Bài 1: Những mô hình tiên phong
Từ năm 2004, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp Tổ chức Phát triển Nông nghiệp châu Á của Ðan Mạch (ADDA) hỗ trợ nhiều nhóm nông dân tại các tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Hòa Bình… tiếp cận và thực hành nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Từ những bước đi ban đầu này, đến nay cả nước có 33 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố sở hữu các mô hình trồng trọt và chăn nuôi thủy sản theo hướng hữu cơ.
Phát triển khá cân đối
Dọc theo chiều dài đất nước, nông nghiệp hữu cơ hiện đang phát triển khá cân đối, trong đó Bắc Ninh là một trong những địa phương tiêu biểu. Tại trang trại Giang Nam ở thôn Bùi Xá, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, thuộc Công ty CP nông sản xanh đã áp dụng thành công mô hình vườn ao chuồng (VAC) bằng công nghệ mới vào trong chăn nuôi, trồng trọt. Ðó là công nghệ sử dụng chế phẩm EM là tổng hợp năm nhóm vi sinh vật hữu hiệu của nhà khoa học Nhật Bản. Hiện dây chuyền chăn nuôi, sản xuất khép kín hữu cơ của trang trại Giang Nam đã giới thiệu và đưa được một loạt các sản phẩm đầu ra là thịt tươi, pa-tê, xúc xích, giò bán tại hệ thống các cửa hàng thực phẩm sạch như: Thực phẩm Ðồng Xanh, EcoFoods… tại Hà Nội.
Ở miền trung, Tập đoàn TH cũng đang áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế của Mỹ và châu Âu tại trang trại rau FVF (14,7 ha) và trang trại dược liệu TH (20 ha) ở huyện Nghĩa Ðàn, huyện Yên Thành (Nghệ An). Tháng 12-2015, tổ chức Control Uni-on đã cấp chứng nhận hữu cơ USDA-NOP và EC 834/2007 cho 37 loại rau sạch và năm loại thảo dược của TH. Gấc, rau má, lạc tiên, lá và quả hồng hữu cơ đã được doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ để chế biến dòng sản phẩm thức uống thảo dược. Năm 2016, tập đoàn cũng đưa vào vận hành trang trại chăn nuôi bò sữa hữu cơ lớn nhất Việt Nam với số lượng 1.000 con. Ðể có nguồn thức ăn tiêu chuẩn cho bò, tập đoàn đã đầu tư 328 ha đồng cỏ và ngô hữu cơ tại tỉnh Nghệ An.
Tại Nam Bộ, theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang thì sau sự kiện ngày 26-12-2017, khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức lễ công bố Xuất khẩu lô vú sữa Việt Nam đầu tiên sang thị trường Mỹ, đến nay, đã có chín vùng trồng được cấp mã code tại xã Mỹ Lương và Mỹ Lợi A (huyện Cái Bè); xã Mỹ Long và Long Tiên (huyện Cai Lậy); xã Bình Trưng, Long Hưng, Hữu Ðạo, Bàng Long và Vĩnh Kim (huyện Châu Thành) với tổng diện tích 120 ha. Theo đánh giá của các chuyên gia, những trái vú sữa sản xuất trong vùng được cấp mã code có mẫu mã đẹp hơn, chất lượng được nâng lên, bảo đảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở mức cho phép mà không bị nhiễm ruồi đục trái vú sữa. Hai doanh nghiệp xuất khẩu vú sữa là Công ty TNHH sản xuất chế biến nông sản Cát Tường và Công ty TNHH Ðại Lâm Mộc đã xác định vùng trồng được cấp mã code. Hai doanh nghiệp này đã xuất khẩu được 73 tấn vú sữa sang Mỹ và đang tiếp tục thu mua, xuất khẩu, được các đối tác tin cậy nhờ kiểm soát tốt quy trình sản xuất, có thiết bị xử lý nhiệt, chiếu xạ và đóng gói sản phẩm.
Chúng tôi cũng đã về ấp Mỹ Khương, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang gặp ông Lê Văn Thủy để tìm hiểu về mô hình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang triển khai thực hiện. Ông Thủy cho biết, khi làm theo mô hình VietGAP, ông và nhiều hộ dân cùng hợp tác xã phải ghi chép sổ sách, nhật ký sản xuất một cách tỉ mỉ, quản lý dịch bệnh từ đầu theo hướng hữu cơ, sinh học. Do đó, dù đầu ra sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn nhưng ông và gia đình vẫn kiên trì con đường sản xuất theo mô hình sản phẩm sạch, kiểm soát được dư lượng phân bón, thuốc trừ sâu. Năm 2015, khi Hợp tác xã (HTX) thanh long Mỹ Tịnh An bắt đầu hoạt động và tìm kiếm nguồn cung thanh long bền vững phục vụ hoạt động xuất khẩu, ông Thủy gia nhập HTX và tham gia dự án Sản xuất thanh long tiêu chuẩn GlobalGAP.
Sau đó, ông tham gia chuỗi sản xuất ở mức cao hơn là sản xuất trái thanh long hữu cơ nhờ đội ngũ kỹ thuật của HTX tham vấn kỹ lưỡng chuyển đổi mô hình quản lý nuôi trồng, thu hoạch kiểm soát dịch bệnh theo quy trình sinh học. Từ đây, vườn thanh long hữu cơ rộng gần 1,7 ha của ông được bao tiêu tiêu thụ sản phẩm ổn định. HTX mua cao hơn giá thị trường từ 1.000 đến 3.000 đồng/kg cho nên trung bình mỗi năm, vườn cây của ông cung ứng cho HTX 50 đến 70 tấn thanh long, thu về trung bình 800 triệu đến một tỷ đồng, đạt lợi nhuận gần 500 triệu đồng.
Nhiều khó khăn, thách thức
Về lý thuyết, người tiêu dùng đều hiểu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ bảo đảm an toàn cho cả người sản xuất và sử dụng, nhưng để cho ra sản phẩm hữu cơ, doanh nghiệp nông nghiệp phải vượt qua rất nhiều khó khăn, do yêu cầu quản lý nghiêm ngặt ở tất cả các khâu tốn nhiều công lao động, chi phí tăng cao. Trong khi đó, trên thị trường sản phẩm thông thường và sản phẩm hữu cơ lại chưa có sự phân biệt rõ ràng, do vậy đã xuất hiện tình trạng thiếu minh bạch, lợi dụng giá bán cao gây mất niềm tin của người tiêu dùng.
Hơn nữa, ở nước ta vẫn chưa có tổ chức nào cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ. Các sản phẩm nông nghiệp muốn được chứng nhận hữu cơ phải dựa vào tổ chức của nước ngoài như: IMO, JAS, Control Uni-on, liên hiệp kiểm soát (SKAL), ICEA, ACT… Ðáng chú ý, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, hiện Việt Nam vẫn thiếu bộ tiêu chuẩn quốc gia đánh giá hữu cơ để giúp minh bạch thông tin sản phẩm, gây dựng niềm tin với người tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hữu cơ trên thị trường và hội nhập quốc tế.
Mặt khác, chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn chưa có. Ngày 9-1-2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/2012/QÐ-TTg về chính sách hỗ trợ việc áp dụng các thực hành nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản bao gồm hữu cơ, nhưng hầu hết chỉ hỗ trợ cho an toàn/GAP. Bên cạnh đó, khi thiên tai thời tiết bất thường xảy ra những cơ sở sản xuất nông nghiệp hữu cơ luôn phải gánh chịu rất nhiều thiệt thòi.
Ngoài thiên tai, thời tiết, không ít cơ sở sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn vướng phải những khó khăn khác. Theo ông Ðoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty sản xuất, chế biến nông sản Cát Tường (TP Mỹ Tho - Tiền Giang) - một trong những doanh nghiệp hàng đầu không chỉ ở Tiền Giang mà còn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long về xuất khẩu trái cây, với tổng kim ngạch hơn 30 triệu USD/năm: Cuối năm 2017, để trái cây Việt Nam vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Ðài Loan (Trung Quốc),... công ty quyết định đầu tư một dàn máy xử lý nhiệt trị giá khoảng 1,2 triệu USD từ Nhật Bản. Ðể vận hành dây chuyền này, công ty đã nhờ phía Nhật Bản lắp đặt, đồng thời tự bỏ kinh phí đào tạo hai kỹ sư để vận hành thiết bị. Riêng khoản chi phí này tốn kém khoảng hơn 130 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, khi thiết thị đã sẵn sàng hoạt động chỉ còn chờ Cục Kiểm dịch vào kiểm tra và cấp phép hoạt động, thì năm lần bảy lượt, doanh nghiệp chờ đợi, mời gọi, nhưng 5 tháng nay, thiết bị vẫn chưa được kiểm định. Tính sơ sơ, trong gần năm tháng "đắp chiếu", kinh phí bảo dưỡng, duy trì của bộ máy xử lý nhiệt này đã lên tới 700 đến 800 triệu đồng, chưa kể doanh nghiệp có nguy cơ không hoàn thành được những hợp đồng cung ứng trái cây cho các thị trường khó tính như Hàn Quốc, thậm chí còn bị phạt là rất lớn.
(Còn nữa)
Theo Tâm Tuấn - Phong Sơn/nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã