Phóng viên Báo NTNN đã trao đổi với bà Phạm Thị Thanh Tâm (ảnh) – Chủ tịch Hội ND tỉnh Hải Dương về kinh nghiệm trong tổ chức vấn đề này.
Từ các mô hình kinh tế tập thể này, nhiều nông dân Hải Dương đã có thu nhập hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng.
Xin bà cho biết, thời gian qua Hội ND tỉnh Hải Dương đã có vai trò gì trong việc hỗ trợ nông dân tham gia các mô hình kinh tế tập thể?
- Đến nay, các cấp Hội ND trong tỉnh xây dựng được 410 mô hình kinh tế tập thể, trong đó có 374 mô hình triển khai có hiệu quả và thể hiện rõ sự tác động của Hội, từ việc tổ chức dạy nghề, tập huấn, chuyển giao KHKT, xây dựng các câu lạc bộ, tổ chức tham quan, trao đổi kinh nghiệm, cho vay vốn phát triển sản xuất.
Các mô hình này đều mang lại hiệu quả kinh tế cao với thu nhập từ 200 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/mô hình/năm. Tiêu biểu như mô hình: HTX trồng trọt (rau, ổi) theo tiêu chuẩn VietGAP xã Liên Mạc, huyện Thanh Hà; HTX chăn nuôi gà chọi lai thương phẩm xã Gia Lương, huyện Gia Lộc; HTX Thủy sản ở xã Đoàn Kết, huyện Thanh Miện, Câu lạc bộ Nuôi thủy sản ở xã Quang Khải (Tứ Kỳ), tổ liên kết thâm canh ổi an toàn ở các xã Liên Mạc, Tân Việt (Thanh Hà)… Đáng chú ý, trong năm 2019, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh Hải Dương đã trực tiếp xây dựng 3 mô hình tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn với 97 nông dân tham gia.
Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh tiếp tục chỉ đạo thành lập các mô hình Chi hội nông dân nghề nghiệp, Tổ hội nông dân nghề nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh đã có 46 mô hình chi hội nghề nghiệp được thành lập, với 1.815 hội viên nông dân tham gia và 65 mô hình tổ hội nghề nghiệp với 1.662 hội viên, với ngành nghề sản xuất, kinh doanh đa dạng, phong phú nhưng chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ.
Một trong những khó khăn hiện nay của nông dân là thiếu vốn sản xuất. Vậy Hội ND tỉnh Hải Dương đã có những hỗ trợ nào về vốn cho hội viên, thưa bà?
- Với mục đích tạo điều kiện cho nông dân sản xuất hàng hóa theo hướng liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế, hằng năm Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội cơ sở xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất.
Bên cạnh việc giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương, hội tăng cường tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho cán bộ hội và hội viên nông dân về vai trò của kinh tế tập thể, đẩy mạnh các phong trào thi đua gắn với hoạt động của các mô hình liên kết và hoạt động hỗ trợ nông dân. Chỉ tính riêng năm 2019, các cấp Hội ND trong tỉnh đã tín chấp với các ngân hàng cho 38.852 hộ nông dân vay với tổng số vốn hơn 2.291 tỷ đồng; hơn 75 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh. Hội đã tổ chức cung ứng 7.000 tấn phân bón trả chậm cho nông dân, cung ứng gần 300 tấn thức ăn thủy sản cho các thành viên câu lạc bộ nuôi thủy sản…
Được biết thời gian qua, Hội ND tỉnh còn rất sáng tạo với việc chọn nhân tố "nông dân giỏi" để xây dựng hiệu quả các mô hình kinh tế tập thể. Xin bà chia sẻ thêm về cách làm này?
Trong năm 2019, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh Hải Dương đã trực tiếp xây dựng 3 mô hình tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn với 97 nông dân tham gia.
- Hàng năm, Hội ND tỉnh Hải Dương có gần 130.000 nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi các cấp. Đây là những nông dân luôn đi đầu trong sáng tạo và ứng dụng khoa học kỹ thuật và tham gia phát triển kinh tế hợp tác. Chính vì vậy, thông qua phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, Hội đã lựa chọn các nông dân giỏi tiêu biểu nhất để hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển lên thành doanh nghiệp ở nông thôn. Hàng năm, trong số hơn gần 130.000 nông dân SXKD giỏi 4 cấp, Hội đã hỗ trợ hàng trăm nông dân giỏi (cấp tỉnh, cấp T.Ư, có điều kiện, tâm huyết) thành lập trang trại, công ty gia đình.
Các "doanh nghiệp nông dân" này đã chủ động động kết nối cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra không chỉ cho chính họ mà còn cho các tổ, nhóm nông dân khác khác. Điển hình như Công ty TNHH Hưng Việt của anh Tăng Xuân Trường - Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014 đã kết nối tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi nước ngoài hơn 20.000 tấn rau, củ, quả các loại mỗi năm cho nông dân…
Hay, mô hình liên kết nuôi gà của anh Phạm Đình Dừa (ở xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc) Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2015 - đã kết nối và bao tiêu hàng chục nghìn gà giống và gà thương phẩm cho các hộ cùng chăn nuôi gà phát triển kinh tế.
Ngoài ra, các "doanh nghiệp nông dân" này còn đang tạo việc làm ổn định cho hơn 2.000 lao động nông thôn. Việc làm này vừa góp phần nâng cao chất lượng phong trào vừa tạo động lực, gương sáng để nông dân tỉnh nhà học tập.
Xin cảm ơn bà!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã