn 75 nghìn ha (chiếm 1,11%); đất chưa sử dụng và đất có mặt nước ven biển 316 nghìn ha (chiếm 4,63%).
Bài và ảnh: VŨ THÀNH
Nguồn:nhandan.com.vn
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập154
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm147
  • Hôm nay70,813
  • Tháng hiện tại870,644
  • Tổng lượt truy cập90,934,037
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây