Khu nuôi trồng thủy sản của Công ty CP Nhật Long (phường Hà Phong, TP Hạ Long).
Anh Nguyễn Văn Long chia sẻ: Gia đình tôi có thâm niên trong nghề nuôi trồng thủy sản. Năm 2009, tôi bắt đầu tiếp quản mô hình này với hơn 100ha, trong khi bản thân tôi không có chuyên môn về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Giai đoạn đầu, gia đình vẫn nuôi theo hình thức nuôi quảng canh. Tuy nhiên, tôi nhận thấy, khu vực này có môi trường ổn định, xa khu dân cư, không có các hộ nuôi thủy sản xung quanh nên ít ô nhiễm, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, nguồn nước có tỷ lệ mặn phù hợp, rất thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản có quy mô công nghiệp tập trung.
Với mong muốn nâng cao năng suất, sản lượng thủy sản nhằm phục vụ nhu cầu thị trường trong tỉnh, anh Long đã vay các nguồn vốn từ ngân hàng, người thân, bạn bè để đầu tư cơ sở hạ tầng như: Quy hoạch, san lấp mặt bằng, làm hệ thống ao nổi... với tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng để chuyển đổi từ nuôi quảng canh sang hình thức nuôi công nghiệp.
Theo anh Long, thời gian đầu chuyển sang nuôi công nghiệp gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn hạn chế, trong khi chi phí đầu tư vào hệ thống phụ trợ nuôi rất tốn kém. Khi đó anh chưa có nhiều kinh nghiệm nuôi công nghiệp nên khi đưa tôm, cá vào nuôi vài vụ đầu đã gặp thất bại.
Tuy nhiên với ý chí dám nghĩ, dám làm, quyết tâm đứng lên từ thất bại, anh đã rút ra bài học cho mình là khi môi trường, nguồn nước, thời tiết, con giống đã bước vào ổn định thì một yếu tố tiên quyết nữa là vấn đề kỹ thuật. Anh đã mời gọi những kỹ sư chuyên ngành thủy sản nhiều kinh nghiệm về làm việc cho mình để giám sát hoạt động nuôi. Qua đó, mô hình nuôi trồng thủy sản công nghiệp của anh đã thành công đúng như ý nguyện.
Anh Long chia sẻ: Khu nuôi thủy sản của tôi được phân làm 2 khu vực, gồm khu nuôi tôm và khu nuôi cá. Khu nuôi tôm gồm: Tôm thẻ chân trắng, tôm he, tôm sú, riêng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 20ha bao gồm ao nuôi, ao chứa nước, ao xử lý nước.
Trong nuôi tôm, vấn đề quan trọng nhất là nguồn nước, nếu nguồn nước không được xử lý theo quy trình sẽ gặp thất bại ngay. Do vậy, việc đánh giá độ mặn, pH... đều được kiểm tra thường xuyên hàng ngày. Khi phát hiện nguồn nước có yếu tố bất thường sẽ xử lý ngăn ngừa dịch bệnh. Nhờ vậy, tôm thẻ chân trắng tại Công ty luôn đạt 80-85% sản lượng. Còn khu vực nuôi cá song, cá vược và các loại cá nước mặn, lợ, mỗi năm cho sản lượng bình quân 50 tấn.
Cũng theo anh Long, mô hình nuôi thủy sản công nghiệp cho sản lượng tăng gấp 4 lần so với nuôi quảng canh trước đây. Hiện nay, Công ty đang thực hiện thành công dự án ứng dụng KHCN vào nuôi cá bống bớp thương phẩm. Từng bước đưa doanh nghiệp trở thành khu vực nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế, góp phần cung cấp nguồn thủy hải sản thương phẩm phục vụ nhu cầu du khách, người dân trên địa bàn tỉnh.
Không những vậy, Công ty còn cung cấp sản phẩm thủy sản cho bếp ăn công nghiệp của các đơn vị ngành Than đóng trên địa bàn tỉnh. Với mô hình nuôi trồng thủy sản, Công ty CP Nhật Long đạt doanh thu 11 tỷ đồng/năm, đồng thời tạo việc làm cho 30 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 7 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ đứng đầu doanh nghiệp thành công trong nuôi trồng thủy sản, anh Nguyễn Văn Long tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, giúp đỡ các em học sinh nghèo, gia đình hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế trên địa bàn tỉnh. Nhiều năm liền anh được bình bầu là hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và được thành phố, tỉnh và Trung ương tặng nhiều giấy khen, bằng khen.
Theo Dương Trường/quangninh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã