“Nuôi vịt lấy trứng liên tục từ năm 2010 đến nay, tôi chưa thấy khi nào người chăn thủy cầm gặp lại khó như năm nay. Cơ bản là do Covid-19 đã làm ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu. Các nhà máy, doanh nghiệp ở nước ta cũng phải giãn thợ hoặc dừng tăng ca. Theo đó thu nhập của người lao động cũng giảm, ảnh hưởng tới sức mua nông phẩm nói chung, trứng các loại nói riêng.
Cứ như mọi năm, ngày nào gia đình tôi cũng có thương lái đến mua trứng trắng, trứng lộn đưa vào nhà bếp các doanh nghiệp, cho công nhân ăn trưa và ăn đêm. Nhờ vậy, đàn vịt của tôi đẻ đến đâu bán hết ngay đến đó, thu nhập khá dễ chịu”, lão nông Dương Văn Thành (chủ trại nuôi vịt đẻ siêu trứng) ở xã Chính Nghĩa, Kim Động, Hưng Yên tiết lộ.
Trong hoàn cảnh như vậy, hầu hết các trang trại thủy cầm đều dập đẻ hoặc giảm lượng nuôi. Riêng nhà lão Thành vẫn duy trì được nguyên vẹn đàn vịt siêu trứng (9.000 con).
Có được kết quả trên, vì cứ đến mùa gặt lúa là lão Thành lại thuê thêm lao động, thả đàn vịt hậu bị ra chăn nuôi ngoài đồng, để chúng tự kiếm ăn các hạt thóc rơi vãi và cua, cá, ốc trên ruộng, hết mùa gieo cấy, lão lại lùa vịt về nuôi nhốt trong ao vườn, cho ăn công nghiệp.
Theo tính toán, cứ chăn thả 1.000 vịt trên đồng trong thời gian giao mùa gặt - cấy (30 ngày), lão Thành sẽ đỡ được 30 triệu đồng mua cám ăn cho vịt, mà vịt vẫn mau lớn, ít dịch bệnh. Qui đổi ra, nuôi 6.000 vịt hậu bị, mỗi năm chăn thả được hơn 2 tháng giao mùa/ 2 vụ lúa, lão Thành tiết giảm được ngót 400 triệu đồng, trừ công thuê mướn người quản lý đàn vịt, lão vẫn ăn ra 300 triệu đồng, đây là khoản thu không hề nhỏ.
Ngoài nuôi vịt đẻ là chính, lão Thành còn có gần 1,5ha ao nuôi cá, 500 con ngan đẻ và 3 máy ấp trứng các loại. Được cái các nguồn thu phụ này vẫn cho lãi khá, đủ bù đắp cho các khoản lỗ từ chăn nuôi vịt đẻ. Để các loại vịt ít làm ảnh hưởng đến sản lượng cá nuôi, lão Thành thường xuyên quây lưới, khống chế đàn vịt chỉ được vẫy vùng trong một góc ao 1.000m2, kết hợp với nuôi nhốt trên cạn. Những cách làm này đã giúp lão cầm cự được số lượng thủy cầm khủng, chờ giá trứng nhích lên sẽ cho lãi đậm. Bới lúc đó đàn vịt của lão được coi là hàng “độc”, khi các trang trại khác kịp tái đàn, thì lão đã “ăn đủ”. Âu cũng là, “Có chí làm quan, có gan làm giàu”
Tâm sự về quá trình đến với nghề nuôi vịt siêu trứng, lão Thành bộc bạch: Từng có hơn 10 khoác áo lính tới quân hàm thượng úy, nhưng máu làm giàu, ưa phóng túng, lão đã xin được phục viên, về quê xoay xỏa với ruộng đồng, cấy tới 2 mẫu lúa mà cuộc sống vẫn không khá lên được, lão lại dắt díu vợ con vào tận Ninh Thuận, lập nghiệp bằng nghề trồng nho, nhờ hợp cảnh hợp người, lão kiếm được khá nhiều tiền.
Cuộc sống cứ như vậy, rồi một ngày soi gương, giật mình thấy trên đầu đã hai thứ tóc, cũng là lúc mẹ già ở quê, tuổi cao sức yếu, cần có người để sớm hôm chăm sóc. Thế là, một lần nữa lão Thành lại làm cuộc di cư, về nơi chôn rau cắt rốn.
Nhưng vì bấy lâu, hòa chung cách sống “anh Hai”, luôn hết mình! Rồi ngày mai lại tính, thành thử về quê lần này, lão Thành cũng gần như tay trắng, có khác là, lão đã “Đi một đàng học một sàng khôn”. Nên ngay khi biết khoảnh đất công điền đầy dẫy thùng vũng của xã, không ai canh tác hiệu quả, lão đã xuống tay thầu liền một lần 2,5ha, rồi giao cho các con, mỗi đứa một góc, lão giữ một góc, cùng đào ao thả cá, chăn nuôi ngan, vịt đẻ.
Ngày tháng thoi đưa, dù tuổi tác đã ở bên kia đỉnh dốc, mà 10 năm gắn bó với VAC, lão Thành vẫn làm được nhà trong làng khang trang bề thế, xây dựng được hạ tầng chăn nuôi kiên cố, mua sắm được nhiều loại máy móc phục vụ sản xuất kịp thời, tổng giá trị đầu tư ước 3 tỷ đồng.
Tuy có nhà ở, đủ tiện nghi hiện đại, nhưng lão Thành vốn thấm cách sống miền Nam - phóng khoáng, thoáng đãng. Nên làm nhà chủ yếu để thân sinh và vợ con an cư, còn lão vẫn thường xuyên lưu lại gữa đồng, quanh năm lộng gió, vừa chăm nom đàn vịt, vừa thích gì có nấy, cá sẵn dưới ao, rau quả sạch trồng được, thịt vịt và trứng thì nhiều vô kể...
“Kinh nghiệm cho thấy, trứng gà đã lên giá, rồi trứng vịt cũng sẽ lên”, lão Thành nhận định.
Theo Nguyễn Hải Tiến/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã